NDO - Từ 15/11/2024, Thông tư 46/2024/TT-BCA của Bộ Công an cho phép người dân giám sát Cảnh sát giao thông qua các hình thức như tiếp cận thông tin công khai, quan sát trực tiếp,... Việc giám sát phải tuân thủ quy định, không cản trở hoạt động của cán bộ, chiến sĩ thực thi công vụ.
Cảnh sát giao thông xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông. (Ảnh minh họa: LÊ TÚ) |
Bộ Công an ban hành Thông tư 46/2024/TT-BCA ngày 30/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/11/2024.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 11 Hình thức giám sát của nhân dân. Cụ thể:
1. Nhân dân được giám sát thông qua các hình thức sau:
a) Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng;
b) Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật;
c) Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ;
d) Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
đ) Quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
2. Việc giám sát của nhân dân phải bảo đảm các điều kiện sau:
a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ;
b) Không được vào khu vực thực thi công vụ quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan;
c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Khoản 2, điều 4 Thông tư 46/2024/TT-BCA ngày 30/9/2024 quy định: Khu vực thực thi công vụ là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và an ninh, trật tự. Khu vực thực thi công vụ phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Thông tư 46/2024/TT-BCA ngày 30/9/2024 cũng bãi bỏ điểm d khoản 1, điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 5 của Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019.
Điều 5 của Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 quy định "Nội dung công khai của Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông". Các điểm d khoản 1, điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 của Điều này bị bãi bỏ cụ thể là:
Điểm d khoản 1: Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện.
Điểm c khoản 2: Trang phục, số hiệu Công an nhân dân của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe.
Điểm b khoản 3: Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định.
Xử lý đối tượng chống người thi hành công vụ khi bị kiểm tra nồng độ cồn
Bên cạnh đó, Thông tư 46/2024/TT-BCA cũng sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 9 về trách nhiệm của nhân dân tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như sau:
Thông báo cho cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông; các vụ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật hình sự làm ảnh hưởng an toàn giao thông; đặt chướng ngại vật trên đường gây cản trở giao thông; ném đất, đá hoặc các vật khác vào phương tiện hoặc người tham giao giao thông; vận chuyển trái phép chất cháy, chất nổ, chất ma túy hoặc vận chuyển trái phép các hàng hóa khác; các hành vi giả danh Công an nhân dân; chống người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông khác.
Các trách nhiệm khác của nhân dân tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được quy định tại Điều 9 Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019, bao gồm:
1. Tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
2. Tham gia cấp cứu và bảo vệ tài sản của người bị nạn, bảo vệ hiện trường trong các vụ tai nạn giao thông.
3. Bảo vệ các công trình giao thông, thiết bị an toàn giao thông. Trường hợp phát hiện công trình, thiết bị có dấu hiệu không bảo đảm an toàn giao thông hoặc bị hư hỏng, bị xâm hại thì nhanh chóng thực hiện các biện pháp báo hiệu cho người tham gia giao thông biết và khẩn trương thông báo cho Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý công trình, thiết bị, cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
4. Phát hiện, ngăn chặn, tố cáo những trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
6. Tham gia và hưởng ứng các phong trào giữ gìn trật tự, an toàn giao thông; xây dựng văn hóa giao thông.
7. Hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ.
8. Tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở các thành viên khác trong gia đình chấp hành tốt các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
BÔNG MAI