Bốn cựu chiến binh bên chiếc xe tăng 390. Ảnh: NVCC
Chiến công của “voi thép”
Bác vừa đi làm phim tư liệu về đại đội “voi thép”- cựu chiến binh Nguyễn Văn Tập, giọng khỏe khoắn, khoe. Trong đợt quay phim, ông Tập đã đi nhiều địa phương, được gặp lại những cỗ xe mình từng gắn bó, lại được gặp gỡ đồng đội ở đơn vị “húc cổng, cắm cờ”, ôn lại biết bao câu chuyện.
Ông Nguyễn Văn Tập hiện sống tại xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc (Hải Dương), người lái chiếc xe tăng 390, một trong những xe dẫn đầu tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Kết nối các nguồn tin, được biết, xe tăng 390 húc đổ cổng chính, xe tăng 843 húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập, năm 2012, cả hai chiếc xe đều được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia.
Theo ông Tập, từ ngày 26/4/1975, đại đội XT 4, Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn 203) được lệnh đánh căn cứ Nước Trong (Đồng Nai), tham gia giải phóng Đồng Nai. Sau đó, đơn vị tiếp tục tiến sâu về Sài Gòn theo hướng từ Thủ Đức. Khoảng 10 giờ 30 phút sáng 30/4, xe tăng 390 có mặt tại cổng dinh Độc Lập. Ông Tập nhớ lại: “Điều khiển xe đến cổng dinh, tôi đã thấy xe tăng 843 do trung úy Bùi Quang Thận, đại đội trưởng XT 4, (Lữ đoàn 203) chỉ huy, đang dừng trước cổng phụ. Lúc đó cổng dinh vẫn đóng, bên trong còn quân lính địch và xe thiết giáp. Ông Vũ Đăng Toàn, chính trị viên đại đội ra lệnh húc vào cổng chính. Khi tôi điều khiển "voi thép" húc đổ cổng sắt thì quân lính bên trong bỏ chạy về phía vườn cây phía sau dinh. Ngay sau đó, xe tăng 843 cũng húc đổ cổng phụ bên trái, tiến vào. Chúng tôi dừng trong sân dinh, ba thành viên là ông Vũ Đăng Toàn, Ngô Sỹ Nguyên, Lê Văn Phượng vào dinh, còn tôi ở lại giữ xe”.
Cựu chiến binh Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ xe tăng 390, không giấu được niềm xúc động khi nhắc nhớ về những kỷ niệm quân ngũ 50 năm trước. Từ vùng quê Nghệ An xung phong lên đường nhập ngũ, ông cùng đồng đội trải qua nhiều tháng ngày gian khổ, hy sinh, và may mắn được góp mặt trong buổi trưa vỡ òa xúc động. Ông Nguyên kể lại: “Các chiến sĩ quân ta vào phòng họp khống chế toàn bộ nội các. Khoảng 10 phút sau, đồng chí trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203 có mặt, bắt toàn bộ nội các Dương Văn Minh ra đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng. Đó là giây phút thiêng liêng của cả dân tộc. Ngày 15/5/1975, anh em, đồng đội chúng tôi lại cùng xe tăng 390 vinh dự tham gia lễ diễu binh, với tâm thế của những người chiến thắng”.
Qua ông Nguyên, chúng tôi được gặp cựu chiến binh Lữ Văn Hỏa, chiến sĩ lái xe tăng 843 (quê ở thành phố Phủ Lý-Hà Nam). Ông Hỏa có sáu anh em trai thì năm người xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền nam. Năm 1970, khi đang học trung cấp, ông “xếp bút nghiên” tình nguyện nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo chiến sĩ lái trong ba tháng, ông được điều về đại đội XT 4, Lữ đoàn 203, chiến đấu tại mặt trận Huế. “Trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, đơn vị của tôi tham gia các trận đánh ở căn cứ Núi Nghệ, Núi Bông, giải phóng thành phố Huế, rồi tiếp tục về giải phóng Đà Nẵng”, ông Hỏa nhớ lại.
Từ 3 giờ sáng 29/4/1975, tại Biên Hòa, đơn vị của ông Hỏa nhận lệnh tập trung hỏa lực đánh thẳng vào các mục tiêu quan trọng của địch như: xa lộ Biên Hòa, ngã ba Tam Hiệp, cầu Sài Gòn... Sau khi vượt qua cầu Sài Gòn, Lữ đoàn 203 chia thành hai mũi theo đại lộ Hồng Thập Tự và đại lộ Thống Nhất tiến về dinh Độc Lập. Với phương châm đã trở thành mệnh lệnh “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, những cỗ xe tăng ngạo nghễ vươn nòng trút lửa vào các ổ hỏa lực ngoan cố của địch. Trên đường đi xe tăng 843 đã bắn cháy ba xe bọc thép của địch. Ông Hỏa tâm sự: “Lúc nhận được lệnh sẽ tiến đánh các mục tiêu quan trọng, các chiến sĩ trong đơn vị ai cũng hào hứng, quyết tâm. Khi nhìn thấy lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc dinh, chúng tôi vui mừng khôn tả. Vậy là, những cố gắng, sự hy sinh của đồng đội, đồng bào đã được đền đáp”.
![]() |
Ông Tập (bên trái), ông Toàn (bên phải) cùng đồng đội trong một buổi ghi hình. Ảnh: NVCC |
Sống thêm phần đồng đội
Cũng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trưa 30/4, cựu chiến binh Trần Bình Yên (Kim Bảng-Hà Nam), lái xe tăng số hiệu 846 tiến vào dinh sau xe 390 và 843. Năm 1980 ông Trần Bình Yên xuất ngũ, về địa phương gắn bó với công việc làm vườn đồi. Trang trại xanh mướt của ông ở cuối thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng) là nơi đồng đội, bạn bè thường lui tới để gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm về một thời binh lửa và giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Là thương binh, nhưng ông Yên luôn tâm niệm: Bao gian khổ năm xưa, với nào sốt rét, thiếu đói, cái sống cái chết cách nhau chỉ gang tấc còn vượt qua được, thì những khó khăn hôm nay nào có thấm gì.
Cựu pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên rời quân ngũ năm 1982 và được nhận vào làm việc tại cảng Hà Nội, còn gọi là cảng Phà Đen (Thanh Lương, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng) rồi lập gia đình. Đây là thời kỳ kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, bốn miệng ăn chủ yếu trông chờ vào đồng lương của vợ. Ông Nguyên nhớ lại: “Năm 1992, tôi quyết định thôi công tác tại cảng vì lương quá thấp, rồi mua một chiếc xe ba bánh, chở hàng thuê. Năm 2002, tôi đi học, chuyển sang lái xe cho Xí nghiệp xe buýt 10/10, đến năm 2012 thì nghỉ hưu”.
Vất vả mưu sinh, ông Nguyên vẫn hằng nhớ đến đồng đội, nhưng đã mất liên lạc từ ngày giải ngũ. Mãi đến năm 1995, ông vô tình “gặp” ba đồng đội trong một chương trình truyền hình, và nhủ lòng sẽ đi tìm. Nhưng không ngờ, mấy hôm sau, đạo diễn Phạm Việt Tùng đã tìm được ông và tổ chức buổi gặp mặt bốn chiến sĩ thuộc kíp chiến đấu của xe tăng 390 tại Hải Dương, nơi chỉ huy xe Vũ Đăng Toàn, lái xe Nguyễn Văn Tập đang sinh sống. “Tôi đã ôm ba người anh em của mình là Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Văn Tập, Lê Văn Phượng thật chặt. Lúc này, tôi mới biết ông Tập xuất ngũ năm 1976, ông Toàn xuất ngũ năm 1985, đều trở về huyện Gia Lộc (Hải Dương) làm ruộng”, ông Nguyên giãi bày.
Trở về đời thường, cuộc sống của các ông Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Văn Tập cũng đầy nhọc nhằn. May thay, năm 2004, sau khi chương trình “Huyền thoại chiếc xe tăng 390” được phát sóng trên truyền hình, vì nể trọng nghị lực của ông Toàn và ông Tập, PGS, TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty sơn Kova đã mời các ông về làm việc.
Giờ đây, cuộc sống của những người lính Cụ Hồ năm xưa đã tốt hơn nhiều. Ông Tập có người con là sĩ quan chuyên nghiệp tại một đơn vị xe tăng; ông Nguyên có hai người con đều làm ở Bệnh viện 354; ông Toàn có hai người con lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh… “Chúng tôi tự nhủ, phải sống thêm phần đồng đội. Chúng tôi may mắn được trở về, có vợ con. Còn đồng đội… Hằng năm, chúng tôi vẫn tổ chức thăm lại chiến trường, để tri ân…”, ông Trần Bình Yên bày tỏ ■
Hải Miên