Nhiều trăn trở về lương nhà giáo

22/11/2023 20:13 526

THẢO PHƯƠNG

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục và đào tạo không quyết định được vấn đề tiền lương nhưng sẽ kiên trì thuyết phục các bộ, ngành liên quan và quan trọng là nguồn lực của Nhà nước, để có thể thực hiện được chủ trương: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương.

Cô giáo Phạm Thị Hương, giáo viên tiếng Anh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Thàng Tín (Hoàng Su Phì, Hà Giang) phải dạy kiêm nhiệm cả khối THCS và tiểu học.
Cô giáo Phạm Thị Hương, giáo viên tiếng Anh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Thàng Tín (Hoàng Su Phì, Hà Giang) phải dạy kiêm nhiệm cả khối THCS và tiểu học.

Giáo viên mầm non ngậm ngùi

Vị lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai (Hà Nội) buồn bã khi những lá đơn xin nghỉ việc của các cô giáo mầm non trên địa bàn ngày một nhiều thêm. “Là quận mới, dân số ngày càng tăng nên dẫn tới tình trạng thiếu trường, thiếu lớp và nay là thiếu cả giáo viên dạy bậc mầm non. Lý do chủ yếu khiến các cô xin nghỉ việc là thu nhập quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống, trong khi áp lực công việc quá lớn!”, vị lãnh đạo nói.

Hiệu trưởng một trường mầm non chia sẻ, cô đã “rớt nước mắt” khi ký đơn xin nghỉ việc của ba cô giáo trường mình. Yêu nghề, mến trẻ, các cô gắn bó và chọn giáo dục mầm non nhưng lương giáo viên mới ra trường đã thấp, lương giáo viên mầm non càng thấp hơn, vào khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, giáo viên mầm non làm việc ít nhất 8 giờ/ngày, ngoài ra còn phải làm rất nhiều đồ dùng, đồ chơi theo quy định chương trình học. Đó là chưa kể sự vất vả, áp lực vì việc chăm sóc, giáo dục trẻ vốn không dễ dàng gì. Nhiều giáo viên mầm non đến trường từ tờ mờ sớm và tối mịt mới về nhà. Một cán bộ quản lý giáo dục cũng tâm sự: “Giáo viên mầm non có tỷ lệ ly hôn rất cao, cao hơn các cấp học khác”. Theo cán bộ này, thì các cô không có thời gian chăm sóc con cái, gia đình nên rất cần sự cảm thông, hỗ trợ từ gia đình, từ chồng. Có như vậy mới hạnh phúc và gắn bó với nghề.

Cô giáo Nguyễn Thị M, giáo viên mầm non có 24 năm gắn bó với nghề, chia sẻ: “Tôi từng viết đơn xin bỏ nghề không dưới 10 lần, nhất là mỗi lần nhận lương thưởng, con ốm đau cần tiền điều trị. Nhưng cứ viết xong thì lại ngậm ngùi với câu hỏi “bỏ nghề thì làm gì?”, rồi guồng quay mỗi ngày lại cuốn lấy tôi suốt 24 năm qua”.

Cô M bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội năm 1999 nhưng tới 2010 mới được vào biên chế. Khi đó, thu nhập mỗi tháng của cô hơn 4 triệu đồng. Sau 10 năm, với hệ số lương 3,26 cùng phụ cấp, cô nhận khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng. Năm 2021 khi đỉnh điểm dịch Covid-19, trường học đóng cửa ba tháng, cô M ở nhà. Bố mẹ cô ở quê gửi thực phẩm sạch lên để hỗ trợ, “cái khó ló cái khôn” cũng từ đó, có thời gian ở nhà, cô chế biến các món ăn truyền thống rồi giới thiệu lên mạng, tập tành bán hàng trực tuyến. Thực phẩm sạch từ quê cộng với sự khéo léo trong chế biến, các sản phẩm của cô từ dưa muối, cá kho, thịt kho tàu đến giò xào… đã thu hút khách hàng quen thuộc, rồi bạn bè cứ giới thiệu nhau cho cô M đắt khách. Trung bình mỗi tháng tiền bán hàng của cô cũng hơn 10 triệu đồng.

Dịch qua đi, công việc ở trường trở lại guồng quay, cô không còn thời gian để bán hàng như trước đây. Khách quen thì vẫn yêu cầu đặt hàng đều đặn trong khi lương nhận được ở trường chỉ bằng một nửa so với thời dịch cô làm ở nhà. Thế rồi tháng 6/2022, sau khi kết thúc năm học, cô M quyết định xin nghỉ hẳn ở nhà, tập trung vào việc bán hàng. Cô nói: “Có thời gian, tôi chế biến thêm các món quà chiều như nộm thịt bò, chè đủ loại, bánh chuối… ai ăn cũng khen ngon nên thu nhập đã khá hơn cả mùa dịch”. Hỏi về nghề, cô M vẫn đọng lại những giọt nước trên khóe mắt.

Theo thống kê của ngành giáo dục, năm học vừa qua, cả nước có 19.300 giáo viên nghỉ, trong đó 9.295 giáo viên nghỉ việc, còn lại 10.094 thầy cô nghỉ hưu theo chế độ. Như vậy tính bình quân cứ 130 giáo viên thì có một người bỏ việc. Số giáo viên nghỉ việc nhiều tập trung ở các khu đô thị, khu công nghiệp lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, Hải Phòng… Những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội quá khó khăn như Gia Lai, Sơn La cũng có hiện tượng giáo viên nghỉ việc đông hơn so với các địa phương khác.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, lý do lớn nhất khiến giáo viên bỏ nghề là chính sách tiền lương. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện các chế độ đãi ngộ như phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, nhưng thu nhập của nhà giáo nói chung và đặc biệt với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng còn rất thấp.

Hiện, lương cơ bản của viên chức tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, thêm phụ cấp với giáo viên mầm non tăng thêm 10%, giáo viên tiểu học 5%. Thực tế mỗi thầy, cô chỉ được tăng thêm vài trăm nghìn đến 1 - 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, học tập nâng cao trình độ…) khá cao, “lương tăng được một đồng thì mớ rau, con cá đã tăng ba đồng”. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn để trang trải cuộc sống.

Mặt khác ở các khu đô thị, khu công nghiệp, cơ hội tìm kiếm việc làm mới khá dễ dàng do nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Do đó, lượng giáo viên trong độ tuổi 30 - 35 năm qua quyết định nghỉ việc nhiều.

Nỗi lo chung

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) bày tỏ nỗi lo trước làn sóng nghỉ việc của giáo viên thời gian qua. Năm qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhiều lần tổ chức giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri riêng với các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương. Giáo viên phản ánh áp lực công việc ngày càng cao. Cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới thì phần công việc của họ tăng lên rất lớn. Để phục vụ mỗi giờ lên lớp, giáo viên phải đọc rất nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau thay vì một bộ sách như trước kia. Điều này khiến khối lượng công việc tăng thêm nhiều…

Rõ ràng áp lực, khối lượng công việc của các giáo viên hiện tăng gấp 2 - 3 lần so với trước đây, song lương vẫn ở mức cũ, nghĩa là ngành giáo dục mới chỉ đổi mới công việc mà chưa đổi mới thù lao. Vì vậy, giáo viên nói họ cảm thấy mệt mỏi và dẫn đến quyết định bỏ nghề. Thêm nữa, hiện nhiều áp lực khác trong mối quan hệ với phía phụ huynh và học sinh. Nhiều thầy, cô tâm sự họ thà đi làm công việc lương thấp hơn nhưng đơn giản và không phải chịu nhiều áp lực như nghề giáo viên hiện nay. Đây là hiện tượng rất đáng buồn và đau xót.

“Vấn đề giáo viên bỏ nghề không chỉ là nỗi lo của Bộ GD&ĐT, mà còn là nỗi lo của toàn dân. Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần suy nghĩ nghiêm túc và sớm tìm giải pháp đồng bộ khắc phục vấn đề này”, bà Nga trăn trở. Bà hy vọng sẽ giải quyết được những bất cập tồn tại kéo dài trong môi trường giáo dục hiện nay để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề, giúp họ cảm thấy thoải mái và yêu nghề.

Về lương giáo viên, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục không quyết định được việc này nhưng sẽ kiên trì thuyết phục các bộ, ngành liên quan và quan trọng là nguồn lực của Nhà nước, để có thể thực hiện được chủ trương lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương. Bước đầu, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ… Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong nhiều diễn đàn, nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành; trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học. Bộ trưởng GD&ĐT bày tỏ mong muốn có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên các cấp học, tuy nhiên triển khai trước đối với mầm non, tiểu học; sau đó sẽ lần lượt có các kiến nghị khác.

Bài và ảnh: THẾ PHONG, BÍCH NGỌC

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2