NGUYÊN BẢO
(ĐCSVN) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động. Vì vậy, bất cứ phương pháp nào đưa ra cũng phải được xem xét thật kỹ lưỡng, thấu đáo.
Thống kê của Chính phủ cho thấy sau 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, tổng số lượt người hưởng BHXH một lần khoảng 4,5 triệu, trong đó có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tham gia BHXH. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia BHXH là 5%-6%/năm.
Theo tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút BHXH một lần. Đó là quy định tuổi nghỉ hưu chưa hợp lý, nhất là với lao động ngoài quốc doanh. Rồi mức hưởng và lương hưu chưa đủ hấp dẫn để thuyết phục người lao động ở lại với hệ thống an sinh…
Trước những bất cập đó, dự thảo luật sửa đổi đã có nhiều quy định gia tăng quyền lợi, tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Trên cơ sở các chính sách trên, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề xuất thêm phương án mới và bổ sung 5 quyền lợi nếu người lao động chọn ở lại với BHXH. Cụ thể, giảm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Người lao động cũng được hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi)...
Bên cạnh đó, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, người lao động được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do ngân sách Nhà nước đảm bảo; hưởng BHYT do quỹ BHXH đóng đối với người lao động sau một năm nghỉ việc không nhận BHXH một lần mà tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH.
Ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực này, để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Những đề xuất mới nêu trên đã có sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến của dư luận và đang được nhiều người lao động đồng tình, phản hồi tốt.
Chưa hết, về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án quy định rõ các điều kiện hưởng BHXH một lần. Trong đó, phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Cụ thể, nhóm 1 là người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần; nhóm 2 là người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) không được nhận BHXH một lần.
Với phương án này, người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già. Theo đánh giá của Chính phủ, nhược điểm của phương án này do chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật này có hiệu lực, nên với hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH vẫn có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần. Do vậy, số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều, đồng thời tạo sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực trong việc hưởng BHXH một lần.
Phương án 2 là: “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH".
Với phương án này, Chính phủ cho rằng đã hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Tuy nhiên, phương án này cũng có nhược điểm là chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần. Người lao động không được giải quyết hưởng BHXH một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác giảm quyền lợi trước mắt; đồng thời, có thể xuất hiện tình trạng gia tăng người lao động đề nghị hưởng BHXH một lần trước khi Luật có hiệu lực thi hành. Theo phương án này, tình trạng hưởng BHXH một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai.
Như vậy có thể thấy, mỗi phương án đều có những ưu nhược điểm riêng nhưng nói gì thì nói muốn tăng tính hấp dẫn của BHXH vẫn là bảo đảm được quyền lợi của người lao động và an sinh xã hội. Do đó, cần nghiên cứu để tích hợp, sử dụng những mặt tốt nhất của 2 phương án này để đưa ra một phương án với các giải pháp đồng bộ, tối ưu để bảo đảm được đầy đủ nhất quyền lợi người lao động.
Chưa hết, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH. Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên…
Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, Dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Liên quan vấn đề này, nhiều chuyên gia thống nhất cao với định hướng cần có quy định chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc; đồng thời đề nghị cần phân biệt rõ hành vi "trốn đóng" và "chậm đóng" BHXH.
Gửi ý kiến tới các cơ quan báo chí, nhiều người lao động đề nghị BHXH nên nghiên cứu, xem xét giải quyết một số bất cập của Luật BHXH hiện hành như: Bỏ quy định trừ tỷ lệ % đối với người lao động tham gia BHXH phải nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động hoặc bị mất việc làm vì lý do khách quan. Thống nhất một phương án tính lương hưu cho tất cả các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, không phân biệt người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người hưởng lương từ chủ sử dụng lao động. Nên lấy mức tiền lương tham gia BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ làm căn cứ tính lương hưu. Đồng thời cần xây dựng chính sách hưu trí đa tầng để áp dụng cho từng đối tượng tham gia BHXH để phù hợp với điều kiện làm việc, môi trường làm việc và vấn đảm bảo việc làm của từng ngành, nghề khác nhau...
Từ những phân tích nêu trên, thiết nghĩ, Ban soạn thảo dự án Luật BHXH (sửa đổi) cần tiếp tục rà soát và cân nhắc để đề xuất phương án theo hướng bảo đảm tốt nhất, quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia BHXH nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng – hưởng, có chia sẻ của BHXH. Và điều quan trọng hơn là phải nhận được sự đồng thuận cao của người lao động để người lao động tham gia đóng BHXH hưởng lương hưu mà không phải so kè tính toán thiệt hơn…/.
Nam Khánh