Chủ nhật, 11/02/2024 11:52 (GMT+7)
(ĐCSVN) - 2023 là một năm khó khăn đối với thị trường tài chính (TTTC) Việt Nam. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và nhờ sự nỗ lực, tận tâm của ngành Tài chính, các TTTC đã được củng cố, tháo gỡ, xử ký kịp thời khó khăn vướng mắc để ngày càng phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: HT) |
Dấu ấn trong điều hành đảm bảo sự phát triển lành mạnh
Phóng viên: Được đánh giá là một năm khó khăn đối với TTTC, theo Bộ trưởng, đâu là dấu ấn trong điều hành của Bộ Tài chính nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của TTTC trong năm 2023 vừa qua?
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Năm 2023, các TTTC tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử ký kịp thời khó khăn vướng mắc để ngày càng phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), để hỗ trợ thị trường có thêm thời gian điều chỉnh trước các khó khăn của TTTC, tiền tệ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP tạm ngưng hiệu lực tại một số quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm, thời gian phân phối trái phiếu, đồng thời cho phép doanh nghiệp (DN) đàm phán với NĐT trên tinh thần “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”. Các chính sách tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được các Bộ, ngành, các Hiệp hội đánh giá cao, góp phần ổn định tâm lý NĐT, giãn áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn; đồng thời, đây cũng là văn bản pháp lý tiền đề làm cơ sở để các Bộ, ngành tiếp tục ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn ngắn hạn của TTTC.
Đối với thị trường chứng khoán (TTCK), Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện các đề án lớn về chiến lược phát triển, cơ cấu lại TTCK, thành lập sàn giao dịch vốn cho DN khởi nghiệp sáng tạo... Đồng thời, đã tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng thị trường như: FTSE Russell và MSCI nhằm tiếp tục đẩy nhanh quá trình nâng hạng TTCK Việt Nam. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, thao túng giá,... nhằm tạo tiền đề và đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và nhờ sự nỗ lực, tận tâm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Tài chính đã hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023 đặt ra, góp phần vào thành quả phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.
Phóng viên: "Minh bạch" và "hiệu quả" là từ khóa được thành viên thị trường quan tâm nhất trong năm 2023 vừa qua. Bộ Tài chính đã triển khai những giải pháp gì để đưa TTCK Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Tăng cường minh bạch thông tin để TTCK hoạt động công bằng, hiệu quả luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Tài chính. Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) triển khai các giải pháp để nâng cao tính minh bạch của TTCK.
Trong đó: Đối với các công ty đại chúng, công ty niêm yết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công bố thông tin của các DN này nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của DN trong tuân thủ quy định về công bố thông tin, đồng thời, phát hiện sớm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng triển khai các đợt kiểm tra, giám sát tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính của công ty đại chúng và chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).
Thực tế, trong 11 tháng đầu năm 2023, UBCKNN đã xử phạt 74 công ty đại chúng vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin trên TTCK và đình chỉ tư cách của 5 tổ chức kiểm toán, 26 kiểm toán viên được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán nhằm tăng cường tính răn đe và minh bạch thị trường.
Hiện nay, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo UBCKNN thực hiện triển khai kết nối hệ thống công bố thông tin của Hose và HNX với hệ thống công bố thông tin của UBCKNN nhằm cho phép công ty đại chúng chỉ cần thực hiện công bố thông tin tại một đầu mối là Sở Giao dịch Chứng khoán nơi công ty niêm yết/đăng ký giao dịch, góp phần hỗ trợ DN, nhà đầu tư trong quá trình công bố/tiếp cận thông tin.
Đối với các tổ chức trung gian trên TTCK, Bộ Tài chính đang chỉ đạo UBCKNN tiếp tục triển khai các giải pháp tái cấu trúc công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ (CTQLQ) nhằm nâng cao năng lực của các công ty, tiến hành xử lý thanh lọc các CTCK, CTQLQ yếu kém, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng huy động tài sản để quản lý, đảm bảo hoạt động cơ cấu lại không làm gián đoạn hoạt động ổn định của công ty; rà soát, phân loại các công ty để có biện pháp xử lý đối với từng nhóm công ty cụ thể theo quy định pháp luật.
Phóng viên: Bộ Tài chính có kế hoạch gì cho mục tiêu nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu của Chính phủ, Bộ Tài chính nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài cho phát triển kinh tế, tài chính đất nước, góp phần tác động tích cực đến quá trình cổ phần hoá của Chính phủ, gia tăng số lượng NĐT tổ chức có quy mô lớn, đa dạng hóa cơ sở NĐT từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của DN, quản trị công ty. Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian qua, chúng tôi đã tích cực phối hợp các Bộ, ngành liên quan, trực tiếp chỉ đạo UBCKNN triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc xem xét nâng hạng TTCK.
Trong đó, chúng tôi tập trung vào các giải pháp cốt lõi sau: Thứ nhất, tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với yêu cầu chuyển tiền và thanh toán sau giao dịch đối với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Thông lệ tại đa số TTCK các nước trên thế giới là NĐT nước ngoài không phải ký quỹ trước giao dịch mà chỉ thực hiện thanh toán khi giao dịch đã thành công trong khi TTCK Việt Nam yêu cầu mọi NĐT phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán trên tài khoản trước giao dịch. Để xử lý vướng mắc này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN phối hợp cùng Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) làm việc với các thành viên thị trường cùng tìm giải pháp tháo gỡ.
Thứ hai, đối với vướng mắc về khả năng tiếp cận thông tin về DN niêm yết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN thực hiện cập nhật thường xuyên các thông tin về TTCK trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính bằng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) để tạo thuận lợi cho NĐT nước ngoài dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu, nắm bắt được thông tin về khả năng tham gia của NĐT nước ngoài tại các DN…
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tích cực và chủ động phối hợp các Bộ, ngành liên quan và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xử lý vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài và tự do hóa tài khoản vốn, quy định về quản lý ngoại hối. Có thể nói, để TTCK Việt Nam được nâng hạng, ngoài nỗ lực của Bộ Tài chính, rất cần chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và sự chung tay của nhiều Bộ, ngành, DN. Với vai trò đơn vị đầu mối, Bộ Tài chính đang khẩn trương và quyết liệt thực hiện các giải pháp và hy vọng TTCK Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng trong thời gian tới.
Kỳ vọng thị trường trái phiếu tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế
Phóng viên: Nhiều kỳ vọng các điều chỉnh về khuôn khổ pháp luật và nhận thức về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện tại sẽ mở ra một chu kỳ mới cho sự phát triển của thị trường, một chu kỳ phát triển ổn định, thực chất hơn, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Thời gian qua, thị trường TPDN đã hình thành và đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế và thực sự được quan tâm phát triển trong 5 năm trở lại đây. Chúng ta đã chứng kiến thị trường TPDN rất sôi động. Tuy vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, thị trường TPDN đã phát triển nhanh với quy mô tăng trưởng bình quân khoảng 33%/năm, đáp ứng nhu cầu huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế theo đúng chủ trương, mục tiêu của Đảng và Nhà nước là phát triển cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường trái phiếu (TTTP) nhằm giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Tính đến cuối tháng 10/2023, dư nợ TPDN khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 10,5% GDP, bằng 8% tổng dư nợ tín dụng, cho thấy đây là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Cùng với sự phát triển của thị trường, chúng ta cơ bản đã xây dựng được khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường TPDN phát triển. Tuy nhiên, so quy mô thị trường TPDN so GDP của một số quốc gia trong khu vực hiện nay như Malaysia (45%) và Thái Lan (26%), thị trường TPDN tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn của DN để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19 là tương đối lớn.
Hiện nay, quy mô thị trường TPDN chỉ chiếm khoảng 10% GDP trong khi quy mô thị trường tín dụng chiếm đến khoảng 130% GDP, phản ánh thực trạng thị trường vốn Việt Nam đang phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển thị trường TPDN đã có những vấn đề bất cập như tái cơ cấu chưa cân bằng giữa phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Một số DN phát hành trái phiếu huy động vốn có nhiều rủi ro cao, cá biệt có một số trường hợp lợi dụng những quy định thông thoáng của Luật DN khi thành lập hoạt động của DN vi phạm pháp luật về công bố thông tin và sử dụng trái mục đích.
Trong thời gian tới, để thị trường TPDN phát triển đúng với tiềm năng và vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế cần có sự “chung tay góp sức” của tất cả các chủ thể tham gia trên thị trường.
Về trung và dài hạn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp các Bộ, ngành, rà soát tổng thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến phát hành TPDN riêng lẻ (Luật Chứng khoán, Luật DN). Đồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống các NĐT tổ chức, các quỹ đầu tư (gồm quỹ đầu tư trái phiếu); tăng cường nguồn lực, nhân sự để quản lý, giám sát và phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK, thị trường TPDN; tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và giám sát liên thông giữa các Bộ, ngành về ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
DN còn dư nợ trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của DN thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.
Về phía NĐT cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về DN phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của DN, phân biệt rõ sản phẩm TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. NNĐ cũng cần lưu ý rủi ro của trái phiếu gắn trực tiếp với rủi ro của DN phát hành, không phải rủi ro của ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu.
Để phát triển thị trường TPDN an toàn, lành mạnh, củng cố niềm tin của NĐT thì từng chủ thể tham gia trên thị trường cũng cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật (Ảnh: KT). |
Phóng viên: Có nhiều dự cảm về triển vọng tích cực hơn cho nền kinh tế năm 2024, tuy nhiên khó khăn vẫn là câu chuyện cộng đồng DN nhắc đến, đặc biệt áp lực đáo hạn trái phiếu chắc chắn sẽ là nỗi lo lớn cho các DN trong năm 2024. Bộ trưởng nhận định như thế nào và có điều gì gửi gắm cộng đồng DN?
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Thời gian qua, thị trường TPDN đã từng bước phát triển theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Cơ quan quản lý đã xây dựng khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường TPDN phát triển bền vững, lành mạnh, hỗ trợ DN huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, giúp NĐT có thêm kênh đầu tư hiệu quả.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có những diễn biến phức tạp, thị trường gặp khó khăn về thanh khoản và niềm tin của thị trường bị ảnh hưởng, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt để khôi phục niềm tin và giảm áp lực thanh khoản của thị trường TPDN.
Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành cũng ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ DN như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép Ngân hàng thương mại giãn thời gian trả nợ lãi và gốc của các khách hàng đang gặp khó khăn, giảm lãi suất, duy trì thanh khoản trên thị trường tiền tệ để cung ứng vốn cho nền kinh tế… Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, kể từ Quý II/2023 đến nay, thị trường đã dần ổn định trở lại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, để phát triển thị trường TPDN an toàn, lành mạnh, củng cố niềm tin của NĐT thì từng chủ thể tham gia trên thị trường cũng cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, DN phát hành cần phải có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa tình hình tài chính, khả năng trả nợ của DN, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu…
Tôi tin rằng các DN sẽ biết nắm bắt cơ hội từ những giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ để thúc đẩy kinh doanh. Các DN cần quan tâm hơn tới việc tăng cường năng lực quản trị, khả năng ứng phó những biến động thị trường, cơ cấu các nguồn lực theo hướng bền vững hơn, đặc biệt là luôn phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật… Có như vậy chúng ta mới có thể phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững. Đặc biệt, kỳ vọng trong năm 2024, TTTP sẽ trở lại mạnh mẽ và phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Phóng Viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Minh Phương (thực hiện)