Xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng - Tại sao không?

14/05/2024 11:01 536

Antony- thoinetphapluat

(ĐCSVN)- Giá vàng “nhảy múa”, biến động bất thường, càng khiến dư luận đòi hỏi câu trả lời, tại sao không xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng?

 Ảnh minh hoạ (Ảnh: tapchitaichinh.vn)

Sau khi lập đỉnh 92,4 triệu đồng/ lượng vào chiều ngày 10/5 vàng thương hiệu SJC lại khi đột ngột giảm hơn 3 triệu đồng lúc mở cửa phiên sáng 13/5, giá thương hiệu vàng quốc gia xuống 85,50 – 88,50 triệu đồng/lượng. Nhưng đến thời điểm 14h15 ngày 13/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã điều chỉnh biểu giá vàng, nâng lên 88 - 90,5 triệu đồng một lượng, tăng 2 triệu đồng so với giá mở cửa sáng. Tính ra giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới đến 17 triệu đồng /lượng. 

Trong khi đó, giá vàng nhẫn trơn và nữ trang tại các đơn vị kinh doanh vẫn đi ngang và bình ổn quanh vùng 76,5 triệu đồng, theo diễn biến của kim loại quý trên thị trường quốc tế.

Lâu nay, giá vàng miếng SJC vẫn thường biến động khó lường và đắt hơn thế giới, mà theo chuyên gia, phụ thuộc vào hai yếu tố là cung, cầu trong nước. Phía cung phụ thuộc vào việc NHNN tăng cung ra thị trường bao nhiêu, trong khi đó 11 năm nay NHNN không hề tăng cung. Mãi đến ngày 23/4 vừa qua, một lượng nhỏ vàng được đưa ra thị trường nhờ đấu thầu. Phía cầu, nhu cầu vàng vẫn tăng theo thời gian ( có thể do cả nguyên do cưới hỏi, mua tích cóp...), chưa kể tâm lý cứ mua rồi để lâu sẽ tăng! Giá vàng vì thế thường chỉ có lên mà ít đi xuống.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng phân tích với báo giới rằng, có 3 lý do chính để giá vàng trong nước tăng cao mạnh mẽ.

Đó là giá vàng tăng do nhu cầu vàng thế giới tăng mạnh, cùng với bất ổn kinh tế cũng như chính trị. Bên cạnh đó trong vòng 2 năm nay, Việt Nam không có cung vàng miếng ở thị trường nội địa trong khi nhu cầu vàng miếng mỗi năm đều có. Ngoài ra là do kênh bất động sản suy thoái, cộng với năm 2023 lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, dẫn đến dòng tiền đầu tư chuyển sang vàng. Theo đó, bước sang năm 2024, nhu cầu mua vàng càng tăng rất mạnh và vượt qua cả thế giới.

Các tác động này làm cho giá vàng không chỉ tăng, mà còn chênh lệch cao với giá vàng thế giới. Ngoài ra giá vàng tăng còn do yếu tố tâm lý tác động, do nền kinh tế đang khó khăn, nên người dân xem vàng là kênh trú ẩn an toàn.

Có ý kiến khác cũng cho rằng ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa chính trị, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành thị trường ngầm (giao dịch mà không có sự kiểm soát, thống kê của Nhà nước) về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát. Nhất là hành vi ưa thích vàng, ngoại tệ ngày càng gia tăng, nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp, có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường, phản ánh qua tình hình buôn lậu  vàng, ngoại tệ, tội phạm gia tăng; tỷ giá niêm yết chính thức trong một số giai đoạn thấp hơn  nhiều so với thị trường tự do; mua bán ngoại tệ phổ biến ở các tiệm vàng. 

Gía vàng nóng, thị trường vàng sốt hầm hập, mọi quan tâm đang đổ vào kim loại quý. Không chỉ người dân xếp hàng chờ đợi giao dịch mà, mà giá vàng còn làm xôn xao cả nghị trường. Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 13/5 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã thẳng thắn nói: “Không lẽ cứ để nó nhảy múa thế, thị trường gì thì thị trường, nhưng không để có thị trường nhảy múa như thế được. Tôi chưa bao giờ thấy một thị trường mà giá vàng tăng, giảm rất đột biến như thế. Tôi đề nghị công tác quản lý phải rõ".

Phần lớn các chuyên gia đều chung quan điểm biến động giá vàng cần phải được làm rõ, ai đang thao túng giá vàng. Cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà  nước cần phải trả lời được câu hỏi tại sao lại có hiện tượng chênh lệch giá vàng với SJC và vàng quốc tế từ 15-20 triệu/1 lượng? Có hay không lợi ích nhóm, tiền chênh đó ai được hưởng lợi? Tại sao không xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng… Chưa kể, nguồn cung vàng miếng SJC thời gian qua được NHNN bung ra hạn chế, song mọi nhu cầu mua bán vàng SJC của người dân đều được đáp ứng như vậy có nghĩa là nguồn cung không quá ít để giá phải tăng. Khi chênh lệch giá vàng tăng càng cao, thì doanh nghiệp cũng kéo giãn khoảng cách mua-bán vàng lên cao tới vài triệu đồng mỗi lượng. Tiền chênh lệch này không vào túi doanh nghiệp thì vào túi ai?

Giới chuyên gia khẳng định cần phải làm rõ biến động giá vàng. Nguy hiểm nhất giá vàng tăng kích hoạt tâm lý đổ tiền vào vàng, dòng tiền cần phải được đưa ra để sản xuất kinh doanh chứ không nên chôn chặt ở vàng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng kiến nghị, đấu thầu không phải là biện pháp để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất tăng nguồn cung là cho phép ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng, nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông. Nhập khẩu vàng từ Singapore, Hong Kong, Thái Lan… về Việt Nam rất nhanh.

Giới chuyên gia cũng cho rằng nên mở rộng nhập khẩu vàng. Việt Nam có thể không tác động được sự "nhảy múa" của giá vàng thế giới nhưng ít nhất có thể khiến giá vàng Việt Nam nhảy cùng nhịp với vàng thế giới, thay vì nhảy "điên loạn" như vừa qua./.

Minh Phương

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2