Tắc đường đổ tại mức phạt cao, các người muốn giao thông mãi hoang dã?

16/01/2025 17:10 251

Tony Lê

GIỚI TRẺ- CHUYỆN BỐN PHƯƠNG- GIA ĐÌNH- Ý KIẾN

Thứ Năm, 16/01/2025 07:00:00 +07:00

(VTC News) - 

Đổ lỗi mức phạt cao gây tắc đường hay than vãn chuyện nghèo túng vì bị phạt khi vi phạm là kiểu ăn vạ của những kẻ muốn kéo lùi văn hóa giao thông về thời hoang dã.

Phải chịu cảnh ùn tắc “không lối thoát” ở Hà Nội và TP.HCM những ngày gần đây, ai mà chẳng căng thẳng, ức chế. Nhưng thật nực cười khi nhiều người hùa theo luận điệu nhảm nhí rằng đường tắc nghiêm trọng như vậy là do mức phạt quá nặng của Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Ai sống nhiều năm ở hai thành phố lớn này mà chẳng hiểu rằng trong những ngày cuối năm âm lịch, tình trạng tắc đường luôn khủng khiếp hơn ngày thường, tắc nguyên ngày chứ không phải chỉ riêng trong giờ đi làm hay tan tầm, giờ nào cũng là giờ cao điểm.

Dịp gần Tết là khoảng thời gian mà lượng xe chở hàng và đội ngũ shipper vừa tăng số lượng vừa tăng cường độ công việc, nhân viên các công ty hoặc điên cuồng chạy deadline, chạy doanh số, hoặc đua nhau đi biếu quà Tết cho đối tác, khách hàng. Người ở các tỉnh lên thành phố chạy việc, mua hàng, ngoại giao… cũng đông nườm nượp. Trong khi đó, diện tích đường sá vẫn chỉ có vậy, làm sao không nghẽn, không ùn ứ cho được?

Người Hà Nội vật lộn với cảnh ùn tắc trong dịp cuối năm. (Ảnh: Viên Minh - Bảo Anh)

Người Hà Nội vật lộn với cảnh ùn tắc trong dịp cuối năm. (Ảnh: Viên Minh - Bảo Anh)

Nếu cần tìm nguyên nhân để quy lỗi, ngoài những vi phạm của người đi đường thì chỉ có thể nói là  do hạ tầng giao thông còn quá kém chưa đáp ứng được nhu cầu, giải pháp điều tiết chưa hiệu quả, chứ đời thuở nhà ai lại đi đổ cho tinh thần nghiêm túc tuân thủ luật pháp! “Tắc đường là do đi đúng luật”, quả là kiểu lý luận sặc mùi ăn vạ đúng chất Chí Phèo.

Bên cạnh việc rêu rao “Nghị định 168 làm tình trạng ùn tắc thêm khủng khiếp”, những người muốn giữ mãi thói quen chạy xe bất chấp luật giao thông còn “la làng” rằng mức phạt quá nặng khiến người dân nghèo hơn, những người bám mặt đường mưu sinh càng trở nên khó khăn hơn.

Họ còn đánh lạc hướng dư luận bằng cách khơi gợi lòng thương xót dành cho những người thu nhập thấp có thể mất nửa tháng lương vì một lần vi phạm. Nhiều người mất tỉnh táo, bị lòng thương dẫn dắt mà có suy nghĩ sai lầm rằng phải giảm nhẹ mức phạt mới là nhân văn.

Nhưng nếu phạt nhẹ để những kẻ vô ý thức mặc sức lấn làn vượt ẩu, chạy xe như côn đồ, gây tai nạn thương tích hoặc chết người thì nạn nhân có đáng thương hơn gấp trăm, gấp nghìn lần so với người phạm luật bị phạt không? Thay vì thương xót người mất tiền vì lỗi của chính họ, cái lỗi gây thảm họa cho đồng loại, hãy nghĩ đến những người vô tội có thể thiệt mạng hay tàn phế. Lòng thương đặt không đúng chỗ cũng có thể gây hại như làm ác.

Đánh rằng nhiều hoàn cảnh cũng đáng ái ngại, nhưng lực lượng chấp pháp chỉ có thể thông cảm một lần chứ không thể bỏ qua mãi. Phạt nặng là cần thiết, thậm chí phải phạt nặng hơn nữa để khép lại kỷ luật, kỷ cương, để giao thông đi vào nề nếp văn minh.

Nếu không muốn mình trở nên đáng thương vì bị tiền phạt làm cho nghèo túng thì chỉ việc tuân thủ quy định, chớ vi phạm. Chấp hành luật pháp phải là điều đương nhiên, bắt buộc, sao có thể đưa ra để mặc cả như mua rau ngoài chợ được!

Và càng không thể bàn lùi bằng cách ngụy biện “tắc đường là do mức phạt quá cao khiến dân không ai dám vượt đèn đỏ, lấn làn hay lao xe lên vỉa hè”. Mượn cớ tránh ùn tắc để giẫm đạp lên luật lệ, chẳng lẽ họ muốn quay lại thời ăn lông ở lỗ, sống kiểu hoang dại nguyên thủy?

Trước thực tế mức phạt cao khiến người dân chấp nhận chờ đợi lâu hơn trong biển xe chen chúc, hãy nhìn ở khía cạnh tích cực và đúng đắn: Chế tài đủ mạnh đã phát huy hiệu quả trong việc hình thành nền nếp, kỷ luật, dần dần tạo nên những tài xế văn minh.

Để giảm ùn tắc “không lối thoát” ở các đô thị lớn, phải nhắm vào nguyên nhân thực sự của nó. Thứ nhất, cần  cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông. Với số dân cư và lưu lượng xe cộ khổng lồ như hiện nay, rõ ràng hệ thống đường đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến tình trạng ùn tắc mỗi ngày, những dịp lễ tết càng quá tải.

Đó là chưa kể hệ thống tín hiệu "chập cheng", đang xanh bất ngờ đỏ, có lúc cả đỏ lẫn xanh cùng sáng khiến tài xế không biết đi hay dừng. Phải đồng loạt khắc phục ngay những "cái bẫy" khiến người dân có nguy cơ bị phạt oan này. 

Ngoài ra, việc điều tiết giao thông của các lực lượng chức năng cũng cần được cải thiện để tăng hiệu quả,  như phân luồng hợp lý hơn, cho phép rẽ phải khi đèn đỏ ở những tuyến phố phù hợp…

Nghĩa là, chúng ta cần khắc phục tình trạng ùn tắc bằng việc tác động vào nguyên nhân, chứ không thể vì ùn tắc mà phạt nhẹ hoặc làm lơ cho hành vi lao xe lên vỉa hè, vượt đèn đỏ, lấn làn... Như vậy chẳng khác nào dùng thuốc độc giải khát, cái chúng ta nhận được sẽ chỉ là một nền giao thông ngày càng hỗn loạn hơn mà thôi. 

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Trọng Nhân

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2