Thuốc lá mới: Thách thức với Việt Nam trong kiểm soát

25/09/2024 08:14 115

Lê Thành - Thời nét pháp luật số

Y TẾ

NDO - 14% học sinh Việt Nam đã từng sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có 7% hiện đang sử dụng. Con số này cho thấy có một bộ phận đáng kể thanh thiếu niên cảm thấy bị hấp dẫn bởi các sản phẩm này, trong khi, thuốc lá mới có nhiều hệ lụy về mặt sức khỏe.

Thứ tư, ngày 25/09/2024 - 07:15

Giáo sư Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Y tế công cộng.
Giáo sư Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Y tế công cộng.

Hội thảo “Phòng chống tác hại của thuốc lá mới: Bằng chứng khoa học và kinh nghiệm tại Việt Nam và trên thế giới” diễn ra tại Trường Đại học Y tế công cộng thu hút sự tham gia của gần 500 khách mời, gồm các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Hội thảo nằm trong chuỗi InnovaConnect do Quỹ VinFuture phối hợp với Trường đại học Y tế công cộng tổ chức.

Hệ lụy từ thuốc lá thế hệ mới

Giáo sư Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Y tế công cộng bày tỏ một sự quan ngại khi kết quả nghiên cứu mới đây nhất được thực hiện trên 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành phố ở Việt Nam cho thấy, 14% học sinh đã từng sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có 7% hiện đang sử dụng.

Theo Giáo sư Minh, việc tiếp thị rộng rãi các sản phẩm này là điều đáng lo ngại, đặc biệt là khi quảng cáo trên mạng xã hội và internet đang rất thịnh hành. Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh chuộng sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới vì muốn thể hiện sự "ngầu" hoặc sự tò mò nào đó, hoặc bạn bè lôi kéo.

Đây là vấn đề nóng, không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trong khoảng 10 năm qua.

Giáo sư Minh bày tỏ, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam không phải là cao nhất trên thế giới; tuy nhiên, điều này vẫn đáng lo ngại, đặc biệt là khi so sánh tương quan với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Cần thực thi các chính sách kiểm soát chặt chẽ với thuốc lá thế hệ mới ảnh 1
Giáo sư Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Y tế công cộng chia sẻ về thực trạng sử dụng thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam.

Trong đó, yếu tố đặc thù đang thúc đẩy xu hướng sử dụng ở Việt Nam hiện do Việt Nam thiếu các quy định cụ thể về thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng; việc quảng cáo thuốc lá thế hệ mới trên nền tảng Internet chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Đặc biệt, tỷ lệ học sinh không nhận thức được tác hại của các sản phẩm này tương đối cao, so với những quốc gia có các chiến dịch truyền thông tập trung về vấn đề này.

"Rõ ràng, các em đang thiếu nhận thức về tác hại tiềm ẩn của những sản phẩm này, với 23,5% học sinh không biết về tác hại của thuốc lá điện tử và 43,2% không biết về rủi ro của thuốc lá nung nóng. Khoảng 10,6% học sinh tin rằng thuốc lá điện tử không gây hại hoặc ít gây hại hơn thuốc lá truyền thống. Tỷ lệ này đối với thuốc lá nung nóng là khoảng 3%. Điều này có thể dẫn đến việc sử dụng ngày càng nhiều do có những nhận thức sai lầm về tính an toàn", Giáo sư Minh cho hay.

Theo chuyên gia này, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng thường chứa nicotine, một chất dễ gây nghiện. Khi sử dụng trong thời gian dài, nó có thể gây ra giảm khả năng nhận thức, bao gồm các vấn đề về khả năng chú ý và trí nhớ; tăng khả năng nghiện các chất gây nghiện khác; tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý; tác động đến sức khỏe hệ hô hấp và tim mạch...

Bên cạnh đó, có mối lo ngại rằng việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ở những người trẻ có thể dẫn đến việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá truyền thống trong tương lai.

Cần thực thi các chính sách kiểm soát chặt chẽ với thuốc lá thế hệ mới ảnh 2

Bà Bungon Ritthiphakdee, Giám đốc Điều hành Trung tâm Quản trị và Kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC, Thái Lan) chia sẻ thông tin tại hội thảo.

Từ kinh nghiệm của Thái Lan với lệnh cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, bà Bungon Ritthiphakdee, Giám đốc Điều hành Trung tâm Quản trị và Kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC, Thái Lan) cho hay, một khía cạnh đáng quan ngại của thuốc lá điện tử là sự đa dạng về hương vị. Hiện có hơn 16.000 hương vị, như dâu tây, táo và sôcôla.

"Mặc dù có hương vị hấp dẫn, thuốc lá điện tử không hề vô hại. Cộng đồng y tế toàn cầu, bao gồm cả Tổ chức Y tế thế giới, đã ghi nhận các trường hợp tổn thương phổi nghiêm trọng, chẳng hạn như EVALI (tổn thương phổi liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử hoặc vaping), liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử", bà Bungon Ritthiphakdee nói.

Ngăn chặn cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng mới

Hiện trên thế giới có ít nhất 34 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử, 11 quốc gia cấm bán thuốc lá nung nóng. Điển hình như tại Singapore, từ tháng 2/2018, chính phủ nước này đã hoàn toàn cấm việc mua bán, sử dụng và sở hữu các sản phẩm thuốc lá như thuốc lá điện tử, shisha và thuốc lá không khói.

Theo bà Bungon Ritthiphakdee, Chính phủ Singapore muốn bảo vệ thế hệ tương lai của mình và đó là lý do họ quyết định cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Do đó, bà Bungon Ritthiphakdee cho rằng, sự xuất hiện của thuốc lá điện tử và vaping lại mở ra một mặt trận mới trong công tác phòng, chống thuốc lá.

"Để giải quyết vấn nạn ngày càng gia tăng này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều quốc gia khuyến nghị cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử. Điều quan trọng là các quốc gia phải áp dụng các khung pháp lý mạnh mẽ để giải quyết thách thức này và bảo vệ các thế hệ tương lai khỏi tác hại của chứng nghiện nicotine. Cho dù thông qua lệnh cấm hoàn toàn hay quy định toàn diện, chính phủ phải ưu tiên các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn một “đại dịch” nghiện nicotine mới", Giám đốc Điều hành Trung tâm Quản trị và Kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC, Thái Lan) chia sẻ.

Cần thực thi các chính sách kiểm soát chặt chẽ với thuốc lá thế hệ mới ảnh 3

Phó Giáo sư Becky Freeman, chuyên gia từ Trường Y tế công cộng, Đại học Sydney (Úc) cảnh báo về hệ lụy sức khỏe với thế hệ trẻ nếu sử dụng thuốc lá thế hệ mới.

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm từ Australia, Phó Giáo sư Becky Freeman, chuyên gia từ Trường Y tế công cộng, Đại học Sydney (Australia) cho biết, tỷ lệ người hút thuốc hàng ngày ở nước này hiện đã ở dưới mức 10%. Tuy nhiên, để đạt được điều đó cần các biện pháp tiếp cận toàn diện nhiều mặt. Một giải pháp hiệu quả là thuốc lá điện tử chỉ được bán tại hiệu thuốc với các quy định nghiêm ngặt.

"Chúng ta không thể bị lừa rằng đây là một ngành công nghiệp mới. Đó là cùng một ngành bán nicotine cho giới trẻ và kiếm lời từ chứng nghiện thuốc lá. Điều quan trọng là chúng ta phải loại bỏ ngành công nghiệp thuốc lá khỏi chính sách và chương trình y tế công cộng nếu chúng ta muốn nuôi dưỡng một thế hệ không thuốc lá và không nicotine... Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để bảo vệ những người trẻ tuổi và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng mới", Phó Giáo sư Freeman quyết liệt nói.

Theo Giáo sư Hoàng Văn Minh, Việt Nam cần phải hành động ngay lập tức, xây dựng và thực thi các chính sách kiểm soát chặt chẽ đối với những sản phẩm này. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường triển khai các chiến dịch sức khỏe cộng đồng; các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng....

InnovaConnect là sáng kiến mới nhất của Quỹ VinFuture để tiếp nối thành công của chuỗi sự kiện “Đối thoại khám phá tương lai VinFuture” từ mùa giải VinFuture 2023.

Điểm đặc biệt của chuỗi sự kiện InnovaConnect là các cuộc thảo luận hợp tác và hội thảo khoa học chuyên môn sâu được tổ chức trực tiếp ngay tại Việt Nam với sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia hàng đầu thế giới và Việt Nam, qua đó khẳng định vai trò trở thành cầu nối vững chắc của VinFuture để tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của khoa học và công nghệ Việt Nam.

THẢO LÊ - MẠNH TRẦN

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2