HÀ LÊ
Ngành du lịch Việt Nam đã “gỡ nút thắt” visa để mở đường tăng tốc và phát triển. Song, ngành công nghiệp không khói vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hút nhân lực có chuyên môn cao...
Khách đến tham quan, trải nghiệm các di tích ở Huế
Thiếu nhân lực chất lượng cao
Sau giai đoạn dịch COVID-19, đà phục hồi của ngành du lịch Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng đang khá tốt. Tổng lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế trong 8 tháng đầu năm ước đạt gấp 1,6 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt, khách quốc tế ước đạt 672.000 lượt, gấp 9 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 4.600 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Ngày 15/8, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực với những điều chỉnh về thị thực theo hướng cởi mở hơn đã khởi động một lộ trình thông thoáng để Việt Nam rộng cửa đón khách. Tuy “nút thắt” visa được tháo gỡ, nhưng còn một “nút thắt” nữa liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn đang còn nhiều trăn trở.
Đánh giá về nhu cầu nhân lực, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025, riêng tổng cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu. Như vậy, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.
Là địa phương chú trọng phát triển lĩnh vực du lịch, nhưng Thừa Thiên Huế không nằm ngoài bối cảnh chung cả nước. Tuy trên địa bàn có các cơ sở đào tạo nhân lực về du lịch trình độ đại học, cao đẳng, nhưng thực tế, nguồn nhân lực lại bị chia sẻ đến các địa phương. Trong một chia sẻ, Trường cao đẳng Du lịch Huế đưa ra con số rằng, nhu cầu tuyển dụng lao động, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt gần 100%, nhưng lao động ở lại Huế làm việc chỉ chiếm 10%. Với tốc độ phát triển hiện nay, du lịch Huế nói riêng và cả nước nói chung bị thiếu hụt khá nhiều vị trí được cho là nhân lực chất lượng; hoặc khi có những dịch vụ mới, đội ngũ tiếp cận chưa có.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho hay, nhân lực du lịch không chỉ có những người quản lý, mà tất cả các bộ phận của những cơ sở dịch vụ lưu trú 4-5 sao, những lao động phục vụ trong những sản phẩm gắn với du lịch thông minh, du lịch MICE, du lịch golf… đều được ngành du lịch Huế đưa vào vị trí cần có nhân lực chất lượng cao.
Hiện nay, khi Huế tổ chức nhiều lễ hội để phát triển du lịch, đội ngũ tham gia tổ chức, nhiều hoạt động Huế phải đi thuê bên ngoài để thực hiện, như đạo diễn, âm thanh, ánh sáng… Vì vậy, đòi hỏi có nhân lực chất lượng đảm nhiệm vai trò làm chủ tổ chức.
Trước đây, các loại hình du lịch truyền thống, gắn với tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí là cơ bản. Hiện nay, nhiều sản phẩm du lịch mới đang hình thành, phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của mọi đối tượng du khách như du lịch thông minh, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe... Xu thế số hóa sẽ làm thay đổi sâu sắc phương thức quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch. Điều này đòi hỏi cần có lực lượng nhân lực có tri thức phong phú và toàn diện hơn cả về kiến thức, chuyên môn, tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ...
Vừa đào tạo, vừa bồi dưỡng
Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, Thừa Thiên Huế có hơn 14.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch và hơn 30.000 lao động gián tiếp. Ảnh hưởng dịch bệnh đã khiến không ít nhân sự cao cấp, trung cấp trong ngành chuyển việc. Trong bối cảnh hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu để thúc đẩy phát triển ngành du lịch tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung.
Khách đi du lịch hiện nay mong muốn có nhiều dịch vụ trải nghiệm theo hướng “không chạm”, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Vì vậy, nhân sự ngành du lịch rất cần có kỹ năng sử dụng thành thạo các ứng dụng số hóa, nhạy bén với các xu hướng của mạng xã hội. Doanh nghiệp cần chủ động bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự bằng nhiều cách như tổ chức đào tạo ngay từ khi mới tuyển dụng hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo để tổ chức đào tạo nâng cao, chuyên sâu cho từng vị trí việc làm phù hợp.
Để đảm bảo số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập, cần có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động toàn diện; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng năng nghề du lịch; chú trọng đào tạo nhân lực quản lý cấp cao và lao động lành nghề; đa dạng hóa các hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực cơ sở đào tạo, trường đào tạo nghề… Bên cạnh đó, các ban, ngành liên quan cần phải dành nguồn lực để đào tạo nhân lực cho ngành du lịch… tạo cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn lực này.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, ngành du lịch sẽ tập trung tạo nhiều việc làm cho người lao động bằng việc kêu gọi đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đầu tư mới, mở rộng quy mô kinh doanh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, hình thành nhiều tuyến, điểm du lịch mới mang tính hệ thống và liên kết trong địa phương và liên kết vùng. Gắn kết công tác đào tạo với kế hoạch sử dụng lao động của từng địa phương trong tỉnh, nhất là những địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh.