Lê Thành
Chủ nhật, 13/08/2023
(ĐCSVN) - Tuần qua, Đại hội đồng Liên nghị viện các nước thành viên ASEAN lần thứ 44 (AIPA 44) diễn ra tại thủ đô Jakarta, Indonesia, đã khẳng định và đề cao khả năng thích ứng, vai trò trung tâm của các nghị viện ASEAN trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều biến động. Bên cạnh đó, những mối lo ngại về xung đột, căng thẳng gia tăng trong quan hệ nước lớn cùng các hiện tượng thiên tai, thời tiết cực đoan... đòi hỏi phải sớm hành động để ngăn chặn hệ lụy.
Nghị viện chủ động thích ứng vì một ASEAN ổn định và thịnh vượng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Hạ viện Indonesia, Chủ tịch AIPA 2023 Puan Maharani cùng đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Chiều 9/8, Đại hội đồng Liên nghị viện các nước thành viên ASEAN lần thứ 44 (AIPA 44) bế mạc tại thủ đô Jakarta, Indonesia, hoàn thành chương trình nghị sự đề ra.
Phát biểu bế mạc cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân (Hạ viện) Indonesia Puan Maharani - Chủ tịch AIPA 44 nhấn mạnh tại cuộc họp AIPA, hàng loạt các cuộc thảo luận đã diễn ra để tìm kiếm giải pháp cho các thách thức và vấn đề khác nhau của khu vực và toàn cầu. Đại hội đồng AIPA lần thứ 44 một lần nữa chỉ ra rằng ngoại giao nghị viện đã chứng tỏ sự phù hợp với việc duy trì hòa bình, xây dựng lòng tin và giảm căng thẳng địa chính trị trong khu vực. Sự khác biệt giữa các quốc gia phải được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán đặc biệt khi các nước đang phải đối mặt với những thách thức do căng thẳng địa chính trị leo thang ở khu vực Đông Nam Á.
Tại lễ bế mạc, Chủ tịch AIPA-44 Indonesia chuyển giao chức vụ cho đại diện đoàn Lào, quốc gia tiếp nhận tổ chức Đại hội đồng AIPA-45 vào năm 2024.
Ngày 7/8, AIPA-44 đã chính thức khai mạc tại Jakarta (Indonesia) với sự tham dự của 568 đại biểu, trong đó có Chủ tịch Quốc hội của chín nước thành viên ASEAN, đại diện 17 nước quan sát viên và khách mời, cùng 9 tổ chức quốc tế. Với chủ đề “Nghị viện chủ động thích ứng vì một ASEAN ổn định và thịnh vượng”, AIPA-44 đề cao khả năng thích ứng của các nghị viện ASEAN trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều biến động, nhấn mạnh đối thoại và tham vấn, tăng cường phối hợp giữa kênh lập pháp và hành pháp, góp phần củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh cấm đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Trung Quốc
Ảnh minh họa (Ảnh: Reuters) |
Ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm một số hoạt động đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực công nghệ cao ở Trung Quốc. Sắc lệnh được chờ đợi từ lâu này cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào các thực thể ở Trung Quốc hoạt động trong 3 lĩnh vực: chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Động thái này được cho là có thể gây căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù giới chức Mỹ khẳng định các lệnh cấm nhằm giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia "nguy hiểm nhất" và không chia tách hai nền kinh tế vốn phụ thuộc lẫn nhau của hai nước.
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer đã ca ngợi sắc lệnh của Tổng thống Biden. Ông Schumer cho rằng Quốc hội Mỹ phải ghi nhận và sửa đổi những hạn chế trong luật.
Trong khi đó, một quan chức chính quyền Washington nói với Reuters rằng các quy định sẽ chỉ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư trong tương lai, không ảnh hưởng đến các khoản đầu tư hiện có.
Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về sắc lệnh mà ông Joe Biden vừa ký, cho rằng “điều này vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc trong nền kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng mà Mỹ luôn ủng hộ, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, phá hoại trật tự kinh tế và thương mại quốc tế, phá vỡ an ninh chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu”.
Theo đó, Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Mỹ cần tôn trọng quy luật kinh tế thị trường và nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, không cản trở các hoạt động giao lưu - hợp tác kinh tế, không gây trở ngại cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Xung đột ở Sudan khiến hơn 4 triệu người phải sơ tán
Người dân sơ tán tránh xung đột tại Khartoum, Sudan ngày 19/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 8/8 cho biết, đã có hơn 4 triệu người buộc phải sơ tán do cuộc khủng hoảng ở Sudan hiện nay và tình trạng vệ sinh cũng đang xuống cấp trên cả nước.
Con số 4 triệu người nói trên bao gồm những người buộc phải chạy trốn ở trong Sudan hoặc di tản sang các nước láng giềng kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra.
Trong số này, gần 700.000 người phải chạy sang các nước láng giềng và khoảng 195.000 người Nam Sudan buộc phải trở về nước.
Người phát ngôn của UNHCR William Spindler cho biết, nhiều gia đình đã phải di chuyển trong nhiều tuần với rất ít thực phẩm và thuốc men mang theo. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ngày càng tăng lên và nguy cơ dịch bệnh bùng phát cũng như tử vong ngày càng cao.
Theo số liệu thống kê, chỉ trong 2 tháng từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 7 vừa qua, đã có hơn 300 trường hợp tử vong, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi do mắc bệnh sởi và suy dinh dưỡng.
Con số này có thể còn tăng, nếu việc tài trợ cho các chương trình y tế quan trọng ở Sudan tiếp tục bị trì hoãn.
UNHCR ước tính hiện nhu cầu thực tế ở Sudan vượt xa các nguồn lực sẵn có. Đơn cử như ở bang White Nile, việc thiếu thuốc men, nhân sự và nguồn cung cấp thiết yếu đang cản trở nghiêm trọng các dịch vụ y tế và dinh dưỡng ở 10 trại tị nạn, nơi có tới hơn 144.000 người mới di tản từ Khartoum đến kể từ khi xảy ra xung đột.
Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng
Ảnh minh họa (Ảnh: Reuters) |
Ngày 10/8, giá xăng dầu quay đầu tăng mạnh trở lại, giá dầu thô Brent tăng 1,38 USD, tương đương 1,6%, lên mức mức 87,55 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 27/1. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,48 USD, tương đương 1,8%, lên mức 84,4 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Theo Reuters, giá dầu đã đạt đỉnh mới với mặt hàng dầu tiêu chuẩn toàn cầu Brent chạm mức cao nhất kể từ tháng 1 sau khi kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh.
Báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) được công bố ngày 8/8 dự báo, tác động cắt giảm sản lượng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có khả năng gây ra sự sụt giảm tồn kho toàn cầu và đẩy giá dầu tăng trong giai đoạn cuối năm. EIA cho biết, tồn kho dầu thô trên thế giới sẽ giảm trung bình 0,4 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay.
Dữ liệu từ EIA cũng cho thấy, dự trữ xăng của Mỹ giảm 2,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4/8. Trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất bao gồm dầu diesel và dầu sưởi giảm 1,7 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà phân tích.
Cũng theo EIA, giá dầu thô đã tăng kể từ tháng 6, nguyên nhân chủ yếu là do Ả rập Xê út tự nguyện cắt giảm sản lượng và nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng lên. EIA nhận định, những yếu tố này sẽ tiếp tục làm giảm tồn kho dầu toàn cầu và gây áp lực tăng giá dầu trong những tháng tới.
Cảnh báo nguy cơ xảy ra El Nino ở Bắc bán cầu vào mùa Đông 2023
Sự quay trở lại của El Nino sẽ kéo theo những hiện tượng thời tiết cực đoan. (Ảnh: Reuters) |
Cơ quan thời tiết quốc gia (NWS) của Mỹ ngày 11/8 đưa ra dự báo về nguy cơ El Nino tiếp diễn khắp khu vực Bắc bán cầu trong khoảng thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024.
Theo NWS, trong tháng 7 vừa qua, El Nino tiếp diễn khi nhiệt độ bề mặt mặt biển vẫn cao trên mức trung bình và điều này được ghi nhận vùng biển Thái Bình Dương nằm trên đường xích đạo.
Với những diễn biến thời tiết gần đây, các nhà dự báo tin chắc hơn về nguy cơ tái diễn El Nino ở mức độ trầm trọng hơn với nhiệt độ có thể gia tăng 1,5 độ C hoặc hơn trong thời gian từ tháng 11/2023-tháng1/2024.
Tổ chức Khí tượng thế giới hồi tháng 5 từng cảnh báo rằng El Nino có thể góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu.
El Nino là hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, thời gian kéo dài thường từ 8 đến 12 tháng, hoặc lâu hơn. Thông thường, hiện tượng El Nino sẽ xuất hiện 3 - 4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn. Tuy nhiên, thực tế là biến đổi khí hậu làm cho hiện tượng El Nino xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn, trở thành một thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới khi phải tìm cách ứng phó với các thảm họa thiên tai như nắng nóng, khô hạn, mưa lũ... do ảnh hưởng của hiện tượng này.
Cháy rừng tàn phá đảo ở Hawaii (Mỹ)
Nhà thờ lịch sử Waiola ở Lahaina, nhà thờ Thiên Chúa giáo đầu tiên trên đảo Maui, chìm trong lửa ngày 9/8 (Ảnh: AP) |
Bắt đầu từ ngày 8/8, đảo Maui thuộc quần đảo Hawaii (Mỹ) đã phải hứng chịu trận cháy rừng kinh hoàng. Với việc đám cháy ngày càng trở nên dữ dội và lan rộng, đã có ít nhất 1.000 công trình bị thiêu trụi, dịch vụ di động bị tê liệt, đường phố trở thành đống hoang tàn.
Tính tới thời điểm này, ít nhất 80 người đã được xác định thiệt mạng do thảm họa. Trước tình hình này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố "tình trạng thảm họa" đối với khu vực này và gọi đây là "thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử" khi số người thiệt mạng và thiệt hại ước tính đã vượt trên thảm họa sóng thần tại Hawaii vào năm 1961.
Bờ biển phía tây của Maui, thuộc thủ đô Lahaina là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau vụ cháy, giờ đây chỉ còn màu xám tro. Từ những con phố nhộn nhịp và những bãi biển đẹp như tranh vẽ cho đến những ngôi nhà bị cháy xém và những chiếc ô tô bị thiêu hủy, tất cả tạo nên một cảnh tượng được ví như "hỏa ngục" tại nơi vốn được coi là hòn đảo "thiên đường" đối với nhiều người.
Lực lượng cứu hỏa đang tiếp tục dập tắt các đám cháy bùng phát và khống chế cháy rừng ở thị trấn Lahaina.
Cảnh sát trưởng quận Maui John Pelletier cho biết hôm 10/8 rằng có thể có tới 1.000 người hiện chưa được tìm thấy, mặc dù ông nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là họ mất tích hoặc tử vong.
Các vụ cháy rừng xảy ra sau những sự kiện thời tiết khắc nghiệt khác ở khu vực Bắc Mỹ vào mùa hè này, với những đám cháy rừng kỷ lục vẫn đang bùng cháy khắp Canada và một đợt nắng nóng lớn thiêu đốt vùng Tây Nam nước Mỹ.
Châu Âu và một số khu vực của châu Á cũng phải hứng chịu nhiệt độ tăng cao, với những đám cháy rừng lớn và lũ lụt tàn phá./.
PV (t/h)