Quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hệ thống thi hành án dân sự

11/02/2024 20:37 457

Lê Thành - Thời nét Pháp luật số

Chủ nhật, 11/02/2024 09:41 (GMT+7)​​​​​​

(ĐCSVN) – Trong năm 2024, toàn Hệ thống thi hành án dân sự tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, vượt qua khó khăn thách thức, đoàn kết đồng lòng, bản lĩnh, sáng suốt, giữ “liêm sỹ bản thân, nghề nghiệp” để cùng nhau thực hiện hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024, Tổng Cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Quang Thái đã có chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam về những kết quả ấn tượng trong năm 2023 và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THADS, thi hành án tham nhũng, kinh tế và siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong năm 2024.

Thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế đạt cao nhất từ trước đến nay

Phóng viên (PV): Được biết, trong năm 2023, THADS về việc, về tiền và thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Đâu là yếu tố dẫn đến thành công trên, thưa ông?

Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Có rất nhiều yếu tố dẫn đến thành công trên, trong đó có thể kể đến một số yếu tố cơ bản như sau:

Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tổng cục THADS xác định thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đồng thời đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo: chỉ đạo sát sao đối với quá trình xử lý tài sản của các cơ quan THADS; việc xử lý tài sản kê biên bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định; định kỳ hằng tháng, hàng quý hoặc đột xuất lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục trực tiếp với các Cục THADS để nghe báo cáo tiến độ các vụ việc (nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo); Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp có Công văn số 494-CV/BCSĐ ngày 21/4/2023 đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực (PCTNTC) cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã tạo sự vào cuộc tối đa của cấp uỷ, chính quyền địa phương nhất là sự vào cuộc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế; tăng cường kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản.

Tổng Cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái . Ảnh: TH.

Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh/thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế như: Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an trong việc đề xuất hoàn thiện pháp luật có liên quan (Luật sửa đổi Luật Đất đai, Bộ luật Tố tụng hình sự, Nghị định của Chính phủ về quản lý vật chứng…); tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản; kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực để chỉ đạo sự phối hợp của các ngành các cấp trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan THADS (việc  chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong toả; việc đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự; tập trung tháo gỡ các vướng mắc bất cập về nguồn gốc tài sản; việc hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp thống nhất trong việc xử lý đơn khởi kiện yêu cầu phân chia các tài sản được tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án và các tài sản cơ quan THADS xác minh, truy tìm được trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế,...); kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong toả tài khoản ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Các cơ quan THADS tập trung cao độ nguồn lực cho công tác thu hồi tài sản trong vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế, nhất là những địa bàn trọng điểm như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy trình tổ chức thi hành án đối với từng vụ việc, việc xử lý đối với từng tài sản; rà soát kỹ việc thực hiện triệt để cơ chế ủy thác xử lý tài sản theo quy định của Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2022, theo đó các tài sản được xử lý song song ở nhiều địa phương khác nhau, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản, thu hồi tối đa tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cho Nhà nước.

Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể đã tăng cường giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Nhiều khó khăn, thách thức

PV: Như ông vừa chia sẻ, thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế trong năm qua đạt được những kết quả rất ấn tượng. Để đạt được thành tựu trên, ngành THADS  phải đối mặt với những thách thức, khó khăn gì?

Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Đúng là chưa mừng đã lo, mừng vì đạt được những kết quả quan trọng, còn lo vì có quá nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước: Tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thường có số lượng rất lớn, nhiều chủng loại, nhiều tài sản nằm rải rác ở nhiều địa phương khác nhau, thậm chí ở cả nước ngoài, đòi hỏi cần có bổ sung đủ nguồn lực để thực hiện, do nguồn lực công chức hiện tại của các cơ quan trong hệ thống THADS còn thiếu so với yêu cầu khối lượng công việc đang đặt ra của án kinh tế, tham nhũng. Chỉ tính riêng những vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo mà các cơ quan THADS đang tổ chức thi hành, đã có đến hơn 3.000 tài sản phải xử lý, trong đó đến hơn một ngàn tài sản là quyền sử dụng đất. Chưa kể, trong năm 2024 khối lượng công việc thi hành án sẽ tăng đột biến khi một loạt các vụ án tiếp tục được đưa ra xét xử và tổ chức thi hành án (như vụ: Vạn Thịnh Phát, cơ quan Điều tra đã kê biên một lượng bất động sản lớn (ước tính lên đến hàng ngàn tỷ), chưa kể nhiều triệu cổ phần, cổ phiếu và các tài sản bị thu giữ khác; vụ Tân Hoàng Minh; vụ án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai; vụ FLC cơ quan điều tra đã kê biên rất nhiều tài sản, quyền sử dụng đất của các cá nhân có liên quan...;

Bên cạnh đó, tình trạng pháp lý của tài sản kê biên để bảo đảm thi hành án thường phức tạp, nhiều trường hợp chưa được xác định rõ, đến giai đoạn thi hành án nhiều vấn đề pháp lý phát sinh phải xác minh, làm rõ, giải quyết trước khi xử lý, đòi hỏi nguồn lực con người rất lớn để xử lý; một số vụ việc, cơ quan thi hành án truy tìm, xác minh được tài sản thi hành án của đương sự nhưng sau đó đương sự làm đơn khởi kiện tranh chấp tài sản chung, dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi. Tình trạng pháp lý của tài sản chưa đảm bảo; các Dự án hiện chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý về đầu tư và đất đai theo quy định.

Một số tài sản là quyền sử dụng đất liền kề trong các vụ án tham nhũng, kinh tế cơ quan THADS mất nhiều thời gian để xem xét lựa chọn phương thức bán đấu giá gộp hoặc bán riêng từng thửa đối với các quyền sử dụng đất có chung ranh, liền kề đã được Tòa án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án như tiến hành tổ chức họp với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để thống nhất phương án xử lý tài sản;) lượng tang vật, tài sản tạm giữ ngày càng nhiều, nhưng cơ sở vật chất, nguồn lực cán bộ chưa đáp ứng.

Đẩy nhanh tiến độ thi hành án tham nhũng, kinh tế

PV: Vậy, toàn ngành THADS đã có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi?

Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tổng cục THADS xác định thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Toàn Hệ thống THADS tập trung thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; gắn với việc học tập và làm theo phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; rà soát, bổ sung, điều động nguồn lực là các Chấp hành viên, Thẩm tra viên có năng lực, trình độ đến những địa bàn trọng điểm để thi hành án. Đặc biệt, tổ chức, kiểm soát tốt việc thực hiện Kế hoạch, nhất là đối với những vấn đề phát sinh sẽ tiến hành các biện pháp, giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản trên địa bàn...

Cùng với đó, chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra, kiểm sát, bảo đảm việc thi hành án hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra sai phạm. Nếu sai phạm, thiếu sót thì phải phát hiện sớm, khắc phục ngay từ đầu; không làm phát sinh các điểm nóng, các vụ việc phức tạp.

Mặt khác, cần tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với một số cơ quan Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các cơ quan hữu quan triển khai có hiệu quả Chỉ thị 04-CT/TW, đưa vào diện Ban Thường vụ lãnh đạo trong việc xác minh, truy tìm, kê biên, phong tỏa tài khoản có liên quan người phạm tội; kiểm sát việc xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án đối với các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Phối hợp, đề nghị Toà án nhân dân Tối cao tiếp tục chỉ đạo các Tòa án nhân dân khẩn trương, giải thích, đính chính bản án hoặc có văn bản trả lời kiến nghị của cơ quan THADS, chuyển giao đầy đủ, kịp thời các bản án và tài liệu kèm theo để cơ quan THADS kịp thời thi hành án…

 Tập trung thi hành án kinh tế, tham nhũng. Ảnh: TL.

Thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong hệ thống THADS

PV: Thực tế thời gian qua vẫn còn tình trạng một bộ phận công chức THADS vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí khởi tố hình sự. Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án có ý nghĩa thế nào trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm, tiêu cực, lạm quyền trong hoạt động thi hành án, nhằm xây dựng đội ngũ THADS có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, trình độ chuyên môn cao, thưa ông?

Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Đúng là vẫn còn một bộ phận công chức do còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, cá biệt có trường hợp thoái hóa biến chất, vi phạm các quy định của pháp luật dẫn đến bị xem xét trách nhiệm hành chính, có một số trường hợp bị xử lý hình sự. Đây là điều đáng tiếc. Bộ, ngành tư pháp, hệ thống THADS đã và đang thực hiện rất nhiều giải pháp để ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm và rất kiên quyết trong xử lý sai phạm. Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 132-QĐ/TW là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để ngăn ngừa, răn đe và xử lý các sai phạm trong hoạt động tố tụng nói chung và trong THADS nói riêng.

 Quy định số 132 được coi là tuyên ngôn, kim chỉ nam để các tổ chức và cá nhân đang công tác tại các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tự soi, tự sửa và tránh mắc khuyết điểm, vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật. Đồng thời tạo cơ sở, điều kiện để cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, ban, ngành, chức năng và cán bộ, đảng viên, người dân tham gia giám sát các cơ quan, các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Đồng thời, Quy định tạo cơ chế giám sát, phòng ngừa tiêu cực, vi phạm, tham nhũng của cấp ủy, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, người dân đối với các cơ quan THADS; là cơ sở để cụ thể hóa, thể chế hóa sự quyết tâm của Đảng trong việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; căn cứ xử lý những hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án đảm bảo việc xử lý cán bộ không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Từ đó, từng bước loại bỏ những hành vi lợi dụng, lạm dụng, sử dụng chức vụ, quyền hạn.

Việc thực thi Quy định này sẽ gương soi để mỗi công chức tự soi, tự sửa, tự nhìn thấy những hậu quả có thể gặp phải để từ đó không thể, không dám tiêu cực, tham nhũng, sai phạm; đồng thời tài liệu quan trọng để tuyên truyền, giảng dạy cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghề THADS.

PV: Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, trên cương vị là người đứng đầu ngành THADS, ông có điều gì muốn chia sẻ với đội ngũ cán bộ, công chức, chấp hành viên toàn ngành?

Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Năm 2023 đã trôi qua, kết quả của toàn Hệ thống THADS đã được ghi nhận. Đây là phần thưởng dành cho những nỗ lực không biết mệt mỏi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức (áp lực từ cả người được, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; tính rủi do cao khi rất dễ sai phạm, sai phạm khó khắc phục; từ khối lượng công việc ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp,...) của đội Chấp hành viên, công chức, người lao động trong toàn Hệ thống THADS. Tôi xin tri ân và cảm ơn đến tất cả những nỗ lực cố gắng đó.

Bước sang năm 2024, khó khăn, thách thức tăng lên gấp bội, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và với sự phối hợp, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tôi tin tưởng mà mong muốn đội ngũ Chấp hành viên, công chức, người lao động trong toàn Hệ thống THADS tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, vượt qua khó khăn thách thức, đoàn kết đồng lòng với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thận trọng, khách quan, bản lĩnh, sáng suốt, tinh thông, thành thạo, giữ “liêm sỹ bản thân, nghề nghiệp” để cùng nhau thực hiện hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!

Vy Anh (thực hiện)

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2