Thuế cơ bản 10% có hiệu lực, Tổng thống Donald Trump trấn an người dân nước Mỹ

06/04/2025 13:03 311

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/4 khẳng định, chính sách thuế quan mới áp dụng với nhiều quốc gia nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ, song cũng thừa nhận quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn và cần sự kiên nhẫn từ người dân Mỹ.

Hàng hóa được bày bán trong siêu thị ở New York, Mỹ ngày 28/3/2025. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong thông điệp đăng trên nền tảng mạng xã hội Truth Social, ông Trump tuyên bố Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ về việc làm và hoạt động kinh doanh, gọi đây là “cuộc cách mạng kinh tế” sẽ mang lại kết quả sẽ mang tính lịch sử", nhưng thừa nhận con đường phía trước sẽ đầy thử thách.

Tổng thống Trump bình luận như vậy sau khi mức thuế quan toàn diện 10% của Mỹ với tất cả các đối tác thương mại có hiệu lực tại các cảng biển, sân bay và kho hải quan của Mỹ từ 0 giờ 1 phút sáng 5/4 (theo giờ miền đông nước Mỹ, tức khoảng 11 giờ 1 phút trưa cùng ngày theo giờ Việt Nam). Mức thuế này đánh vào hầu hết mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, ngoại trừ hàng hóa từ Mexico và Canada.

Bên cạnh mức thuế cơ bản 10%, khoảng 60 đối tác thương mại khác của Mỹ sẽ chịu mức thuế đối ứng có hiệu lực từ 0 giờ 1 phút ngày 9/4 (giờ địa phương).

Trong số các nền kinh tế lớn bị ảnh hưởng nhiều nhất có Liên minh châu Âu (EU) với mức thuế đối ứng 20% và Trung Quốc chịu thêm mức thuế đối ứng là 34%, ngoài mức 20% hiện tại.

Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đã vấp phải sự phản ứng từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ. Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế 34% đối với tất cả hàng hóa Mỹ từ ngày 10/4, đồng thời nộp đơn lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kiện Mỹ về chính sách thuế.

[Video] Thời sự 24h ngày 5/4/2025: Nhìn lại 3 ngày biến động sau khi Hoa Kỳ công bố mức thuế quan mới

Tin liên quan

[Video] Thời sự 24h ngày 5/4/2025: Nhìn lại 3 ngày biến động sau khi Hoa Kỳ công bố mức thuế quan mới

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt khác, như đưa 11 thực thể của Mỹ vào danh sách thực thể không đáng tin cậy; bổ sung 16 thực thể của Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu; mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với ống CT y tế nhập khẩu từ Mỹ và Ấn Độ.

Bộ này sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thực hiện kiểm soát xuất khẩu đối với 7 loại đất hiếm trung bình và nặng, gồm samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium và yttrium.

EU, Nhật Bản và nhiều nền kinh tế lớn khác cũng nằm trong danh sách chịu mức thuế mới từ Mỹ. Thay vì đưa ra biện pháp đáp trả thuế quan, EU và một số nước đang cân nhắc các phương án đàm phán. Ủy viên thương mại EU, ông Maros Sefcovic, tuyên bố khối này sẽ có phản ứng "bình tĩnh, theo từng giai đoạn và thống nhất” song khẳng định EU sẽ hành động.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba kêu gọi cách tiếp cận "bình tĩnh" trong đàm phán với Tổng thống Donald Trump, cho dù các biện pháp thuế của Mỹ hiện nay đang tạo ra “khủng hoảng quốc gia” đối với Nhật Bản.

Thủ tướng Anh Keir Starmer khẳng định sẽ làm "mọi điều cần thiết" để bảo vệ lợi ích quốc gia. Thủ tướng Starmer nhắc lại rằng ông sẽ có cách tiếp cận "bình tĩnh" đối với thuế quan thay vì trả đũa ngay lập tức, nói thêm rằng "tất cả các phương án vẫn đang được cân nhắc".

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, D.C (Ảnh: Tân Hoa xã)

Tin liên quan

Nhiều quốc gia thúc đẩy đàm phán thuế quan với Washington

Tương tự, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nam Phi Parks Tau và Bộ trưởng Quan hệ quốc tế Ronald Lamola cho biết, nước này lựa chọn giải pháp ngoại giao thay vì trả đũa sau chính sách áp thuế đối ứng của Tổng thống Trump đối với hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Nam Phi.

Trong khi đó, một số nước như Pháp và Đức cho biết đang cân nhắc các biện pháp đáp trả, bao gồm đánh thuế các tập đoàn công nghệ Mỹ.

Thị trường toàn cầu phản ứng tiêu cực với chính sách thuế quan của Mỹ. Theo dữ liệu từ Dow Jones Market Data, chứng khoán Mỹ “bốc hơi” khoảng 5.000 tỷ USD trong 2 phiên giao dịch ngày 3/4 và 4/4 vừa qua, đánh dấu 2 ngày sụt giảm giá trị thị trường lớn nhất trong lịch sử. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu cũng đồng loạt giảm điểm mạnh.

Giới chuyên gia cảnh báo, các biện pháp này có thể làm tăng chi phí hàng hóa, đẩy lạm phát lên cao và làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định, các mức thuế toàn cầu mới của Tổng thống Trump đánh dấu "đợt tăng thuế quan sâu rộng nhất kể từ Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930" - đạo luật thường được nhắc tới như nguyên nhân châm ngòi cho cuộc chiến thương mại toàn cầu và làm trầm trọng thêm cuộc Đại suy thoái.

Chủ đề: Chung quanh chính sách áp thuế quan của Mỹ

Thuế cơ bản 10% có hiệu lực, Tổng thống Donald Trump trấn an người dân nước Mỹ

Mỹ áp thuế: Pháp lo ngại GDP giảm, Anh sẵn sàng can thiệp để bảo vệ doanh nghiệp

Toàn cầu hóa đã kết thúc?

Nguồn TTXVN

Quảng cáo 2