Lê Thành
(ĐCSVN) - Diễn ra vào dịp kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim là chuyến thăm chính thức đầu tiên và được thực hiện không lâu sau khi Thủ tướng Anwar Ibrahim nhậm chức. Ðiều này thể hiện Malaysia coi trọng Việt Nam, mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Ðối tác chiến lược Việt Nam - Malaysia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại cuộc gặp nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Indonesia (5/2023) |
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam, từ ngày 20 - 21/7. Ðây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Anwar Ibrahim kể từ khi nhậm chức (24/11/2022) và là sự kiện đối ngoại quan trọng được thực hiện trong năm hai nước Việt Nam và Malaysia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).
Diễn ra vào dịp kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim là chuyến thăm chính thức đầu tiên và được thực hiện không lâu sau khi Thủ tướng Anwar Ibrahim nhậm chức. Ðiều này thể hiện Malaysia coi trọng Việt Nam, mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Ðối tác chiến lược Việt Nam - Malaysia.
Việt Nam và Malaysia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/3/1973. Quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp trên cơ sở Đối tác Chiến lược được thiết lập từ tháng 8/2015. Hai nước đang tích cực triển khai Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 đã được thông qua tại Kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban Hợp tác về Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – Malaysia (JCM 6, 15/11/2021).
Thủ tướng Anwar Ibrahim nhậm chức Thủ tướng thứ 10 của Malaysia, với cam kết thúc đẩy đoàn kết quốc gia, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đưa Malaysia trở thành đất nước thịnh vượng. Kinh tế Malaysia duy trì đà khôi phục tích cực, GDP năm 2022 tăng trưởng 8,7%, mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 22 năm qua. Malaysia theo đuổi chính sách đối ngoại truyền thống, ưu tiên quan hệ với các nước ASEAN và cộng đồng Hồi giáo, cân bằng quan hệ với các nước lớn.
Quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp trên cơ sở quan hệ Ðối tác chiến lược Việt Nam - Malaysia được thiết lập vào tháng 8/2015. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, duy trì các cơ chế hợp tác song phương một cách hiệu quả.
Gần đây nhất, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob (tháng 3/2022), lãnh đạo hai nước đã khẳng định cam kết sẽ làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chính trị và kinh tế thông qua thúc đẩy và duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc cấp cao, củng cố các cơ chế hợp tác song phương hiện có, đặc biệt là Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ (JCM) và Ủy ban hỗn hợp Thương mại (JTC).
Hai bên quan tâm và duy trì các cơ chế hợp tác như họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Kinh tế, Khoa học và kỹ thuật Việt Nam – Malaysia cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 7 được tổ chức tại Việt Nam (20/7/2023);
Hai bên nhất trí duy trì phối hợp để thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã ký, bao gồm Kế hoạch hành động Việt Nam - Malaysia để triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021 - 2025.
Về thương mại, Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan) và thứ 9 trên thế giới, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Malaysia trong ASEAN.
Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 12,5 tỷ USD năm 2021 (tăng 25,3% so với cùng kỳ 2020) và đạt 14,68 tỷ USD năm 2022 (tăng 17,4% so với năm 2021). Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn gồm sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh, phương tiện vận tải và phụ tùng, gạo.
Các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn gồm máy vi tính; sản phẩm điện tử và linh kiện; xăng dầu các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; kim loại thường khác; hóa chất; dầu mỡ động thực vật; chất dẻo nguyên liệu.
Về đầu tư, Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ hai trong ASEAN tại Việt Nam (sau Singapore), đứng thứ 10/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 702 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 13 tỷ USD (chủ yếu là giáo dục đào tạo, sản xuất, phân phối điện, khí, nước, công nghiệp chế biến, chế tạo).
Malaysia đã đầu tư vào 32/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó đứng đầu là Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp theo là Trà Vinh, Hà Nội và các địa phương khác. Việt Nam có 21 dự án đầu tư còn hiệu lực sang Malaysia với tổng vốn đăng ký đạt 853 triệu USD, đứng thứ 9/78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.
Cùng là thành viên tích cực, có tiếng nói quan trọng trong ASEAN, Việt Nam và Malaysia phối hợp chặt chẽ về quan điểm, lập trường tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC..., cũng như trong những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Hợp tác về lao động, hiện nay, Việt Nam có khoảng 12.000 người đang làm việc hợp pháp tại Malaysia, chiếm gần 1% tổng số lao động là người nước ngoài, làm việc tại Malaysia. Hai bên đang triển khai Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương người lao động nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Malaysia tới Việt Nam (3/2022), thay thế Bản ghi nhớ 2015 (hết hạn tháng 8/2020).
Về giáo dục – đào tạo, hiện đang có khoảng 1.000 sinh viên Việt Nam du học tại Malaysia. Hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục ngày 6/3/2019 (thay cho Bản ghi nhớ ký năm 2004), và Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học ngày 17/10/2013. Các chương trình học bổng do Malaysia cấp cho cán bộ ta trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Kỹ thuật Malaysia (MTCP) vẫn đang được thực hiện.
Hợp tác du lịch và hàng không, hai bên đã ký kết Hiệp định hợp tác du lịch năm 1994. Kể từ khi miễn thị thực cho công dân hai nước mang hộ chiếu phổ thông (tháng 9/2001) và cải thiện kết nối hàng không, lượng du khách Malaysia đến Việt Nam tăng nhanh.
Malaysia nằm trong nhóm 10 thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam. Trước đại dịch COVID-19, tổng trao đổi khách hai nước năm 2019 đạt khoảng 1 triệu lượt. Năm 2022, Việt Nam đón hơn 170.000 lượt khách Malaysia; Malaysia cũng đón khoảng 170.000 lượt khách Việt Nam.
Hội Hữu nghị Việt Nam - Malaysia được thành lập ngày 5/6/1994. Đến nay, Hội luôn duy trì quan hệ và trao đổi thường xuyên với Đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội, Đại sứ quán Việt Nam tại Kuala Lumpur. Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa giữa hai nước và nhân dân hai nước cũng được Hội chủ trì, phối hợp tổ chức thành công như tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật kỷ niệm 60 năm Quốc khánh Malaysia (31/8/1957 - 31/8/2017); lễ mít tinh kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Malaysia (30/3/1973-30/3/2018); phối hợp với Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam và Học viện Ngoại giao tổ chức buổi giao lưu nghệ thuật giữa đoàn nghệ thuật Malaysia và Học viện Ngoại giao (24/4/2018).
Từ năm 2019 đến nay, do tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động của Hội phần nào bị đình trệ; kết nối với các đối tác bị gián đoạn. Trong những tháng đầu năm 2023, Hội đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Malaysia.
Hiện nay, số lượng người Việt Nam tại Malaysia có khoảng 30.000 người. Cộng đồng người Việt tại địa bàn chủ yếu là người lao động giản đơn, hoặc các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, số lượng ít.
Ngày 8/3/2022, chính quyền Malaysia cấp phép thành lập “Hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam” với mục đích trao đổi thông tin, hỗ trợ việc tăng cường giao lưu nhân dân, kết nối chuyên ngành (nhất là y tế, giáo dục, học thuật…) giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Malaysia.
Trong hợp tác phòng, chống COVID-19, Việt Nam đã triển khai công tác viện trợ y tế cho Malaysia trị giá 50.000 USD (tương ứng 6.500 bộ đồ bảo hộ PPE); ngày 13/5/2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã tặng Quốc hội Malaysia 20.000 chiếc khẩu trang y tế thông qua Đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội.
Ðón tiếp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Việt Nam khẳng định coi trọng và mong muốn củng cố, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Ðối tác chiến lược giữa hai nước; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng và ASEAN. Hoạt động đối ngoại quan trọng này tiếp tục khẳng định và là bước triển khai đường lối đối ngoại của Ðại hội Ðảng lần thứ XIII là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu.
Với mối quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy giữa hai nước, chúng ta tin tưởng, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Malaysia, đưa quan hệ Ðối tác chiến lược Việt Nam - Malaysia tiếp tục đi vào thực chất, hiệu quả hơn./.
PV