Lê Thành
Chiều 30/6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Hội đồng Quốc gia (Hạ viện) Thụy Sĩ Martin Candinas đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng tin tưởng rằng chuyến thăm của ngài Chủ tịch Hạ viện là dấu mốc quan trọng, góp phần mở ra một trang mới trong hợp tác Việt Nam – Thụy Sĩ. Hai nhà lãnh đạo đánh giá quan hệ hợp tác Việt Nam – Thụy Sĩ thời gian qua phát triển tích cực trên các lĩnh vực như chính trị – ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo…
Thụy Sĩ hiện là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Âu, đứng thứ 22/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều dự án đầu tư nhất ở Việt Nam, tổng vốn đầu tư FDI là 1,903 tỷ USD với 206 dự án. Từ 1991-2021, Thụy Sĩ cung cấp nguồn ODA khoảng 600 triệu USD hỗ trợ Việt Nam.
Hai bên đã duy trì tiếp xúc, trao đổi đoàn ở các cấp kể cả trong bối cảnh đại dịch. Năm 2021, hai nước đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971 – 2021), nhất là các chuyến thăm cấp cao. Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam kiên trì, nhất quán triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và hoan nghênh Hạ viện đã và luôn quan tâm, ủng hộ, cùng với Chính phủ Thụy Sĩ thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Thụy Sĩ thời gian qua.
Để gia tăng hiểu biết và tin cậy chính trị, tạo động lực đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, Thủ tướng đề nghị hai bên cần tiếp tục thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn các cấp và giao lưu nhân dân; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng và ổn định tại khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng nhận định, kinh tế thế giới có nhiều biến động với việc suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; hậu quả của đại dịch COVID-19 kéo dài; cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ; các cuộc xung đột đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất và có khả năng hạn chế trong thích ứng và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cho rằng cần kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương và Việt Nam – Thụy Sĩ cần hợp tác chặt chẽ hơn.
Thủ tướng đánh giá hợp tác kinh tế – thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương và còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển; đề nghị ngài Chủ tịch và Hạ viện Thụy Sĩ thúc đẩy, ủng hộ và khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, dịch vụ du lịch. Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ mở rộng đầu tư và kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị Thụy Sĩ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam về kỹ thuật, tiếp cận chuyên môn, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ, hợp tác công nghiệp, cơ hội thương mại trong các lĩnh vực như năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp và ngành, chuyển đổi kỹ thuật số.
Thủ tướng đề nghị Thụy Sĩ – với vai trò là một nước có tiếng nói quan trọng trong khối Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) – tiếp tục thúc đẩy việc sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EFTA trong thời gian tới với kết quả cân bằng và cùng có lợi. Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp với Thụy Sĩ cũng như các nước thành viên khác trong khối EFTA để sớm thu hẹp khoảng cách đối với những nội dung còn tồn tại giữa hai bên.
Cảm ơn Thụy Sĩ cung cấp nguồn ODA cho Việt Nam, Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả “Chương trình hợp tác của Việt Nam và Thụy Sĩ giai đoạn 2021-2024” (trị giá gần 76 triệu USD) với các ưu tiên là tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế tri thức, ứng phó với các thách thức mới về phát triển và biến đổi khí hậu.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…; hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao, tăng học bổng và tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Thụy Sĩ. Thủ tướng cảm ơn và đề nghị Hạ viện Thụy Sĩ tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ ổn định cuộc sống, hòa nhập vào xã hội sở tại, phát huy vai trò tích cực là cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước.
Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của phía Việt Nam; bày tỏ ấn tượng với vẻ đẹp của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Thụy Sĩ, đánh giá Việt Nam đang phát triển năng động. Ngài Chủ tịch cho biết ông và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc trao đổi thực chất và cởi mở về những biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương, nhất là ở kênh nghị viện, đồng thời có cuộc làm việc với Bộ Công Thương Việt Nam nhằm đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Thụy Sĩ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực.
Ông khẳng định Việt Nam có vai trò chiến lược trong quan hệ của Thụy Sĩ với khu vực Đông Nam Á. Ngài Chủ tịch cho biết qua trao đổi, các doanh nghiệp Thụy Sĩ như Nestle đều cho biết hài lòng với môi trường kinh doanh tại Việt Nam và sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài tại đây. Thụy Sĩ sẽ tiếp tục ưu tiên Việt Nam về hỗ trợ phát triển, thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực với Việt Nam. Thụy Sĩ quan tâm và mong muốn sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EFTA, kỳ vọng hai bên có thể ký kết trong năm 2024.
Cũng tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp tích cực của Thụy Sĩ vào việc gìn giữ hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới. Ngài Chủ tịch khẳng định Thụy Sĩ ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ DOC, sớm đạt được COC thực chất, hiêu lực.
Thủ tướng tiếp Tổng Giám đốc ILO
Chiều 30/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Gilbert F. Houngbo đang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Chào mừng chuyến thăm đầu tiên của Tổng Giám đốc ILO tới Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức này vào năm 1992, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng những hỗ trợ mà ILO dành cho Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu và xây dựng Bộ luật Lao động lần đầu tiên vào năm 1994, sửa đổi vào các năm 2012 và 2019. Bên cạnh đó, những hỗ trợ kỹ thuật của ILO trong thực hiện các dự án về an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, quan hệ lao động, giảm thiểu lao động trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới cũng rất hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển xã hội Việt Nam.
Thông tin về tình hình Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam đang xây dựng, phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.
Trong quá trình đó, Việt Nam lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển; không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Việt Nam cam kết đổi mới theo hướng cân bằng và hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội; tăng năng suất lao động; mở rộng và tăng cường hệ thống an sinh xã hội; đổi mới thể chế thị trường lao động và pháp luật lao động; bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Theo Thủ tướng, Việt Nam có thị trường lao động tương đối lớn với 52,3 triệu lao động, chất lượng lao động ngày càng nâng cao; nền kinh tế cơ bản bảo đảm việc làm cho người lao động. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ nhất định về lao động và công đoàn, với hệ thống pháp luật về lao động và an sinh xã hội ngày càng được hoàn thiện, quản trị thị trường lao động ngày càng hiệu quả hơn.
Tổng Giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo bày rỏ vui mừng được Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian tiếp; ngưỡng mộ và chúc mừng Việt Nam về sự phát triển rất ấn tượng, trong đó có những điều tưởng chừng không thể, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Ông Gilbert F. Houngbo cho biết, ILO nói riêng và Liên Hợp Quốc nói chung lấy Việt Nam là mô hình của sự nỗ lực, phát triển để các nước tham khảo, học tập; mong muốn và tin tưởng Việt Nam tiếp tục phát triển để có thêm nguồn lực chi tiêu nhiều hơn cho an sinh xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, là thành viên của ILO, Việt Nam đã tham gia và hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình; thực hiện đầy đủ những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; tiếp tục nghiên cứu và phê chuẩn các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Phân tích tình hình, bối cảnh toàn cầu hiện nay, Thủ tướng cho rằng các vấn đề toàn cầu, toàn dân phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân; đặc biệt là phải bảo đảm công bằng, công lý. Khẳng định, Việt Nam ủng hộ các sáng kiến của ILO và Liên Hợp Quốc, Thủ tướng đề nghị ILO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu khả năng tham gia các sáng kiến theo lộ trình phù hợp để đạt được mục tiêu công bằng, tiến bộ xã hội và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động một cách bền vững.
Cho biết Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi nên còn có những hạn chế nhất định, Thủ tướng đề nghị ILO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống luật pháp về lao động; cải cách sâu rộng về hệ thống bảo hiểm xã hội và chính sách tiền lương để phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tiếp tục thực hiện các dự án kỹ thuật hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang có nhiều đổi thay nhanh chóng về khoa học, công nghệ cũng như phải đối mặt với thách thức phi truyền thống ngày càng gia tăng.
Thông tin tới Thủ tướng về các cuộc làm việc rất thành công của ông với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Giám đốc ILO cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tất cả các vấn đề liên quan tới lao động, việc làm; đề nghị Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia các sáng kiến của ILO liên quan lao động, việc làm; mong muốn hợp tác cùng Việt Nam để thực hiện các sáng kiến của ILO và Liên Hợp Quốc về thúc đẩy việc làm toàn cầu, nhất là việc kết hợp các ưu thế của cả hai bên để thúc đẩy phát triển cân bằng cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
THEO CTTCP