Những kỷ vật chưa bao giờ cũ

01/03/2025 08:15 67

Một cuốn sổ nhật ký, một bức ảnh chân dung hay một lọn tóc là di vật của những người phụ nữ thời chiến đều mang câu chuyện về tinh thần quả cảm, đức hy sinh, chịu đựng gian khổ và trên tất cả là tình yêu Tổ quốc. Ngày hôm nay, những kỷ vật ấy vẫn kể câu chuyện chưa bao giờ cũ, nhắc nhở chúng ta về giá trị của hòa bình.

Nhiều thế hệ học sinh tham quan, nghe kể chuyện về kỷ vật chiến tranh tại Bảo tàng Ðường Hồ Chí Minh (Hà Nội).
Nhiều thế hệ học sinh tham quan, nghe kể chuyện về kỷ vật chiến tranh tại Bảo tàng Ðường Hồ Chí Minh (Hà Nội).

Tại buổi lễ trao tặng di ảnh phục dựng màu chân dung 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tôi gặp ông Nguyễn Văn Kiên. Khi nhắc đến hai cô ruột của mình, liệt sĩ Nguyễn Thị Thu và liệt sĩ Nguyễn Thị Thi, ông Kiên lặng đi vì xúc động và tự hào.

Sáng 1/10/1966, hai cô đang trong gian bếp nướng ngô cho các em, tiếng còi báo động bỗng vang lên. Hai cô vội dặn dò bố mẹ đưa các em vào hầm trú ẩn, rồi lao ra trận địa pháo. Cô Thu, 18 tuổi, hy sinh ngay trên mâm pháo, dưới trận mưa bom của không quân Mỹ, tay giữ chặt khẩu pháo trong tư thế chiến đấu. Cô Thi, mới 16 tuổi, bị mảnh bom cắt vào bụng và chân. Cô nói với bác sĩ hãy cắt chân cô mà không cần gây mê, để dành thuốc cho thương binh nặng hơn. Nhưng rồi cô đã không thể tỉnh lại…

“Gia đình tôi có 7 người tham gia trận chiến đó. Lúc cô Thi bị thương, cô còn nói với bố tôi: “Anh đừng rời trận địa, hãy thay em chiến đấu”. Sau sự hy sinh của hai cô, bà nội tôi (Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Quỳ) vẫn động viên những người con khác tiếp tục chiến đấu” - ông Kiên kể.

Thông tin lưu tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam cho biết: Từ năm 1966 đến 1967, 10 nữ dân quân tuổi đời từ 16-22 của 2 thôn: Ðình Tràng, Ðường Ấm, xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên (nay là phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) đã anh dũng chiến đấu và hy sinh ngay trên mâm pháo... Họ là những cô gái tuổi còn rất trẻ, vừa mới rời ghế trường cấp 3, người là nông dân, giáo viên, công nhân. 10 cô gái ấy cùng sinh ra, lớn lên, cùng chiến đấu và anh dũng ngã xuống trên mảnh đất quê hương.

Năm 2024, nhóm họa sĩ trẻ của Tổ chức Trái tim người lính Việt Nam phối hợp câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 đã phục dựng màu di ảnh chân dung 10 nữ liệt sĩ Lam Hạ và trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Gia đình ông Kiên chỉ có ảnh chân dung đen trắng của cô Thu; cô Thi không kịp để lại di ảnh. Nhóm họa sĩ đã phục dựng ảnh cô Thi từ bức tranh vẽ tại đền thờ 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ.

Trên bàn thờ của gia đình bà Vũ Lưu Liên (ở phường Hà Cầu, quận Hà Ðông, Hà Nội) đặt trang trọng bức di ảnh liệt sĩ Trần Minh Tiến. Hơn nửa thế kỷ qua, người yêu cũ của bà vẫn hiện diện trong căn nhà, trong ký ức, trong những lá thư tình và trong cuốn nhật ký chiến tranh.

Anh lính Sư đoàn 308 Trần Minh Tiến và cô văn công xung kích tỉnh Hà Tây Vũ Lưu Liên từng có một mối tình đẹp như thơ và họ chuẩn bị làm lễ cưới.

Nhưng rồi, chiến tranh đã chia cắt họ. Ðầu năm 1968, anh lên đường vào chiến trường Quảng Trị. Trước khi chia tay, anh tặng người yêu chiếc áo bộ đội và chiếc nhẫn khắc hình hai trái tim lồng vào nhau như một kỷ vật đính ước, những lá thư và cuốn nhật ký viết trong thời gian huấn luyện. Cô cũng tặng anh chiếc khăn tay thêu bông hồng màu tím và tên mình, cùng một cuốn sổ tay. Trang đầu tiên của cuốn sổ, hai cái tên Minh Tiến và Lưu Liên được viết lồng vào nhau.

Từ chiến trường, anh viết thư gửi người yêu: “Vì yêu em, anh khao khát sớm lao vào lửa đạn để tìm hạnh phúc. Vì thương em, anh sẵn sàng đánh đổi mạng sống để chúng ta có thể mãi bên nhau. Nếu anh còn sống, chúng ta sẽ có tất cả, còn nếu mất, thì chỉ mình anh mất...”.

Chiến tranh đã không cho họ một cái kết viên mãn. Chiều 31/5/1968, người lính ấy đã anh dũng hy sinh trong trận chiến khốc liệt tại cao điểm 202, đồi Bằng. Lá thư cuối cùng anh viết: “Lưu Liên yêu quý của anh! Ðêm nay anh ra trận, anh định sau trận này viết thư về báo công cho em luôn thể. Nhưng anh linh cảm mách bảo rằng: đêm nay anh sẽ không trở về và cả cuộc đời anh sớm hiến dâng cho Tổ quốc. Anh không ân hận điều gì, sống và hành động theo lý tưởng của Ðảng và Tổ quốc giao cho. Anh chỉ ân hận nếu lá thư này không đến tay em, để em phải chờ đợi anh thì lỡ tuổi thanh xuân, thì tội anh lớn lắm…”.

Thời gian qua đi đã phần nào xoa dịu nỗi đau, bà Lưu Liên lập gia đình với một sĩ quan quân đội. Suốt hơn 50 năm qua, bà vẫn gìn giữ những kỷ vật của liệt sĩ Trần Minh Tiến. Chồng và các con bà cũng xem liệt sĩ như một thành viên trong gia đình, có bàn thờ riêng, mỗi khi có việc trọng đại mọi người đều thắp hương “xin ý kiến” ông.

Năm 2008, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và đồng đội, gia đình bà Lưu Liên đã tìm thấy hài cốt liệt sĩ Trần Minh Tiến và đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Ðường 9. Hằng năm, bà cùng gia đình vào Quảng Trị để thăm viếng liệt sĩ.

Năm 2021, kỹ sư Lâm Hồng Tiên đã tìm thấy bản chụp cuốn sổ ghi chép của liệt sĩ Trần Minh Tiến tại Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ-Ðại học Công nghệ Texas (Mỹ). Cuốn sổ do lính Mỹ thu giữ năm 1968, lưu giữ những dòng viết cuối cùng của người lính trẻ trước khi hy sinh.

Khi nhìn thấy cuốn sổ, bà Lưu Liên nghẹn ngào. Cuốn sổ lịch kết thúc vào ngày 28/5/1968, chỉ 3 ngày trước khi anh hy sinh.

Hơn 100 lá thư và cuốn sổ nhật ký của liệt sĩ Trần Minh Tiến được bà Lưu Liên tập hợp và xuất bản trong hai cuốn sách: Trở về trong giấc mơ và Những lá thư tình đi qua chiến tranh, qua sự biên soạn, giới thiệu của nhà văn, đại tá Ðặng Vương Hưng.

Trong buổi lễ trao tặng ảnh phục dựng chân dung liệt sĩ và tủ sách Ðặng Thùy Trâm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bà Lưu Liên đã trao 500 cuốn Trở về trong giấc mơ tặng các thư viện, trường học trên toàn quốc, với mong muốn các thế hệ sau hiểu hơn về cuộc chiến tranh vệ quốc, về những mất mát, hy sinh của thế hệ cha anh.

Trong một lần đến thăm Bảo tàng Ðường Hồ Chí Minh, tôi ấn tượng với lọn tóc dài hơn nửa mét được trưng bày cùng các kỷ vật chiến tranh. Qua lời kể của cán bộ thuyết minh, tôi biết đó là lọn tóc của nữ chiến sĩ công binh Phạm Thị Ngoan, quê ở Ninh Bình. Cách đây gần 20 năm, bà đã đồng ý tặng lại bảo tàng.

Năm 1973, khi mới 16 tuổi, bà Ngoan xung phong vào bộ đội, thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 34, Sư đoàn 472 công binh. Sau 3 tháng huấn luyện, bà hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Công việc hằng ngày là san đất, rải đá, phá bom để mở đường, thông tuyến đưa quân lương, vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường.

Giữa cánh rừng đại ngàn, dưới làn mưa bom đạn, các cô gái mở đường chỉ với những dụng cụ thô sơ (cuốc, xẻng, xà-beng, búa chim) và phương tiện vận chuyển đất đá tự chế (sọt nứa, thùng phuy). Công việc nặng nhọc, nhiều khi không có lương thực, phải ăn rau rừng, măng rừng thay cơm. Mùa khô, cả đơn vị phải lấy nước để ăn uống, sinh hoạt từ con suối cạn, nước đục ngầu, váng nổi lềnh bềnh, nên ai cũng bị ghẻ lở và rụng tóc. “Bom đạn, bệnh tật, kể cả cái chết, chúng tôi không sợ, nhưng nhiều chị em bật khóc khi thấy tóc mình rụng từng mảng” - bà Ngoan bùi ngùi kể.

Ngày mới vào chiến trường, tóc bà óng mượt, chảy dài đến kheo chân, mỗi lần chải tóc, gội đầu, ai cũng xuýt xoa. Con gái ở chiến trường không son phấn, không đồ trang sức, chỉ có mái tóc làm duyên. Nhưng những trận sốt rét và điều kiện sống khắc nghiệt đã vặt trụi dần mái tóc, chỉ còn là một dúm xơ xác, có người đầu trọc lóc. Thương tiếc, mỗi lần chải tóc, gội đầu, bà Ngoan lại vo tròn những sợi tóc rụng rồi cất đi, lúc rảnh thì mang ra chuốt lại từng sợi, rồi buộc thành lọn, cất vào ba-lô…

Trong số những kỷ vật thời chiến bà Ngoan trao tặng Bảo tàng Ðường Hồ Chí Minh, còn có một cuốn sổ ghi chép và 20 bức thư tình.

“Em thân yêu, tiếng gà đã gáy chuyển canh mà sao anh không ngủ được… Biết đến bao giờ gặp lại Em và được sống bên Em trong những giây phút êm đềm…”.

Ðó là những dòng thư viết vội của người lính lái xe Ðỗ Tá Tám gửi đến người yêu - cô bộ đội công binh Phạm Thị Ngoan. Giữa khói lửa chiến tranh, 20 bức thư tình như những sợi tơ gắn kết họ, giúp họ vượt qua bao gian khổ, hiểm nguy. Có những lá thư mấy tháng mới đến tay người nhận, chữ đã nhòa, giấy đã ố vàng. Lần nào nhận thư, cô cũng mừng rỡ như gặp lại người yêu. Lần nào nhận thư, cô cũng cất kỹ như báu vật.

Suốt 4 năm trời đợi chờ trong bom đạn, sau ngày miền nam giải phóng, đất nước thống nhất, người lính ấy đã quyết tâm tìm lại người yêu. Cuối năm 1976, hai người may mắn gặp nhau và một năm sau, họ tổ chức đám cưới.

Bỏ lại cả tuổi thanh xuân giữa rừng Trường Sơn, nhưng được sống, được trở về quê hương, được cưới người mình yêu thương và có một gia đình hạnh phúc, bà Ngoan luôn thấy mình thật may mắn. “Còn được sống đến hôm nay, chúng tôi không bao giờ quên ơn những người đồng đội đã ngã xuống” - bà xúc động nói.

Giữa nhịp sống hối hả hôm nay, đôi khi chúng ta vô tình quên đi giá trị của hòa bình, quên đi những con người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, quyết giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nhưng, mỗi lần nhìn lại những kỷ vật thời chiến, chúng ta được nhắc nhớ rằng, hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng máu xương của các thế hệ đi trước.

Theo ANH THƠ/Nhân Dân Điện tử

Quảng cáo 2