Trách nhiệm quản lý AI an toàn, bền vững

07/12/2024 08:25 432

Phạm Văn Tấn - Thời nét Pháp luật số

Thế Giới ⇒ Bình luận Quốc tế

Hội nghị Đối tác toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (GPAI) vừa diễn ra ở Serbia đã thu hút sự chú ý của đông đảo giới lãnh đạo và chuyên gia công nghệ. Trước tốc độ phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo (AI), câu chuyện về cân bằng giữa đổi mới, sáng tạo và đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức trong phát triển công nghệ tiếp tục được bàn thảo, đòi hỏi sự phối hợp, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước.

Thứ bảy, ngày 07/12/2024 - 06:49

Năm 2024, cuộc chạy đua AI tiếp tục nóng trên toàn cầu khi các công ty công nghệ mạnh tay chi hàng tỷ USD vào phát triển mô hình AI. (Ảnh minh họa)
Năm 2024, cuộc chạy đua AI tiếp tục nóng trên toàn cầu khi các công ty công nghệ mạnh tay chi hàng tỷ USD vào phát triển mô hình AI. (Ảnh minh họa)

Năm 2024, cuộc chạy đua AI tiếp tục nóng trên toàn cầu khi các công ty công nghệ mạnh tay chi hàng tỷ USD vào phát triển mô hình AI. Một số công ty công nghệ thu về “trái ngọt” trong hoạt động kinh doanh nhờ sự đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Nvidia, “gã khổng lồ” sản xuất chip của Mỹ, đã đạt mức doanh thu ấn tượng là 35,1 tỷ USD trong quý III năm tài chính 2024, kết thúc vào ngày 27/10/2024, nhờ nhu cầu mua phần cứng phục vụ phát triển công nghệ AI ngày càng tăng. Cơn sốt AI khiến chính phủ nhiều nước phải tăng tốc tìm cách quản lý công nghệ đang phát triển “quá nhanh, quá nguy hiểm” này.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị GPAI diễn ra tại thủ đô Belgrade của Serbia đã quy tụ sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu, nhằm tìm kiếm cách thức phát triển và ứng dụng AI một cách có trách nhiệm. Thủ tướng Serbia Milos Vucevic cho biết, AI cần giúp bảo vệ phẩm giá, đem lại lợi ích cho con người, cũng như thúc đẩy tiến bộ. Nhà lãnh đạo này nêu rõ, Serbia là nước đầu tiên ở khu vực đông nam châu Âu thông qua Chiến lược phát triển AI vào năm 2019.

Tại hội nghị, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann nhấn mạnh sự cần thiết phải có một khuôn khổ pháp lý toàn cầu vững mạnh để giải quyết những vấn đề quan trọng, bao gồm những quan ngại về đạo đức và an toàn, tình trạng gián đoạn trên thị trường lao động và các tác động đến môi trường.

Theo ước tính, đến năm 2028, giá trị thị trường AI có thể đạt ngưỡng 1.000 tỷ USD. Nhìn thấy rõ những tiềm năng to lớn giúp phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tiến bộ khoa học cùng những tác hại đi kèm từ công nghệ này, các quốc gia, tổ chức trên thế giới đều thống nhất quan điểm rằng: một mặt cần khuyến khích đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng AI rộng rãi hơn, mặt khác phải xây dựng khung pháp lý và tiêu chuẩn đạo đức để quản lý AI toàn diện, chặt chẽ.

Nhiều thỏa thuận, sáng kiến đã được các quốc gia, tổ chức đưa ra, nhằm hướng đến bảo đảm an toàn trong thiết kế, sử dụng AI và phòng tránh những nguy cơ tiềm ẩn, nổi bật trong đó là Tuyên bố Bletchley, vốn được coi là bản cam kết quốc tế đầu tiên về quản lý AI.

Dù nhận được sự ủng hộ từ đông đảo giới lãnh đạo, chuyên gia và doanh nghiệp, thì việc quản lý AI vẫn là điều không dễ dàng. Quá trình xây dựng khuôn khổ quản trị AI ở cấp độ quốc gia và toàn cầu vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do việc xây dựng pháp luật khó theo kịp tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ nói chung và AI nói riêng.

Ngoài ra, có nhiều tranh cãi chung quanh các quy định kiểm soát AI. Hồi tháng 9/2024, Thống đốc bang California (Mỹ) Gavin Newsom từng phủ quyết một dự luật về quản lý AI khi cho rằng văn kiện này có thể khiến các công ty AI rời khỏi bang California và cản trở sự đổi mới, sáng tạo.

Thống đốc Newsom nhận định, dự luật áp dụng các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt ngay cả với những chức năng cơ bản nhất của AI. Với các nước đang phát triển, sự hạn chế về nguồn vốn, nguồn nhân lực có chuyên môn về AI… cũng là rào cản lớn trong thúc đẩy một hệ sinh thái AI có trách nhiệm và an toàn. Sự khác biệt trong cách hiểu, cách vận dụng của các nước về tuân thủ các “nguyên tắc đạo đức” của AI cũng là một thách thức.

Dù còn nhiều khó khăn, các quốc gia vẫn đang nỗ lực tích hợp việc quản lý hiệu quả AI vào các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Những hội nghị quốc tế bàn về AI chính là cơ hội quan trọng để cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, tiếp tục tạo thêm những bước tiến trong lĩnh vực này để công nghệ thật sự trở thành “cánh tay đắc lực” phục vụ con người.

TƯỜNG VY

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2