(ĐCSVN)- Mạng xã hội đang trở thành công cụ, kênh giao tiếp, kết nối quan trọng của con người. Với lượng thông tin khổng lồ ảnh hưởng đến cảm xúc theo nhiều chiều khác nhau, trên không gian mạng, nếu chúng ta không biết quản trị cảm xúc, có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Ảnh minh họa (Ảnh:TT) |
Chỉ cần một nút like có thể nhấn chìm tất cả
Theo thống kê, tại Việt Nam, tỷ lệ người sử dụng internet chiếm hơn 65% (đứng thứ 16 thế giới về số lượng người sử dụng internet), trong đó có khoảng 94% người dùng với mục đích sử dụng mạng xã hội. Các mạng xã hội được người dùng Việt Nam sử dụng phổ biến là Facebook, Zalo, Youtube, Instagram..., nhiều nhất là mạng xã hội Facebook với gần 60 triệu người dùng (đứng thứ 7 thế giới).
Qua con số thống kê cho thấy internet, mạng xã hội ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Mạng xã hội không còn là phương tiện giải trí đơn thuần mà đã và đang trở thành môi trường, công cụ để làm việc, học tập, giao lưu tạo nguồn thu nhập của không ít người….
Thực tế cho thấy có những tài khoản mạng xã hội thu hút rất đông người theo dõi tương tác và có sự ảnh hưởng rất lớn đến công chúng. Những hình ảnh, trạng thái, bình luận, lượt tương tác… có khả năng làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của mỗi người. Chỉ bằng một cú click chuột, dù đang ở bất kỳ đâu bạn cũng có thể bày tỏ thái độ hoặc có thể giao tiếp, kết nối, chia sẻ, tranh luận, chỉ trích, phê bình hoặc thậm chí mắng chửi, tẩy chay người khác….Đây chính là thế mạnh lớn nhất của mạng xã hội đối với người dùng, tuy nhiên nếu không biết sử dụng một cách hợp lý, tinh tế, đặc biệt nếu không biết quản trị cảm xúc, sẽ rất dễ bị dẫn dắt, suy diễn, bị sa vào những toan tính, hiểu lầm, thậm chí dẫn đến các mâu thuẫn không đáng có.
Thời gian qua trên các diễn đàn và mạng xã hội đã nổ ra rất nhiều “cuộc chiến bàn phím”. Nhờ vào khả năng ẩn danh và bản chất trò chuyện gián tiếp trên Internet, nhiều người có thể yên tâm thể hiện cái tôi cá nhân chỉ với một (hoặc một vài) tài khoản trên mạng xã hội. Sự tự do ngôn luận trên mạng xã hội cho phép chúng ta nói lên quan điểm, chính kiến và đấu tranh cho những điều chúng ta tin là đúng đắn.
Tuy nhiên, không ít người lợi dụng điều đó để phê phán, chỉ trích người khác bằng lời lẽ kém văn minh, “ném đá hội đồng”. Bên cạnh đó, các bình luận tiêu cực trên mạng xã hội cũng lan truyền nhanh chóng hơn bất kỳ hình thức nào, thậm chí gây ra tổn thương sâu sắc đến tinh thần và thể xác của người khác. Những ví dụ đau lòng ở Việt Nam cũng như trên thế giới về những nạn nhân của bạo lực mạng đã cho thấy tác hại khôn lường của vấn đề này.
Khảo sát Chỉ số Văn minh Trực tuyến (Digital Civility Index – DCI) do Microsoft thực hiện, được công bố vào đầu 2/2020, cho biết, Việt Nam thuộc nhóm 5 nước có hành vi kém văn minh nhất trên môi trường trực tuyến (78%), chung với các nước Nam Phi (83%), Peru (81%), Colombia (80%) và Nga (79%). Khảo sát này được thực hiện trên 12.520 người lớn và trẻ vị thành niên tại 25 quốc gia.
Mặc dù khảo sát này chỉ mang tính chất tương đối, chưa thuyết phục và thiếu tính đại diện (do chỉ thực hiện trên 500 người Việt) nhưng nó cũng là một lời nhắc nhở đáng suy ngẫm về vấn đề kiểm soát cảm xúc trên mạng xã hội.
Nhận xét về vấn đề này, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang- Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ đã từng khẳng định:"Biết quản lý cảm xúc tốt thì sẽ có một gia đình hạnh phúc, một xã hội văn minh và một quốc gia thịnh vượng, và gần nhất chính là một con người biết ứng xử có văn hóa. Kỹ năng quản lý cảm xúc là một nghệ thuật cần luôn được học tập và trải nghiệm, đòi hỏi sự vun bồi những điều tốt đẹp về cả chất lượng và số lượng. Điều này giúp mỗi người trong chúng ta ngày càng tăng thêm chỉ số hạnh phúc và trở thành những công dân văn minh và thành công".
Hãy là những người dùng thông thái và có trách nhiệm
Để giữ gìn hình ảnh cá nhân và góp phần xây dựng môi trường trực tuyến lành mạnh đầu tiên có lẽ mỗi người cần trau dồi năng lực làm chủ cảm xúc của mình, điều chỉnh ngôn từ và hành vi cho phù hợp khi tương tác, tham gia mạng xã hội.
Bên cạnh đó, trong thế giới ảo có vô vàn những thông tin ảo vì thế chúng ta phải là những người dùng thông minh phải biết thanh lọc những thông tin xấu, độc hại, sai sự thật, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp, hữu ích cho cuộc sống. Phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đăng tải hoặc bình luận, đánh giá ai đó trên mạng, tránh xa những cuộc đấu đá tầm phào, vô nghĩa.
Nên chăng đến lúc cần phải quyết liệt trong việc quản lý những tài khoản trên mạng. Tự do nhưng phải tự do trong khuôn khổ để hướng những người dùng thật sự văn minh trên không gian mạng. Không lập nhóm, lập hội để nói xấu, công kích lẫn nhau. Không đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân của người khác hoặc làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Không “vào hùa” theo đám đông chia sẻ (share), nhận xét, phê bình trước một thông tin, sự kiện khi chưa hiểu rõ về vụ việc đó, hoặc không có căn cứ để khẳng định sự kiện đó là có thật. Không cổ súy, tiếp tay cho các trào lưu lệch lạc, thiếu văn hóa, gây phản cảm, bị xã hội lên án như trào lưu “bóc phốt”, “tung clip nhạy cảm”, “đủ like là làm”…
Bên cạnh những mặt tích cực mà “mặt trận thông tin” mạng xã hội đem lại thì còn muôn nẻo hệ lụy từ việc tiếp nhận và thể hiện cảm xúc của người dân trên không gian mạng. Những “cơn bão mạng” có thể cứu vớt nhưng cũng có thể nhấn chìm một cá nhân, một tổ chức, một xã hội, một quốc gia…..
Trước khi nhấn like, hãy là những người dùng thông thái và có trách nhiệm!
TT