PHÁP LUẬT
Thứ ba, 27/08/2024 15:02 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng: Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan; những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, đa số đồng tình, thực hiện có hiệu quả thì luật hóa; những vấn đề chưa chín, chưa rõ thì thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần...
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật |
Sáng 27/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, thảo luận, cho ý kiến đối với 3 dự án luật: Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Nhà giáo; Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng mới được Quốc hội phê chuẩn và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng mới được bổ nhiệm cùng tập thể Chính phủ phát huy hơn nữa đoàn kết, thống nhất, kỷ cương, liêm chính, đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, nhất là các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mở đầu phiên họp |
Trước mắt, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; góp phần vào kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, Phiên họp này là phiên họp thứ 2 trong tháng 8 năm 2024 và là Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật thứ 8 trong năm nay của Chính phủ; tiếp tục thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, nhằm bổ sung, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông cho phát triển.
Theo Thủ tướng, các dự án luật được xem xét tại Phiên họp đều là những nội dung quan trọng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Trong đó, việc xây dựng Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm quản lý tốt hơn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, song cũng tháo gỡ vướng mắc, huy động nguồn lực, tài sản của Nhà nước cho phát triển. Dự án Luật Nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, sứ mệnh trồng người của đội ngũ nhà giáo trong điều kiện mới, với quan điểm “thầy cô giáo là động lực, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên”. Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy thúc đẩy phát triển, song tăng quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.
Các đại biểu tham dự Phiên họp |
Tại phiên họp, Chính phủ nghe trình bày Tờ trình tóm tắt, báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định; đồng thời thảo luận các nội dung chính sách tại các dự án luật.
Về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Bộ Tài chính chủ trì xây dựng), các thành viên Chính phủ thảo luận về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quy định liên quan điều chuyển Quỹ Đầu tư phát triển, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu ý kiến đối với Dự án Luật Nhà giáo |
Về dự án Luật Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng), Chính phủ thống nhất cần tiếp tục hoàn thiện các quy định có liên quan về nhà giáo; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đóng góp ý kiến với Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số |
Về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số (Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng), các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung như cơ chế với dự án có tính chất đặc biệt quy mô lớn, thẩm quyền chấp thuận cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, quan hệ của dự án luật với các luật có liên quan, quản lý trí tuệ nhân tạo…
Trực tiếp cho ý kiến cụ thể đối với từng nội dung thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, nhấn mạnh thêm một số quan điểm với việc xây dựng các dự án luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp |
Về quan điểm chung, Thủ tướng yêu cầu bám sát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về các vấn đề có liên quan; bám sát và thể hiện rõ các chính sách đã được Chính phủ thông qua trong đề nghị xây dựng các luật.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng: Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan; những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, đa số đồng tình, thực hiện có hiệu quả thì luật hóa; những vấn đề chưa chín, chưa rõ thì thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; không cầu toàn, không nóng vội; tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, đồng thời phân bổ các nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh hậu kiểm; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các khâu trung gian.
Các cơ quan nhà nước tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, gồm xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, tiêu chí, công cụ để giám sát kiểm tra, thực hiện sơ kết, tổng kết, khen thưởng, kỷ luật…
Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, cơ quan. Có cơ chế ưu đãi phù hợp với các lĩnh vực cần khuyến khích, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, khả năng chi trả của nền kinh tế.
"Cơ chế chính sách phải thông thoáng, khả thi nhưng kiểm soát được; trong đó có chính sách phù hợp, hiệu quả để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực chất lượng cao liên quan tới 3 lĩnh vực mà 3 dự án luật điều chỉnh; huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển đất nước", Thủ tướng phát biểu.
Với Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu cần bám sát, thể chế hóa các nội dung tại Nghị quyết số12-NQ/TW của Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
Cần rà soát, tháo gỡ được những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn, kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả của luật hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng…
Thủ tướng cũng cho rằng cần chú trọng quản lý theo mục tiêu; phân cấp, phân quyền mạnh hơn, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho doanh nghiệp đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát; giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, giảm xin cho, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, quan tâm bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Từ đó, nâng cao hiệu quả đầu tư, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực rất lớn tại các doanh nghiệp; phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước trong một số lĩnh vực, cũng như vai trò quan trọng nói chung của doanh nghiệp nhà nước với nền kinh tế, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Thủ tướng lưu ý tiếp tục bám sát, quán triệt và thể chế hóa các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương khóa XIII và Kế hoạch 13-KH/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Về dự án Luật Nhà giáo, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, sứ mệnh trồng người của đội ngũ nhà giáo trong điều kiện mới, với quan điểm "thầy cô giáo là động lực, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên."
Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các nội dung; nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường trực Chính phủ, Thành viên Chính phủ để chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật; ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, chất lượng của các đồng chí Thành viên Chính phủ và các đại biểu tham dự Phiên họp.
Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến xác đáng, hoàn thiện các dự án luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024.
Đây là những luật có nhiều nội dung mới, khó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng thành lập các tổ công tác với sự tham gia của các chuyên gia, nhân lực từ các bộ, ngành, cơ quan khác; tiếp tục lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng tác động; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội; làm tốt công tác truyền thông; giao các đồng chí Phó Thủ tướng được phân công theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện các dự án luật, đảm bảo tiến độ và nâng cao chất lượng./.
Mạnh Hùng