Thời gian gần đây, nhiều cơ sở y tế tiếp nhận cấp cứu cho nhiều nạn nhân với những chấn thương nghiêm trọng như: Bỏng, dập nát bàn tay, thậm chí mù mắt… Nguyên nhân của những chấn thương đó là do thiết bị điện tử (máy tính xách tay, điện thoại di động) phát nổ khi đang sử dụng. Các trường hợp gặp nạn đều vào lúc vừa sử dụng thiết bị điện tử vừa cắm sạc pin.
Các bác sĩ theo dõi, đánh giá vết thương do thiết bị điện tử phát nổ, sau phẫu thuật. |
Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận cấp cứu cho một cháu bé 13 tuổi được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên trong tình trạng hôn mê, thở máy, toàn bộ vùng đầu, mặt, cổ và một nửa ngực trên nhiều vết thương do các mảnh vỡ của laptop găm vào.
Bệnh nhi bị đa chấn thương, bao gồm chấn thương sọ não: Chảy máu não thất, tụ máu trong sọ, dị vật trong não thất; chấn thương hàm mặt: Vết thương hàm mặt phức tạp, gãy xương hàm dưới, chấn thương nhãn cầu hai bên; chấn thương ngực: Nhiều vết thương phần mềm thành ngực, tràn máu, tràn khí màng phổi hai bên; chấn thương chỉnh hình: Dập nát cẳng tay trái, đa vết thương phần mềm tay phải. Ngay lập tức, người bệnh được thực hiện các đánh giá chuyên môn và hội chẩn đa chuyên khoa (chấn thương hàm mặt, chấn thương sọ não, chấn thương lồng ngực, chấn thương mắt, chấn thương chỉnh hình) và các ê-kíp của bệnh viện đã được triển khai, liên tục phối hợp đánh giá, hội chẩn và phẫu thuật các tổn thương phức tạp của người bệnh.
Ê-kíp Khoa Phẫu thuật Ngoại Tim mạch - Lồng ngực tiến hành đặt dẫn lưu màng phổi hai bên ngay khi bệnh nhi nhập viện. Sau khi ổn định mạch và huyết áp, người bệnh được xử lý đa vết thương phức tạp hàm mặt đồng thời lấy bỏ dị vật, cố định ổ gãy xương hàm dưới bởi ê-kíp phẫu thuật Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ.
Tiếp theo đó, ê-kíp Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao tiến hành phẫu thuật cắt cụt một phần ba dưới cánh tay trái, cắt lọc, xử lý đa vết thương tay phải. Cùng hội chẩn với tua trực cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có sự tham gia của bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương, các bác sĩ đã tiến hành múc nội nhãn hai mắt, lấy bỏ toàn bộ tổ chức nội nhãn còn lại và máu đông. Sau khi được phẫu thuật cấp cứu, người bệnh được theo dõi, hồi sức tích cực nhưng tình trạng chấn thương ngày càng xấu đi, gia đình đã xin đưa cháu về nhà.
Trước đó vài tháng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận cấp cứu cho một nữ bệnh nhân từ tuyến dưới (Bắc Giang) chuyển lên trong tình trạng đa chấn thương như: Biến dạng hàm mặt, vỡ nhãn cầu mắt phải, vết thương ngang khí quản do có mảnh nhựa cắm sâu; rất nhiều vết thương ngực, bụng, hai bên đùi; dập nát toàn bộ ngón 2 và 5 bàn tay phải. Nạn nhân bị các chấn thương nghiêm trọng khi vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin và chiếc điện thoại phát nổ. Người bệnh đã được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị tiến hành mổ cấp cứu kịp thời, kết hợp đa chuyên khoa và xin tham vấn để đưa ra hướng điều trị cho người bệnh. Các bác sĩ đã tiến hành khâu vết thương khí quản, khâu vết thương phần mềm hàm mặt; gắp dị vật, làm sạch vết thương; nội soi thăm dò ổ bụng để phát hiện các thương tổn sâu bên trong các tạng bụng nếu có. Đồng thời mời các bác sĩ từ Bệnh viện Mắt Trung ương sang phẫu thuật cho người bệnh, múc nhãn cầu phải bị vỡ; phối hợp chuyên khoa tạo hình vi phẫu và chấn thương chỉnh hình, tạo hình mỏm cụt bàn tay phải do bị dập nát hoàn toàn. Với chấn thương này, chức năng chi thể của người bệnh đã bị hạn chế, tay phải gần như không còn khả năng lao động.
Thống kê trong hai năm gần đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận khoảng bốn, năm trường hợp nổ điện thoại khi vừa dùng vừa sạc pin. Đa số các trường hợp đều bị vết thương ở phần mềm, dập nát một vài ngón tay, với trường hợp nạn nhân ở Bắc Giang nêu trên được đánh giá là nặng nhất.
Không chỉ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhiều cơ sở y tế ở Phú Thọ, Sơn La, Hà Giang, Vĩnh Phúc… cũng đều đã tiếp nhận cấp cứu cho các nạn nhân với mức độ chấn thương khác nhau, nhưng có chung nguyên nhân là vừa dùng điện thoại di động vừa cắm sạc pin. Các vụ tai nạn do nổ điện thoại khi vừa sạc pin vừa sử dụng có thể gây cụt chi, bỏng mặt.
Từ thực tế tiếp nhận cấp cứu cho những nạn nhân tai nạn sinh hoạt do việc sử dụng các thiết bị điện tử không đúng cách, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khuyến cáo người dân không nên sử dụng các thiết bị điện tử (máy tính xách tay), điện thoại) quá cũ và có nguy cơ hỏng hóc cao; khi cần thay pin, nên sử dụng pin từ các nhà sản xuất uy tín và được bảo hành chính hãng. Khi sạc thiết bị điện tử không nên sử dụng, không sạc điện thoại qua đêm, nơi sạc điện thoại cần cách xa người và vật liệu dễ cháy.
Đặc biệt, người dân cần chú ý khi sử dụng các thiết bị điện tử thì không vừa dùng vừa sạc pin để tránh những tai nạn đáng tiếc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Nhiều trường hợp bị nạn thời gian qua, các bác sĩ lưu ý, cha mẹ không nên cho trẻ nhỏ sử dụng điện thoại, nhất là khi các em ở nhà một mình. Khi không may gặp tai nạn do điện tử phát nổ, cần nhanh chóng ngắt nguồn thiết bị để tránh điện giật, băng bó vết thương và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
MINH HOÀNG