Tài Chính
ĐCSVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục chia sẻ, cập nhật thường xuyên các đánh giá, dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu, tác động tới các nền kinh tế khu vực và tư vấn các chính sách điều hành vĩ mô cho Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Paulo Medas, Trưởng đoàn tham vấn và giám sát kinh tế vĩ mô Việt Nam của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). (Ảnh: Dương Giang/ TTXVN). |
Chiều 21/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đoàn Điều IV, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do ông Paulo Medas làm Trưởng đoàn đang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Chào mừng Đoàn công tác của IMF đến thăm và làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng qua các buổi làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan của Việt Nam, Đoàn đã có được bức tranh tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.
Ông Paulo Medas cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp Đoàn; bày tỏ ấn tượng trước những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm qua, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, biến động như hiện nay; đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, xử lý ngân hàng yếu kém và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hỗ trợ cho tăng trưởng…
Cho rằng, sau thời gian tăng trưởng ấn tượng, những năm tới kinh tế Việt Nam mặc dù vẫn tăng trưởng hơn các nước trong khu vực, song có thể không như giai đoạn vừa qua, do các yếu tố mang tính toàn cầu, cũng như các vấn đề nội tại như già hóa dân số, biến đổi khí hậu…, Trưởng Đoàn Điều IV của IMF khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh minh bạch; tăng cường quản trị, phòng chống tham nhũng; khơi thông các rào cản thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, năng lượng tái tạo…
Cảm ơn những hỗ trợ của IMF dành cho Việt Nam, nhất là trong tư vấn chính sách, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, những tháng đầu năm kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro, thách thức tác động tới kinh tế trong nước, nhưng nhờ sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong phạm vi cho phép; đời sống người dân được nâng lên...
Thủ tướng Chính phủ cho biết, là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, có độ mở lớn, do đó Việt Nam phải lựa chọn chính sách phù hợp tình hình. Hiện nay Việt Nam kiên định mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, hoàn thiện thể chế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó tạo điều kiện tháo gỡ các nút thắt cho phát triển; giúp giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo không gian phát triển mới; đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển thời kỳ mới, nhất là trong các lĩnh vực mới nổi.
Nhất trí với khuyến nghị của Đoàn công tác, Thủ tướng cho biết, để duy trì tăng trưởng cao và bền vững, Chính phủ chủ trương làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức… Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công, nhất là phát triển hạ tầng giao thông; sẽ phát hành trái phiếu Chính phủ, doanh nghiệp, công trình; thực hiện các biện pháp giảm thuế, phí, lệ phí và các chính sách khác để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tin tưởng, Việt Nam sẽ đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 cũng như giai đoạn 2021-2026.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hợp tác thực chất và hiệu quả giữa Việt Nam và IMF trong thời gian qua; đề nghị IMF tiếp tục chia sẻ, cập nhật thường xuyên các đánh giá, dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu, tác động tới các nền kinh tế khu vực và tư vấn các chính sách điều hành vĩ mô cho Việt Nam; tăng cường quan hệ hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo trong các lĩnh vực như quản lý kinh tế, quản lý ngân sách, chính sách tiền tệ, tỷ giá, quản lý ngân hàng, phát triển thị trường vốn, tài chính xanh…; mở rộng hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.
Nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Paulo Medas đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Nhà nước tăng cường phối hợp, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, điều hành chính sách, nhất là chính sách tài khóa và tiền tệ; chính sách thu hút đầu tư; kiểm soát lạm phát…; cho biết IMF sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam như đề nghị của Thủ tướng Chính phủ./.
Phạm Tiếp/TTXVN