(ĐCSVN) - Gần đây, “hiện tượng” một người đàn ông xưng là Thích Minh Tuệ tự tu theo cách thức hạnh đầu đà đã gây xôn xao dư luận. Dưới bàn tay của các youtuber, tiktoker, facebooker… hiện tượng này đã bị “thổi” phồng, lôi kéo nhiều người dân hiếu kỳ đi theo gây mất trật tự an toàn giao thông và các thế lực thù địch cũng lợi dụng để rêu rao các luận điệu chia rẽ tôn giáo, dân tộc…
Thích Minh Tuệ trở thành "hiện tượng mạng" những ngày gần đây. |
Đây không phải là lần đầu Thích Minh Tuệ thực hành độc bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại nhưng tại sao lần này mới nổi lên thành hiện tượng mạng và sự thật Thích Minh Tuệ là ai?
Mới đây nhất ngày 16/5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi Công văn số 151/HĐTS-VP1 tới Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố; Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) và Ban Tôn giáo Chính phủ thông báo người đàn ông hiện đang nổi tiếng trên mạng xã hội với danh xưng “Sư Thích Minh Tuệ” hay Minh Tuệ không phải là tu sỹ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cụ thể, người đàn ông này tên là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông Tú hiện sinh sống tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Ông Lê Anh Tú trước đây từng làm đo đạc địa chính của một công ty tại tỉnh Phú Yên sau đó ông đã bỏ việc và đã có vài lần đi bộ từ Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại nhưng không thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, lần này, hành trình của ông Minh Tuệ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, có thời điểm lên tới hàng trăm người đi theo cúng dường vật phẩm, thức ăn; quay clip… làm ảnh hưởng an ninh trật tự và giao thông trên các địa bàn.
Trong đoàn đi theo có tín đồ Phật giáo, có những người hiếu kỳ và nhóm tikToker, youtuber quay clip, livestream đăng tải trên các trang mạng xã hội tạo nên hiện tượng “Sư Thích Minh Tuệ” thu hút sự quan tâm của dư luận và có nhiều bình luận theo các chiều hướng khác nhau.Thậm chí có những bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó các thế lực thù địch đã lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” để chống phá, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Chúng gieo rắc, thổi phồng mâu thuẫn và chia rẽ các tôn giáo; đánh tráo khái niệm, bịa đặt rằng Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương “phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo.”…
Thích Minh Tuệ chọn tu theo hạnh đầu đà mặc áo vá, khất thực, ngày ăn một bữa, tối ngủ dưới gốc cây hoặc nơi nhà hoang, nghĩa địa, không nhận tiền cúng dường, khước từ mọi tiện nghi… |
Trước tình hình này, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã có văn bản gửi Ban/Phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu. Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị các phòng ban liên quan tham mưu Sở Nội vụ báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng quan tâm, khi ông Minh Tuệ tới địa bàn không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, gây cản trở và ảnh hưởng an toàn giao thông, gây phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt không để các thế lực xấu, lợi dụng, xúi giục, lôi kéo gây mất đoàn kết tôn giáo và vi phạm pháp luật.
Trong giáo pháp của Đức Phật có 8 vạn 4 ngàn pháp môn tu. Thích Minh Tuệ chọn cách hạnh đầu đà là quyền lựa chọn riêng của ông, những người khác chọn pháp tu khác cũng là quyền của họ. Do thiếu hiểu biết và quá sùng bái Thích Minh Tuệ một số cộng đồng mạng đã hạ thấp và phỉ báng các môn tu khác là không đúng thậm chí vi phạm pháp luật.
Để lôi kéo người dùng mạng vì mục đích bán hàng, muốn được chú ý hay do bị chi phối bởi động cơ nào đó, một số youtuber, tiktoker, facebooker đã làm quá lên phong cho Thích Minh Tuệ là “thầy” là “nhà sư”... kích động tính hiếu kỳ của mọi người, nhất là giới trẻ. Không ít người hùa theo đám đông, chạy theo đón lõng “sư thầy đi bộ,” vái lạy, rồng rắn đi theo cả một quãng đường dài, xô đẩy, tranh chỗ đứng gần ông để chụp ảnh, quay phim… Cảnh tượng lộn xộn gây phản cảm và phản tác dụng đối với mong muốn của chính Thích Minh Tuệ.
Đặc biệt những ngày qua không ít người sùng bái, thổi phồng, cổ xúy, “anh hùng hóa” tô vẽ Thích Minh Tuệ như một vị phật sống, truyền bá những tư tưởng không đúng về tôn giáo, gây mê tín dị đoan trong dân…
Việt Nam thuộc nhóm 12 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao. Nước ta có 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số). Đạo Phật là tôn giáo lớn nhất, có hơn 14 triệu tín đồ, sở hữu 18.544 ngôi chùa với gần 55.000 tăng, ni đang tu hành. Công giáo xếp thứ hai với hơn 7 triệu tín đồ và 7.771 cơ sở thờ tự. Đạo Tin Lành và đạo Cao Đài đứng thứ ba và thứ tư về số lượng tín đồ... Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và người dân được tự do lựa chọn tôn giáo, lựa chọn tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng.
Luật pháp Việt Nam cũng bảo vệ quyền tự do tôn giáo nhưng cũng nghiêm khắc xử lý các hành vi lợi dụng tôn giáo. Chính vì vậy bất kỳ hành động lợi dụng tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để kích động chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo, gieo rắc mê tín dị đoan... cần phải chỉnh đốn và bị trừng trị nghiêm trước pháp luật./.
TT