(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương phải tập trung rà soát các thủ tục nội bộ; yêu cầu sau khi rà lại, các bộ, ngành và địa phương theo lĩnh vực của mình tổng hợp, báo về Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/5.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phát biểu. Ảnh: TTXVN. |
Sáng 8/5, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ họp trực tuyến với các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông cùng 8 địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hải Dương, Tây Ninh) về công tác cải cách thủ tục hành chính. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì cuộc họp.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, cuộc họp ứng dụng cao nhất nguyên tắc cải cách bằng công nghệ thông tin. Các bộ, ngành ngay sát Văn phòng Chính phủ cũng mời họp tại các điểm cầu để tiết kiệm thời gian theo tinh thần cải cách.
*Nhiều bộ, địa phương giảm điểm
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), xếp hạng chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định 766/QĐ-TTg cho thấy, Bộ Quốc phòng xếp hạng 2, giảm 17,9 điểm so với điểm số đánh giá quý IV/2023. Bộ Thông tin và Truyền thông đứng thứ 12, giảm 7,4 điểm, Bộ Ngoại giao đứng thứ 16, tăng 5,3 điểm.
Về phía các địa phương, Cần Thơ đứng thứ 9 (tăng 2,31 điểm), Hải Dương đứng thứ 14 (giảm 3,43 điểm), Tây Ninh đứng thứ 37 (giảm 1,33 điểm), Hải Phòng đứng thứ 46 (giảm 1,12 điểm), Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 48 (giảm 0,76 điểm) Quảng Ninh đứng thứ 53 (giảm 10,05 điểm), Đà Nẵng đứng thứ 58 (giảm 8,99 điểm), Hà Nội đứng thứ 59 (tăng 0,04 điểm).
Các bộ, địa phương đã thực hiện đúng quy định về đánh giá tác động, thẩm định quy định thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Về việc Tây Ninh ban hành Quyết định quy định thủ tục hành chính không được Luật giao quy định chi tiết, ông Phan cho biết, mặc dù Tây Ninh đã sớm có những chỉ đạo khắc phục, tuy nhiên đến nay Quyết định này vẫn có hiệu lực, tỉnh vẫn chưa khắc phục xong.
Về việc cắt giảm quy định kinh doanh, Bộ Quốc phòng đã cắt giảm, đơn giản hóa 11/35 thủ tục hành chính theo Quyết định số 1275/QĐ-TTg, còn 24 thủ tục hành chính chưa được thực thi, trong đó 4 thủ tục hành chính về lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ phụ thuộc vào sửa Luật An toàn thông tin, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ đánh giá, đã thực thi 73/202 quy định kinh doanh, còn 129 quy định chưa thực thi (việc thực thi các phương án vẫn đang trong thời hạn) và đã rà soát để đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép kinh doanh đối với 8 thủ tục hành chính, còn lại 3 thủ tục chưa thực hiện (gia hạn, cấp lại giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin; cấp giấy phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin).
Về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, hiện nay Bộ Quốc phòng còn 7 thủ tục phân cấp chưa thực thi, trong đó có 2 thủ tục quá hạn. Bộ Thông tin và Truyền thông còn 47/66 thủ tục chưa thực thi, trong đó có 1 thủ tục quá hạn. Đối với Bộ Ngoại giao, việc xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án phân cấp thủ tục hành chính vẫn đang trong thời hạn (quý II/2024).
Cũng theo ông Ngô Hải Phan, việc thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư, Bộ Quốc phòng còn 22 thủ tục, Bộ Thông tin và Truyền thông còn 20 thủ tục và Bộ Ngoại giao còn 8 thủ tục chưa thực thi (việc thực thi các phương án vẫn trong thời hạn: quý II/2024).
* Tái sử dụng, kết nối và đồng bộ dữ liệu
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã nhận diện những hạn chế trong công tác cải cách thủ tục hành chính, nêu các vướng mắc và đề xuất giải pháp thực hiện. Nhiều ý kiến đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện tính năng của Cổng dịch vụ công quốc gia trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; xem xét nghiên cứu, có giải pháp kỹ thuật để chia sẻ dữ liệu, kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo thời gian thực từ Cổng dịch vụ công quốc gia cho hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh để kết nối, tái sử dụng dữ liệu trong việc chỉ đạo, điều hành, đánh giá, đôn đốc, chấn chỉnh đến từng sở, ngành, UBND cấp huyện, xã.
Các bộ, ngành ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính theo đúng thời gian quy định, chuẩn hóa, cập nhật đầy đủ, kịp thời các thủ tục lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, làm cơ sở cho địa phương công bố công khai thủ tục.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, công tác cải cách thủ tục hành chính đã có những bước chuyển biến tích cực, thực chất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
“6 tháng qua, chúng ta làm được rất nhiều việc, có những việc cầm nắm được, cảm nhận được… Chúng ta cũng tự tin hơn rất nhiều trong việc cảm tưởng rất mới, rất khó này”, Phó Thủ tướng nói, đồng thời chia sẻ mong muốn các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, cố gắng bởi những việc phải làm còn rất nhiều và rất khó, “thường là những việc dễ chúng ta làm ban đầu hết, đọng lại, nén lại những việc khó”.
Cho rằng tồn tại, vướng mắc còn khá nhiều, Phó Thủ tướng đúc kết: có 2 câu chữ được nhắc đến nhiều nhất là “chưa” và “chậm”. Khối lượng việc làm được không nhỏ, nhưng thống kê bằng máy tính chấm, hầu hết các bộ, ngành giảm điểm, vì vậy, càng phải quyết tâm hơn.
Phó Thủ tướng lưu ý, đối với cải cách các thủ tục hành chính, 3 Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông đã có phương án được phê duyệt phải bắt tay vào làm. Việc Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có phương án cắt giảm, đơn giản hoá giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh, lộ trình là phải đề xuất phương án lên, duyệt xong mới được làm.
Các bộ, ngành, địa phương, phải tập trung rà soát các thủ tục nội bộ. “Thủ tục nội bộ của chúng ta còn nhiều, và tôi tin là chồng chéo rất nhiều nên phải rà lại hết”, Phó Thủ tướng nhắc nhở; yêu cầu sau khi rà lại, các bộ, ngành và địa phương theo lĩnh vực của mình tổng hợp, báo về Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/5.
Về phía các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu công bố công khai việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc khai thác, tái sử dụng thông tin và dữ liệu đã có trong cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Cùng với đó, cấu trúc lại quy trình thực hiện, không thực hiện theo kiểu “nhận hồ sơ thì gõ vô máy, in phiếu ra gửi cho người dân, nhưng ôm vô trong phòng, xử lý hồ sơ giấy”.
“Kiểu này không giống ai hết và không phải cái chúng ta mong muốn. Làm sao để tái sử dụng được dữ liệu, phải làm sao kết nối và đồng bộ dữ liệu mới dùng được. Trong vấn đề này, an ninh, an toàn mạng là quan trọng nhất. Nếu không làm tốt được việc này sẽ không bao giờ nối được cơ sở dữ liệu của Đề án 06”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về phía các bộ, ngành, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng tập trung vào thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, bổ sung nội dung tạm vắng, chuyển đi. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính trong việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận và số hóa hồ sơ, trả kết quả.
Cho biết, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và Bình Dương được lựa chọn để xây dựng mô hình mẫu về Bộ phận một cửa, Phó Thủ tướng đề nghị 4 địa phương này đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bộ phận một cửa ở các địa phương này liên quan đến hồ sơ của rất nhiều doanh nghiệp./.
Chu Thanh Vân/TTXVN