HÀ LÊ
Quy định đã có, nhưng…
Từ ngày 1/1/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, trong đó có quy định: "Đình chỉ lưu hành ô-tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ". Tuy nhiên thực tế đến nay cứ "ra đường là gặp xe tự chế" tham gia giao thông. Điều dễ nhận thấy là người chở hàng bằng xe tự chế thường chở hàng cồng kềnh, xếp hàng hóa theo chiều dài, luồn lách, chen lấn, vượt đèn đỏ… trở thành những "hung thần", gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, ảnh hưởng nặng nề đến mỹ quan đô thị.
Không khó để tìm thấy những tuyến đường, tuyến phố có nhiều xe tự chế hoạt động như Lê Văn Lương, Dương Đình Nghệ, Phạm Hùng, Tam Trinh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Xiển… đặc biệt là ở những tuyến đường có nhiều cửa hàng kinh doanh đồ gỗ, sắt thép, đồng nát như La Thành, Nguyễn Lân, Giải Phóng, Ngọc Hồi… Ông Bùi Huy Căn, sống tại phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), chia sẻ: "Từ tháng 3 đến nay, tôi đã chứng kiến hai vụ tai nạn liên quan xe tự chế…". Còn ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, hầu hết xe tự chế không có biển số. Trong khi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, xe cơ giới không có biển kiểm soát thì bị cấm lưu hành.
Theo tìm hiểu, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm kiểm soát xe tự chế. Cụ thể, Thông tư liên tịch số 32 ngày 28/12/2007 của ngành Công an - Bộ Giao thông vận tải, quy định kể từ ngày 1/1/2008 cấm lưu hành đối với các loại xe tự chế, công nông tham gia giao thông. Về chế tài xử phạt, Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800 nghìn đến một triệu đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một đến ba tháng. Nếu gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự theo Điều 202, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cần xử lý quyết liệt và tiến tới cấm hoàn toàn
Không ít người đặt câu hỏi, phải chăng vì những chiếc xe tự chế này không biển số, không đăng ký nên không có cơ sở quản lý, xử phạt? Hay việc tịch thu xe tự chế, giữ gìn kỷ cương, pháp luật còn khó khăn với lực lượng chức năng? Có thể thấy rằng, việc xử lý xe vi phạm vẫn còn có tình trạng "xin-cho", xử lý nương tay, bởi rất nhiều người sử dụng xe tự chế là thương, bệnh binh. Ông Nguyễn Tuyển - Phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, hơn 70% số thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đang sử dụng xe ba bánh muốn giữ lại xe thay vì được hỗ trợ theo các ưu đãi thành phố đưa ra.
Trước vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức (Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội) bày tỏ, thời gian qua thành phố Hà Nội chưa kiểm soát được hoạt động của xe ba bánh tự chế. Ngoài một số xe của thương binh, còn có phần không nhỏ xe tự chế trá hình. Thành phố cũng nên có các quy định, kiểm soát chặt người sử dụng xe tự khai là thương binh. Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên cho biết thêm: "Chúng ta đã thấy các quy định đã rõ ràng, song do chế tài xử phạt còn quá nhẹ nên nhiều lái xe tự chế vẫn cố tình vi phạm, nên cần kiên quyết xử lý và tiến tới tăng mức tiền xử phạt".
Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, đơn vị hạn chế và không cấp mới biển kiểm soát cho loại phương tiện tự chế vì không bảo đảm kỹ thuật, an toàn khi lưu thông trên đường phố. Hiện cơ quan công an chưa tiến hành thu hồi xe mô-tô, xe gắn máy cũ nát do chưa có quy định đối với niên hạn loại xe này. Tuy nhiên, hằng năm, Phòng Cảnh sát giao thông đã xử lý, thu giữ hàng nghìn phương tiện cũ nát vi phạm chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm, không có giấy đăng ký...
UBND thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cơ sở đóng mới xe thô sơ, xe tự chế không đúng quy định. Song rõ ràng hiệu quả chưa được như mong muốn. Theo chuyên gia giao thông Đỗ Cao Phan, với ưu điểm tiết kiệm chi phí trong mua sắm, giảm giá thành vận chuyển hàng hóa, lại dễ dàng đi lại trong các ngõ nhỏ, xe tự chế vẫn được rất nhiều người lựa chọn sử dụng, thuê. "Để hạn chế xe tự chế lưu thông ngoài đường, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát, xử phạt nghiêm cả chủ xe lẫn người điều khiển. Theo đó phải kiên quyết tịch thu và tiêu hủy công khai để tăng tính răn đe", chuyên gia Đỗ Cao Phan nhấn mạnh.
Về lâu dài, theo nhiều chuyên gia, thành phố cần làm tốt công tác kiểm tra, xử lý, hỗ trợ thương binh, bệnh binh, người nghèo trong việc tiếp cận, chuyển đổi nghề nghiệp. Từ đó tiến tới thực hiện cấm hoàn toàn loại phương tiện này để xây dựng và bảo vệ văn minh đô thị.
Bài và ảnh: HẢI MIÊN