Rà soát sau sự cố: Vẫn là "mất bò mới lo làm chuồng"

15/09/2023 18:54 187

"mất bò mới lo làm chuồng"

Antony

(ĐCSVN) - “Rà soát” là cụm từ được nhắc đến và sử dụng nhiều sau mỗi sự cố hoặc tai họa xảy ra ở một số ngành, lĩnh vực trong thời gian vừa qua. Cần thay đổi tư duy “mất bò mới lo làm chuồng”, cứ xảy ra sự cố thì mới cấp tốc rà soát, kiểm tra. Phải chăng lâu nay, khâu kiểm tra, đánh giá chưa được coi trọng đúng mức trong công tác quản lý nhà nước các cấp ở một số lĩnh vực? Bài học nào được rút ra từ thực tế?

Cháy chung cư mini tại số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, cột khói bốc cao hàng chục mét - Nguồn ảnh: Facebook.

Trách nhiệm thuộc về ai, ai sẽ chịu trách nhiệm? 

Một lần nữa, hồi chuông cảnh tỉnh tất cả chúng ta về mối tai họa khôn lường của hỏa hoạn. Đau xót quá, vụ cháy chung cư mini tại địa chỉ số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) xảy ra vào khoảng 23h20 ngày 12/9 khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương (tính đến 19h tối 13/9). Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng này gây mất mát, đau thương quá lớn cho các gia đình có người thương vong, gây nỗi ám ảnh lâu dài đối với xã hội. Và hẳn nó cũng gây "giật mình" cho cơ quan quản lý nhà nước các cấp về vấn đề đảm bảo an toàn sinh mạng cho người dân nói chung và trong công tác phòng cháy, chữa cháy nói riêng.

Ngay sau sự cố hỏa hoạn xảy ra, Hà Nội đã cấp tốc yêu cầu các quận, huyện tổng kiểm tra, rà soát tất cả cơ sở nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trên địa bàn, đặc biệt là chung cư mini. Tuy nhiên, từ sự cố của vụ hỏa hoạn ở phố Khương Hạ, cơ quan chức năng sẽ tìm ra những nguyên do dẫn đến sự cố nghiêm trọng này, nhưng chắc hẳn cũng không ít những bất cập trong công tác quản lý nhà nước… mà trong đó, sự chồng chéo về trách nhiệm, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý hoặc chủ quan, coi nhẹ công tác kiểm tra, giám sát không thể không được điểm mặt, chỉ tên.

Có lẽ, không riêng sự cố hỏa hoạn nghiêm trọng này mới khiến người ta phải giật mình. Cộng đồng hẳn chưa quên vụ cháy quán Karaoke số 68 phố Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) làm 13 người chết, và Hà Nội cũng đã cấp tốc ra quyết định tạm dừng hoạt động tất cả các quán Karaoke trên địa bàn để tổng rà soát. Công tác tạm dừng hoạt động để rà soát về phòng, chống cháy nổ các quán Karaoke cũng vấp phải không ít bất cập.

Những tranh luận trái chiều của dư luận về công tác cấp phép phòng cháy, chữa cháy đối với lĩnh vực Karaoke… chưa lắng xuống thì sự cố cháy nổ lại xảy ra. Tuy nhiên, những cái chết thương tâm dường như vẫn chưa đủ cảnh tỉnh cộng đồng cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống cháy nổ. Để hôm nay, xã hội lại phải rơi nhiều nước mắt khi nhận thêm tin dữ về hỏa hoạn và những cái chết đầy oan uổng của những sinh linh vô tội ở chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, Hà Nội.

Cho dù cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, chủ sở hữu chung cư mini tại địa chỉ số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ cũng đã bị bắt tạm giam. Cơ quan chức năng cũng đã ráo riết vào cuộc để làm rõ nguyên nhân cũng như thiệt hại của vụ hỏa hoạn này. Cho dù kết quả điều tra được công bố là gì đi chăng nữa thì 56 mạng người đã vĩnh viễn không còn trên thế gian này nữa...

Chắc hẳn sẽ có nhiều cái than về sự hối hận muộn màng của không ít tổ chức, cá nhân phải thốt lên tiếc thương cho 56 sinh mạng và những người vẫn đang còn phải điều trị tổn thương bởi vụ hỏa hoạn này. Sẽ có nhiều cái “giá như”…, giá như chính những nạn nhân không chủ quan với sinh mạng của chính mình, giá như họ ý thức được những nguy cơ mà cổ nhân từng cảnh báo về những tai họa “thủy, hỏa, đạo, tặc” có thể ập đến bất cứ lúc nào; giá như chủ sở hữu chung cư này coi trọng việc đảm bảo an toàn cho những người sinh sống trong chung cư trước những nguy cơ “thủy, hỏa, đạo, tặc”; giá như cơ quan quản lý nhà nước nghiêm khắc hơn trong công tác cấp phép xây dựng; cấp phép phòng cháy, chữa cháy; giá như an ninh trật tư, an toàn được đảm bảo tốt hơn; và có lẽ vẫn còn những “giá như” muộn màng và đáng tiếc… sau sự cố này!

Vụ việc đã xảy ra, thiệt hại rất nghiêm trọng, và trách nhiệm thì không của riêng ai. Có điều, liệu cơ quan chức năng quản lý nhà nước các cấp cũng như cộng đồng xã hội có rút ra được bài học kinh nghiệm xương máu nào từ thực tế, từ những đau thương, mất mát này? Bài học nào để những điều đáng tiếc tương tự không còn xảy ra trong tương lai, để câu chuyện rà soát, kiểm tra không chỉ được thực hiện sau những sự cố?

“Thủy, hỏa, đạo, tặc" - Tai họa khôn lường

Không phải ngẫu nhiên mà cổ nhân đã đúc kết về những hiểm họa khôn lường có thể ập đến bất ngờ từ nước (lũ lụt), lửa (hỏa hoạn), trộm cướp và giặc dã (chiến tranh). “Thủy, hỏa, đạo, tặc” có lẽ là 4 tai họa lớn được cổ nhân nhắc nhở, cảnh báo trong những mối hiểm họa tiềm ẩn mà con người luôn phải đối diện. Tai họa của “thủy, hỏa, đạo, tặc” thường gây ra những nỗi đau kinh hoàng cho con người. Vì thế, luôn phải đề phòng, cảnh giác, không được coi nhẹ, xem thường, chủ quan với 4 đại họa này là trách nhiệm không của riêng ai.

Không thể đổ lỗi, hay thoái thác trách nhiệm trong các sự cố nghiêm trọng bởi hỏa hoạn. Nhưng cộng đồng thì luôn hoài nghi và có quyền đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan đến các vụ việc hỏa hoạn. Và sự cố hỏa hoạn ở phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) vừa rồi đã có hàng loạt câu hỏi đặt ra trong dư luận xã hội như: Chung cư minni này có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để làm khu chung cư hay không? Ai cấp phép xây dựng cho chung cư mini này? Chung cư mini này có được xây dựng đúng phép? Chung cư này có hệ thống phòng cháy, chữa cháy và được cấp phép hay không? Người dân sinh sống trong chung cư này có ý thức hoặc được cảnh báo về những nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào hay không?… Và tất nhiên vẫn còn hàng loạt những câu hỏi liên quan đến công tác quản lý nhà nước, của chính quyền địa phương như (phường/xã, tổ dân phố, khu dân cư) là không thể tránh khỏi.

Cơ quan chức năng sẽ công bố những nguyên nhân và trách nhiệm liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, nguy cơ về những sự cố tương tự thì vẫn luôn rình rập ở bất cứ đâu. Bài học xương máu về sự cố hỏa hoạn nghiêm trọng này đã gây thiệt hại lớn về người và vật chất của người dân sẽ khó có thể quên với tất cả chúng ta. Vì thế, đừng để cụm từ “rà soát, hoặc rà soát tổng thể” chỉ được các cơ quan chức năng nhắc đến nhiều hơn, và sử dụng sau mỗi sự cố.

Công tác rà soát, kiểm tra, đánh giá để có những giải pháp phòng ngừa là cần thiết đối với tất cả mọi lĩnh vực, không chỉ riêng với hỏa hoạn hay những lĩnh vực đã từng xảy ra sự cố. Tiếc là việc này chúng ta còn chưa làm tốt, chỉ đến khi “sự đã rồi” cơ quan chức năng mới "giật mình" nhớ đến và ban hành văn bản yêu cầu rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng thì quả là đáng tiếc.

Cần phải coi công tác rà soát kiểm tra, đánh giá là công tác định kỳ và phải được làm thường xuyên, chứ không thể để hễ cứ xảy ra sự cố thì mới thực hiện việc rà soát, kiểm tra, siết chặt, lập lại kỷ cương. Có như vậy mới không bị lặp lại tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng./."

Khắc Trường

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2