Chiều 5/9, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 3. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh phương châm phòng, chống bão là chủ động phòng ngừa với tinh thần "không hối tiếc". Nếu người dân còn ở lại khu vực trọng yếu, nguy hiểm, lồng bè nuôi trồng thủy sản thì cán bộ được phân công phụ trách khu vực đó phải chịu trách nhiệm. Nếu bản tin dự báo không được truyền đạt kịp thời thì phải quy trách nhiệm cho cán bộ phụ trách phòng, chống bão khu vực đó.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN |
Cập nhật bản tin dự báo tới từng người dân
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, theo dự báo về cấp độ và tính nguy hiểm, bão số 3 sẽ diễn biến phức tạp do trường nhiệt độ khu vực bão tiến vào đang thuận lợi để bão có thêm năng lượng. Minh chứng rõ nét là từ 4 đến 5/9 bão đã thành siêu bão.
Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện 87/CĐ-TTg ngày 5/9 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2024. Cơ quan dự báo khí tượng duy trì công tác dự báo thường xuyên; trao đổi với cơ quan khí tượng các nước để có thông tin đầy đủ, chính xác trong dự báo. Đồng thời, thông tin đưa ra trong bản tin cảnh báo, dự báo cần được cập nhật theo hướng dễ hiểu, gần gũi để từng người dân có thể nắm được và chủ động trong công tác ứng phó với thiên tai.
"Bản tin nêu cấp gió của bão là cấp 12, vậy cấp 12 sẽ ảnh hưởng cụ thể thế nào, có làm tốc mái nhà không, có gây gãy đổ cây không... cần nêu rõ", Phó Thủ tướng phát biểu.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý: "Từ trưa 6/9, bão tác động đến vịnh Bắc Bộ và đất liền nên dự báo bão phải kết hợp với hải văn, thủy văn, đồng thời cần cập nhật thường xuyên dự báo khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở. Hoàn lưu của bão rất lớn nên phải dự báo tình hình mưa lớn bởi đây là thời điểm nguy hiểm sau khi lực lượng chức năng và người dân đã mệt mỏi, giảm sức lực sau chống bão".
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu từ ngày 5 đến trưa 6/9, các địa phương phải vận động, cưỡng chế du khách rời đảo để đảm bảo an toàn; đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phân công để ngày 6/9, có các đoàn công tác đi các địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão. Phó Thủ tướng cũng sẽ trực tiếp kiểm tra các địa phương đang triển khai phòng chống bão.
Siêu bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa
Thông tin về diễn biến bão số 3, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, chiều 5/9, bão đang ở trên khu vực phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 500km về phía Đông. Cường độ bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17. Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng, vùng gió mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng có gió mạnh cấp 10 khoảng 150km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão.
Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Mai Văn Khiêm báo cáo về diễn biến của bão YAGI. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN |
Dự báo, bão số 3 sẽ duy trì cấp 16, giật trên cấp 17 cho đến khi di chuyển vào vùng biển phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc). Khoảng đêm 6/9, bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Khoảng chiều và đêm 7/9, bão di chuyển vào đất liền khu vực Bắc Bộ, sau đó di chuyển sang phía Tây Bắc Bộ, suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội. Vùng biển khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 7-9m, vùng gần tâm bão sóng cao 10-12m, biển động dữ dội.
Từ đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2-4m, sau tăng lên 3-5m, vùng gần tâm bão đi qua 6-8m.
Từ gần sáng 7/9, vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sóng cao 2-3m, sau tăng lên 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m. Ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5-1,8m.
Trên đất liền, từ gần sáng 7/9, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.
Từ đêm 6 đến sáng 9/9, khu vực các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có Thủ đô Hà Nội) và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 100-150mm.
Từ chiều 7 đến hết ngày 8//9 trên khu vực phía Tây Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm. Riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La 150-250mm, cục bộ có nơi trên 350mm. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể xuất hiện một đợt lũ, ngập lụt diện rộng đặc biệt tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên.
Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi, trung du của Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An. Từ đêm 6/9 đến 8/9, cần đặc biệt lưu ý nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại hơn 100 huyện, thị xã thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Thanh Hóa.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan báo cáo về công tác ứng phó với báo YAGI. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN |
Các địa phương tích cực ứng phó bão số 3
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội thông tin, các lực lượng chức năng đang tích cực cắt, tỉa cây xanh, hạn chế nguy cơ gãy, đổ trong thời gian bão đổ bộ vào thành phố. Hệ thống kênh, mương, cũng như các sông khu vực ngoại thành được yêu cầu nạo vét, lưu thông dòng chảy, giúp tiêu úng kịp thời. Do có nhiều sông trên địa bàn, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch ứng trực tại các sông chính như Nhuệ, Đáy, Đuống… kịp thời báo cáo thành phố nếu có sự cố.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, phát huy tinh thần “3 trước, 4 tại chỗ” (nhận diện, chủ động, phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước, chuẩn bị phương tiện và vật tư trước và lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), tỉnh huy động 2.663 cán bộ chiến sỹ tham gia công tác ứng phó bão, toàn bộ vật tư thiết yếu đã chuẩn bị đầy đủ. Về tàu thuyền khách du lịch, đến 10 giờ ngày 5/9, còn 154 khách du lịch trên các đảo, hiện khách đã nắm được thông tin về bão. Tỉnh dự kiến cấm biển vào sáng 6/9.
Để ứng phó với bão, đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết, tính đến 10 giờ ngày 5/9, toàn tỉnh có 995 tàu, 2.950 lao động đang hoạt động trên biển. Lực lượng chức năng của tỉnh đã liên lạc được với tất cả các phương tiện, hướng dẫn về nơi tránh trú an toàn. Tỉnh dự kiến sẽ cấm biển từ 5 giờ sáng 6/9.
Như vậy, các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9; riêng tỉnh Ninh Bình cấm biển từ 13 giờ ngày 5/9./.
Thắng Trung/TTXVN