"Vá trám" lỗ hổng để xe khách không "nhờn luật"

12/10/2023 15:10 255

"Vá trám"

HÀ LÊ

(ĐCSVN) - Từ đầu năm đến nay, có nhà xe bị thu hồi phù hiệu gần 300 lần nhưng “điều lạ” là doanh nghiệp đó vẫn hoạt động bình thường. Điều này đòi hỏi phải có những chế tài mạnh mẽ hơn, "vá trám" những lỗ hổng trong các quy định của pháp luật hiện nay.

Quá coi thường pháp luật 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ quý IV năm 2023 vừa diễn ra hôm 10/10, khi nói về vụ việc tai nạn giữa xe Thành Bưởi với xe 16 chỗ qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, vụ việc cho thấy nhiều bất cập, xe khách của công ty vi phạm (nhà xe Thành Bưởi) với nhiều xe bị tước phù hiệu tổng số lên tới 246 lần. 

“Vậy việc tước phù hiệu đó có hiệu lực thực sự không? Phải có những chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn từ việc thu hồi giấy phép cho đến chấm dứt, cấm vĩnh viễn kinh doanh trong lĩnh vực này vì quá coi thường pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Ngoài nguyên nhân do lỗi trực tiếp của tài xế, Bộ trưởng nhìn nhận những bất cập vừa qua liên quan rất nhiều tới thể chế. Bởi vậy các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải theo chức năng nhiệm vụ phải đặc biệt chú trọng tới việc hoàn thiện các quy định pháp luật, trước mắt là dự thảo Luật Đường bộ và phối hợp với Bộ Công an để hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Hiện trường vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Đồng Nai xảy ra sáng 30/9/2023 (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, trong 9 tháng đầu năm tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe kinh doanh vận tải hành khách đã giảm 31% nhưng vẫn xảy ra. Điển hình như đầu năm nay xảy ra một vụ tai nạn làm 10 người chết ở huyện Núi Thành, Quảng Nam. Gần đây xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở Đồng Nai làm 5 người chết và 4 người bị thương, hay vụ TNGT ở Đắk Lắk làm 1 người chết, 12 người bị thương cũng liên quan đến xe kinh doanh vận tải hành khách. 

“Điều này cho thấy, công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có lẽ còn một số điểm cần phải quan tâm”, ông Khuất Việt Hùng chia sẻ. 

Trao đổi về việc xe Thành Bưởi bị tước phù hiệu tổng số lên tới 246 lần, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định công tác quản lý nhà nước ở địa phương còn hạn chế.

“Địa phương chưa thường xuyên rà soát thông tin ghi nhận trên hệ thống dữ liệu GSHT để chấn chỉnh thông qua công tác cấp phù hiệu, biển hiệu và thanh tra kiểm tra hàng năm. Về phía doanh nghiệp, chưa quan tâm đúng mức, chưa bố trí người trực, theo dõi, chấn chỉnh với lái xe vi phạm”, ông Quyền nhận định. 

 "Vá trám" những lỗ hổng

Từ thực trạng đầu năm đến nay có nhà xe bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu gần 300 lần, ông Khuất Việt Hùng cho rằng “điều lạ” là doanh nghiệp đó vẫn hoạt động bình thường. 

“Như vậy, rõ ràng quy định hiện hành có “lỗ hổng” về thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu dẫn đến doanh nghiệp không sợ”, ông Khuất Việt Hùng trao đổi. Đồng thời phân tích, nếu chúng ta quy định thời gian thu hồi phù hiệu, biển hiệu 30 ngày thôi thì xe kinh doanh phải nằm bãi một tháng. Đấy là uy hiếp trực tiếp đến lợi ích kinh tế của chủ phương tiện. Rõ ràng, mục tiêu của chế tài đưa ra không phải để xử phạt mà là lời cảnh báo, răn đe để chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện có trách nhiệm hơn. Chủ doanh nghiệp sẽ thực hiện nghiêm các quy định về quản lý lái xe, quản lý phương tiện trong quá trình kinh doanh vận tải. Bởi không vi phạm, không tai nạn thì không bị tước phù hiệu.

 Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia (Ảnh: PT)

Nhấn mạnh đây là vấn đề chúng ta cần sớm hoàn thiện, ông Khuất Việt Hùng cho rằng: "Chúng ta phải vá trám những lỗ hổng trong các quy định của pháp luật hiện nay, thực hiện theo đúng tinh thần của Thủ tướng: sai đâu sửa đó làm nhanh nhất có thể để chúng ta có thể hoàn thiện từng bước các quy định của pháp luật”, ông Khuất Việt Hùng thông tin. 

Ông nhấn mạnh, quan trọng nhất là ngăn ngừa để không xảy ra vi phạm, giảm thiểu vi phạm thì sẽ giảm thiểu tai nạn. Tới đây cần hoàn thiện các phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để phục vụ tốt công tác giám sát trực tuyến thay vì hậu kiểm như hiện nay. Mục đích, cảnh báo trực tiếp tới doanh nghiệp, đặc biệt là gửi trực tiếp các thông tin xe vi phạm đến lực lượng thực thi nhiệm vụ trên đường để ngăn chặn các hành vi vi phạm của tài xế.

“Việc này rất quan trọng và cần làm ngay để chúng ta ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm không để nó tiếp diễn, chứ không phải dùng công nghệ này chỉ để phục vụ trích xuất dữ liệu khi tai nạn đã xảy ra”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh./.

Tú Giang

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2