(ĐCSVN) - Sau khi lái xe gây tai nạn khiến một người tử vong, lực lượng chức năng đã xác định nữ tài xế ở tỉnh Hà Tĩnh vi phạm nồng độ cồn gần kịch khung.
Ngày 14/1, Công an huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Phan Thị Ngọc Minh (23 tuổi, trú tại xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Trước đó, vào lúc 01h40 cùng ngày, Ngọc Minh điều khiển ô tô con hướng Bắc - Nam khi đi đến Km522+100 địa phận xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên thì đâm vào anh L.N.Q (34 tuổi, trú tại xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).
Thời điểm trên, xe tải do anh Q điều khiển gặp sự cố nên đỗ vào lề đường để kiểm tra. Vụ tai nạn khiến anh Q tử vong tại chỗ. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt để bảo vệ hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc.
Kết quả kiểm tra nồng độ cồn nữ tài xế Ngọc Minh cho thấy người này vi phạm ở mức 0,385mg/l khí thở, gần chạm ngưỡng kịch khung quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (0,4mg/l khí thở). Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Nữ tài xế Phan Thị Ngọc Minh (áo đen) tại cơ quan công an. (Ảnh: Đức Anh) |
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Người vi phạm “lỗi chồng lỗi” do điều khiển phương tiện ô tô trong tình trạng có sử dụng rượu, bia đồng thời gây tử vong cho 1 người.
Do đó, cơ quan chức năng sau khi củng cố hồ sơ vụ án có thể xem xét đề nghị truy tố nữ tài xế nói trên về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” với khung hình phạt tới 10 năm tù giam theo quy định tại Điểm a Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 260 Mục 1 Chương XXI phần thứ hai Bộ Luật hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015).
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 35 Chương VII Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 (Số: 44/2019/QH14, ngày 14 tháng 6 năm 2019) sửa đổi, bổ sung Khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Luật số: 23/2008/QH12, ngày 13 tháng 11 năm 2008) đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 như sau: Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Quy định nêu rõ cấm mọi hành vi lái xe dưới tác dụng của chất cồn, bất kể loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Theo luật sư Tuấn, điều này có nghĩa hiện nay không ai được phép lái xe (bao gồm tất cả các loại xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, mô tô, xe gắn máy và các phương tiện khác) sau khi đã sử dụng đồ uống có cồn (rượu bia…). Điều này nhằm tăng cường an toàn giao thông và bảo vệ tính mạng của cả người lái và những người tham gia giao thông khác.
Theo quy định tại Điểm c Khoản 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 16.000.000 đến 18.000.000 đồng, hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng.
Thời gian qua, lực lượng công an toàn quốc đã và đang triển khai mạnh mẽ chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn đối với người điểu khiển phương tiện giao thông, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng như kiềm chế và giảm đáng kể số vụ tai nạn giao thông.
“Việc lái xe sau khi uống rượu bia không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn có thể gây tai nạn để lại hậu quả nghiêm trọng. Do đó, quy định cấm lái xe khi đã uống rượu bia là một biện pháp quan trọng nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giữ gìn sự an toàn cho cộng đồng. Việc tuân thủ và thực hiện quy định này là trách nhiệm của mỗi người tham gia giao thông”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.
Anh Tuấn