Trực quan và thực tế

16/03/2024 18:02 641

Antony- thoinetphapluat

Cuối năm 2023 vừa qua, trong 23 đề cử hạng mục "Nhân vật truyền cảm hứng" của giải thưởng WeChoice Awards 2023, đội ngũ truyền thông của Di tích Nhà tù Hỏa Lò vinh dự được xướng tên bên cạnh những tên tuổi rất có sức ảnh hưởng cùng các ngôi sao giải trí. Điều này chứng tỏ một thực tế đáng mừng: Nhiều bạn trẻ có sự tìm tòi, hiểu biết sâu, và không ngần ngại sáng tạo những phương thức mới để đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là người trẻ.

Học sinh tham gia buổi ngoại khóa tại Bảo tàng Lịch sử. Ảnh: KHIẾU MINH
Học sinh tham gia buổi ngoại khóa tại Bảo tàng Lịch sử. Ảnh: KHIẾU MINH

Giá trị của quá khứ

Lịch sử, nếu nghiên cứu một cách thấu đáo, giúp chúng ta có được nhận thức toàn diện về các khía cạnh trong cuộc sống, cũng như cách mà thế giới vận động. Thí dụ, khi học sinh nghiên cứu về chiến tranh, các em cũng sẽ có cơ hội được gợi mở, để tìm hiểu thêm về cách mà xung đột leo thang, cũng như những tình huống khó xử mà các nhà lãnh đạo thế giới phải đối mặt. Từ việc tìm hiểu cách họ phản ứng, đưa ra quyết định, rồi phân tích quyết định đó dẫn đến kết quả tốt hơn hay tồi tệ hơn, thế hệ đi sau có thể chiêm nghiệm và rút ra được những bài học quý báu.

Học lịch sử cũng khiến con người kiên cường. Những câu chuyện khốc liệt nhất của lịch sử sẽ nhắc nhở chúng ta rằng khó khăn đến thế nào cũng chỉ là tạm thời. Những câu chuyện ấy sẽ truyền cảm hứng và nâng cao tinh thần, để mỗi cá nhân có thêm động lực đối diện với những thách thức của hiện tại. Đồng thời, những câu chuyện ấy cũng sẽ đưa ra những gợi ý về những con đường, cách thức mà tiền nhân đã tạo nên, trong từng bối cảnh cụ thể. Thế hệ đi sau sẽ không nhất thiết phải tự trải nghiệm, tự vấp ngã để trưởng thành, nếu vận dụng được những bài học của cha ông, đúc rút từ hàng nghìn năm kinh nghiệm.

Dù mang rất nhiều ý nghĩa, vai trò quan trọng như vậy, hiện nay, vẫn còn một bộ phận giới trẻ chưa quan tâm đúng mức đến lịch sử dân tộc, thậm chí nhớ sai rất nhiều thông tin sự kiện lịch sử cơ bản.

Bám rễ vào quá khứ, vươn mình trong tương lai

Chuyện một bộ phận những bạn trẻ chưa quan tâm đến lịch sử, hay việc lịch sử trở nên thiếu sức hút trong chương trình giáo dục phổ thông, phải chăng là do phương pháp giảng dạy lịch sử của chúng ta quá khô khan, thiếu trực quan? Phải chăng là do cách tiếp cận dạy-học lịch sử theo kiểu đếm số liệu, nêu sự kiện…? Và nên chăng, các cơ quan chức năng, bộ, ngành liên quan, nhà trường, giáo viên… cần có những cách tiếp cận mới phù hợp với tâm lý của những thế hệ tiếp nối, để kích thích sự tò mò cũng như hứng thú tìm hiểu các câu chuyện lịch sử?

Lịch sử, xét cho cùng, không nên và cũng không thể bị giới hạn trong bốn bức tường của một căn phòng. Đưa các bạn trẻ vào một không gian lịch sử sống động, như một bảo tàng hay một khu di tích, có lẽ là phương pháp hiệu quả nhất để thu hút các bạn trẻ. Nếu không thể thu xếp được một chuyến đi thực tế thì hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, giáo viên cũng đã có thể tổ chức những chuyến đi ảo. Rất nhiều bảo tàng đã số hóa thiết kế bảo tàng 3D, nhiều trận đánh đã được phục dựng với công nghệ hologram (tái tạo hình ảnh ba chiều), để các bạn trẻ có thể đắm mình trong một khung cảnh lịch sử với trải nghiệm 360 độ.

Niềm đam mê lịch sử của không ít thế hệ đi trước đã bắt đầu được ươm mầm, vun xới, bồi đắp từ nhiều kiểu phương tiện bổ trợ trực quan, kể cả trong những khoảng thời gian chúng còn tương đối "thô sơ", trải dài theo những năm tháng khó khăn của đất nước. Cụ thể, nghìn đời, cái khung vững chắc của "căn tính Việt", niềm tự hào dân tộc Việt Nam chính là những câu chuyện lịch sử truyền miệng.

Còn trong kỷ nguyên hiện đại, thí dụ, chúng ta luôn có rất nhiều nhà làm phim với đam mê bất tận về các chủ đề trong lịch sử, và họ đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm điện ảnh lịch sử nổi tiếng: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Đừng đốt, Hà Nội 12 ngày đêm, Em bé Hà Nội… Những bộ phim có chất lượng cao như vậy cần được tập hợp lại và chia sẻ rộng rãi trên cổng tri thức số, để giáo viên, phụ huynh và học sinh có thể dễ dàng sử dụng nhằm tìm hiểu lịch sử. Học sinh có thể xem, trò chuyện về tính đúng đắn của sự kiện lịch sử, cũng như những chi tiết các em yêu thích trong bộ phim liên quan đến các sự kiện lịch sử đó.

Giáo viên và phụ huynh cũng có thể đưa ra một số nguồn mâu thuẫn trong các câu chuyện lịch sử, khuyến khích các bạn trẻ tìm kiếm tư liệu, thuyết minh về dẫn chứng, đồng thời phân tích, tranh biện với bạn học, để đi đến kết luận cuối cùng.

Giáo viên cũng cần biến những bài học lịch sử trở thành giờ kể chuyện. Khi những đứa trẻ đắm chìm trong một câu chuyện, việc truyền cảm hứng sẽ đơn giản hơn nhiều, so với việc đọc hết dòng này đến dòng khác những văn bản tẻ nhạt. Cùng với câu chuyện, giáo viên có thể kết hợp với các phương thức kích thích âm thanh và hình ảnh, nhằm tạo nên cộng hưởng cảm xúc, giúp các nhân vật lịch sử sẽ trở nên có hồn, có thể kết nối với tâm hồn mỗi học sinh.

Những câu chuyện lịch sử cũng có thể trở nên sống động và để lại những dấu ấn cảm xúc hằn sâu, nếu học sinh được nhập vai trong một hoạt cảnh, hoặc một hoạt động nghệ thuật về các giai đoạn lịch sử khác nhau. Sau đó, các em có thể viết về cảm nhận của mình khi nhập vai, bàn luận về trang phục, cá tính, tư tưởng, cách ứng xử của nhân vật mình đã nhận. Sáng tạo và giàu tương tác, những hoạt động này thường mang lại nhiều niềm vui và tiếng cười hơn cho các em, chỉ cần bảo đảm việc chọn các chủ đề phù hợp.

Chúng ta còn có thể tạo cơ hội để các bạn trẻ thực hiện các dự án lịch sử của riêng mình, như một cách khuyến khích học tập và tìm hiểu lịch sử sâu hơn. Những dự án phù hợp cho các bạn trẻ tuổi học đường có thể đơn giản chỉ là xây dựng một cuộc triển lãm nhỏ; sản xuất một podcast hoặc một bộ phim hoạt hình về một nhân vật trong lịch sử. Các dự án này sẽ giúp cho học sinh phát triển kỹ năng nghiên cứu và phân tích, cũng như khả năng sáng tạo và tự định hướng. Hơn cả, chúng mang lại nhiều niềm vui cũng như tinh thần sẻ chia.

Đặc biệt, cần tiếp cận những sự kiện lịch sử như thể chúng đang diễn biến ở hiện thực, rút ra bài học để vận dụng ngay vào một số vấn đề hiện tại, biến những tri thức lịch sử trở thành giá trị thực tiễn.

Cần khẳng định lại: Quá khứ là cả một kho tàng kinh nghiệm quý giá, giúp con người có cảm hứng để làm tốt hơn những việc ở hiện tại và tốt hơn nữa trong tương lai. Chính vì vậy, những người trẻ cần "trân trọng quá khứ để nắm giữ tương lai". Và phụ huynh, giáo viên, "những người lớn" chúng ta cũng mang trách nhiệm giúp cho lớp trẻ được tiếp cận với các câu chuyện lịch sử theo những phương thức mới, sống động, trực quan và thiết thực nhất.

PGS, TS Trần Thành Nam - Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2