Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM trao căn nhà tình thương tặng bà Trần Thị Liễu (người mặc áo hồng) - Ảnh: VGP
Một buổi sáng tháng 3 năm 2025, bà Trần Thị Liễu (65 tuổi, trú tại ấp Hiệp Hòa, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ) xúc động khi nhận căn nhà tình thương do TPHCM trao tặng.
Là hộ nghèo của xã, cuộc sống bà Liễu vốn đã chật vật nay lại càng khó khăn hơn sau một tai nạn giao thông khi đi bán vé số khiến bà mất hoàn toàn khả năng lao động. Bà sống cùng mẹ già 85 tuổi, một người con làm thợ hồ và một người con khác không may mắc bệnh tâm thần. Thu nhập bấp bênh, ngày qua ngày phải chắt chiu từng đồng để lo bữa ăn, chuyện sửa chữa căn nhà dột nát dường như là điều bà chưa từng dám nghĩ đến.
"Nhà cũ thì thấp và trũng, mỗi lần trời mưa là hai mẹ con phải thức trắng đêm để tát nước ra ngoài. Giờ được Thành phố hỗ trợ cất cho căn nhà mới, gia đình tôi mừng lắm, hạnh phúc không nói thành lời", bà Liễu nghẹn ngào chia sẻ.
Việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa những căn nhà tạm, nhà dột nát cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chỉ là một trong nhiều hoạt động thiết thực mà Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã thực hiện trong suốt thời gian qua.
Những năm qua, Ủy ban MTTQ TPHCM không ngừng khẳng định vai trò là điểm tựa của người dân trong công tác an sinh xã hội. Từ hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng đến chăm lo cho người yếu thế, từ đó lan tỏa tinh thần đoàn kết, nhân ái bằng những chương trình cụ thể, ý nghĩa và ấm áp tình người.
Ông Nguyễn Thành Trung thăm hỏi và động viên các thành viên trong gia đình bà Trần Thị Liễu - Ảnh: VGP
Truyền thống nghĩa tình-bản sắc riêng của TPHCM
Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa cũng như những nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác này, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Thưa ông, TPHCM từ lâu được biết đến là "thành phố nghĩa tình", luôn đi đầu trong các phong trào chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, người yếu thế… Vậy theo ông, điều gì đã tạo nên truyền thống đáng quý này?
Ông Nguyễn Thành Trung: Truyền thống nghĩa tình là một nét đặc trưng sâu sắc, góp phần làm nên bản sắc riêng của TPHCM-Thành phố mang tên Bác. Truyền thống ấy được hình thành từ quá trình khai hoang, mở đất từ thế kỷ XVII, khi người dân từ khắp nơi đổ về sinh sống, lập nghiệp, cùng nhau vượt qua gian khó bằng tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương thân tương ái.
Qua hai cuộc kháng chiến, nghĩa tình ấy càng được hun đúc mạnh mẽ. Người dân Sài Gòn-Gia Định không chỉ dũng cảm mà còn giàu lòng nhân ái, sẵn sàng che chở, đùm bọc, chia sẻ từng bát cơm, giọt nước trong khói lửa chiến tranh.
Bên cạnh đó, tính cách phóng khoáng, hào sảng của người Nam Bộ cũng góp phần nuôi dưỡng tinh thần sẻ chia ấy, thể hiện qua từng hành động thường nhật cho đến những phong trào thiện nguyện quy mô lớn.
Trong thời hiện đại, truyền thống nghĩa tình tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn như dịch COVID-19. Những hình ảnh về "ATM gạo", "bếp ăn 0 đồng", hay các chuyến xe cứu trợ khắp nẻo đường là minh chứng sống động cho tinh thần ấy.
Chính quyền TPHCM cùng các tổ chức chính trị-xã hội, tôn giáo và lực lượng tình nguyện, đặc biệt là giới trẻ, đã và đang giữ vai trò nòng cốt trong việc gìn giữ, lan tỏa giá trị này. Có thể nói, nghĩa tình đã trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng, là sức mạnh tinh thần giúp TPHCM vượt qua thử thách và không ngừng phát triển.
Các hộ dân ở Cần Giờ nhận nhà tình thương do MTTQ TPHCM trao tặng hồi tháng 3/2025 - Ảnh: VGP
Trong những năm qua, MTTQ TPHCM đã triển khai những chương trình nổi bật nào để chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, người yếu thế? Những chương trình nào mang lại hiệu quả sâu rộng nhất và có tác động thực sự đến đời sống của người dân?
Ông Nguyễn Thành Trung: Trong những năm qua, MTTQ Việt Nam TPHCM đã không ngừng phát huy vai trò nòng cốt trong công tác chăm lo an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng và những đối tượng yếu thế trong xã hội. Bằng nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa, MTTQ Việt Nam TPHCM đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Một trong những chương trình tiêu biểu, mang tính bền vững và có sức lan tỏa sâu rộng là chương trình "Vì người nghèo". Đây là chương trình xuyên suốt được Mặt trận các cấp triển khai rộng khắp, với mục tiêu hỗ trợ người dân thoát nghèo một cách bền vững. Thông qua chương trình, hàng nghìn căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương đã được xây dựng, nhiều hộ dân được trao phương tiện sinh kế, học sinh được hỗ trợ học bổng, dụng cụ học tập… Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ trước mắt, chương trình còn tạo điều kiện để người dân vươn lên, ổn định cuộc sống lâu dài.
Bên cạnh đó, chương trình "Chăm lo Tết" cho người nghèo và các đối tượng chính sách cũng là một hoạt động ý nghĩa được tổ chức hằng năm. Mỗi dịp Tết đến xuân về, MTTQ Việt Nam TPHCM phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức trao tặng hàng trăm nghìn phần quà cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo, người già neo đơn, công nhân khó khăn... Các hoạt động này không chỉ thể hiện tinh thần tương thân tương ái, mà còn lan tỏa tình cảm, sự sẻ chia trong cộng đồng, góp phần mang đến cái Tết ấm áp, trọn vẹn hơn cho mọi người dân.
ATM gạo - một ý tưởng lan tỏa tình người giữa tâm dịch tại TPHCM - Ảnh: VGP
Đặc biệt, trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, MTTQ Việt Nam TPHCM đã thể hiện rõ vai trò là trung tâm tập hợp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết. Thông qua chương trình "Chung tay phòng, chống dịch COVID-19" đã huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để kịp thời hỗ trợ người dân khó khăn: Trao hàng triệu túi an sinh, hàng trăm tấn nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm, hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh nghèo học online, hỗ trợ trang thiết bị y tế cho các bênh viện tuyến đầu... Những hoạt động này đã góp phần giữ vững ổn định xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch, giữ vững niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của chính quyền.
Song song với đó, các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" luôn được quan tâm và triển khai thường xuyên. Mặt trận các cấp TPHCM tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa... Qua đó, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tri ân những người có công với đất nước.
Với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau", MTTQ Việt Nam TPHCM tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác vận động, kết nối nguồn lực và chăm lo đời sống cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế. Các chương trình trên đều đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực, lan tỏa tinh thần đoàn kết, nhân ái và sẻ chia trong cộng đồng, mang lại hiệu quả sâu rộng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của thành phố.
Cơ hội từ chính sách đặc thù
Nghị quyết 98 của Quốc hội trao cơ chế đặc thù cho TPHCM, vậy Thành phố đã tận dụng điều này như thế nào để nâng cao chất lượng chăm lo cho người dân?
Ông Nguyễn Thành Trung: Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM đã mở ra nhiều cơ hội quan trọng nhằm nâng cao công tác chăm lo cho người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh Thành phố đang đối mặt với những thách thức lớn về dân số, kinh tế và các vấn đề xã hội, các cơ chế đặc thù này sẽ giúp cải thiện hiệu quả quản lý và triển khai các chính sách an sinh xã hội tại thành phố.
Một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết 98 là việc TPHCM được quyền huy động và sử dụng ngân sách linh hoạt hơn. Điều này sẽ giúp Thành phố có thêm nguồn lực để đầu tư vào các chương trình phúc lợi xã hội, hỗ trợ người nghèo, đồng thời phát triển các lĩnh vực thiết yếu như y tế và giáo dục. Việc có thể chủ động điều chỉnh ngân sách sẽ giúp giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn các vấn đề an sinh xã hội cấp bách.
Cùng với đó, TPHCM có quyền chủ động quyết định bố trí vốn đầu tư công cho các chương trình giảm nghèo, đồng thời cung cấp các khoản vay ưu đãi cho người dân, đặc biệt là các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Việc tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn lực tài chính này giúp cải thiện sinh kế, tạo ra cơ hội phát triển kinh tế hộ gia đình, từ đó góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Nghị quyết 98 cũng cho phép TPHCM thu hút đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục và hạ tầng xã hội, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ công và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn, tạo ra thêm việc làm mới và nâng cao thu nhập của người dân, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế. Các doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, từ đó tạo ra nguồn lực cho các chương trình an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thành phố.
Song song với đó, Nghị quyết 98 có tác động trực tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cải cách hành chính - một trong những yếu tố quan trọng giúp các chính sách an sinh được thực hiện nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả. Các quy trình hành chính được đơn giản hóa, cải tiến sẽ giúp triển khai các chương trình, chính sách an sinh xã hội một cách thuận lợi hơn, nâng cao được hiệu quả và tăng cường niềm tin của người dân vào các chính sách của Thành phố.
Hội Chữ thập đỏ phường Phước Long B (TP. Thủ Đức) trao quà nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn khi dịch COVID-19 đang hoành hành tại TPHCM - Ảnh: VGP
Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc TPHCM có kế hoạch gì để tiếp tục phát huy tinh thần nghĩa tình, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau?
Ông Nguyễn Thành Trung: Tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau" không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành động lực để MTTQ Việt Nam TPHCM kiên trì thực hiện các chương trình an sinh xã hội trong suốt thời gian qua. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm lo cho người yếu thế, người nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi và người khuyết tật thông qua các chương trình thiết thực như "Vì người nghèo", "Đền ơn đáp nghĩa"… Song song đó, sẽ nhân rộng các mô hình mang đậm tính nhân văn như "Khu phố nghĩa tình", "Tiếp sức đến trường", "Giúp nhau vượt khó"… nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng.
Chúng tôi cũng tiếp tục phát huy vai trò kết nối và vận động nguồn lực xã hội, huy động sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào các quỹ như "Vì người nghèo", Quỹ cứu trợ…, để bảo đảm các chính sách an sinh được thực hiện hiệu quả, đúng người, đúng lúc. Cùng với đó là tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội để kịp thời phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai, bảo đảm sự minh bạch và công bằng trong phân bổ nguồn lực.
MTTQ Việt Nam TPHCM cũng đặc biệt chú trọng việc tôn vinh các cá nhân, tổ chức điển hình trong công tác an sinh, từ thiện nhằm lan tỏa tinh thần nhân ái, nhân rộng những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Cuối cùng, để thích ứng với thời đại số, chúng tôi đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, giám sát và hỗ trợ người dân, giúp kết nối nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn với cộng đồng. Với những định hướng đó, MTTQ Việt Nam TPHCM sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc, cùng chung tay xây dựng một thành phố nghĩa tình, nhân văn và phát triển bền vững.
Phiên chợ 0 đồng tại TP. Thủ Đức hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn - Ảnh: VGP
Theo ông, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân trong các hoạt động chăm lo cho đối tượng khó khăn là gì? Ông có thông điệp nào muốn gửi đến các cá nhân, tổ chức để cùng chung tay xây dựng một TPHCM nghĩa tình hơn nữa?
Ông Nguyễn Thành Trung: Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân trong các hoạt động chăm lo cho đối tượng khó khăn là vô cùng quan trọng và bổ trợ lẫn nhau.
Cộng đồng doanh nghiệp, với tiềm lực tài chính và khả năng tổ chức quy mô lớn, tham gia các hoạt động chăm lo thông qua các chương trình trách nhiệm xã hội, tài trợ các quỹ từ thiện, cung cấp sản phẩm thiết yếu hay tạo cơ hội việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, giúp nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người nghèo, góp phần giúp họ tự lập và cải thiện cuộc sống.
Các tổ chức xã hội, bao gồm các tổ chức phi lợi nhuận và các nhóm tình nguyện, đóng vai trò là cầu nối giữa cộng đồng và những người yếu thế. Họ tổ chức các chương trình hỗ trợ thiết thực, từ việc phân phối thực phẩm, quần áo đến chăm sóc sức khỏe hay đào tạo nghề, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề xã hội.
Còn người dân, mỗi cá nhân dù ít hay nhiều, đều có thể đóng góp qua việc tham gia tình nguyện, đóng góp tài chính, hoặc đơn giản là chia sẻ yêu thương. Những hành động này không chỉ giúp cải thiện đời sống của người khó khăn mà còn lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng.
Sự kết hợp hài hòa giữa doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân tạo nên một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ, giúp xây dựng một TPHCM nhân ái, công bằng và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nhân đây, tôi xin gửi gắm một điều: "Chúng ta là sức mạnh, tình người là chìa khóa - Cùng nhau xây dựng TPHCM nghĩa tình". Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức trong cộng đồng đều góp phần tạo nên sức mạnh chung. Tình người chính là chất keo kết nối, giúp xây dựng một Thành phố phát triển và tràn đầy yêu thương. Hãy cùng chung tay, xây dựng một TPHCM gắn kết, nghĩa tình và thịnh vượng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Anh Thơ (thực hiện)