Trong không khí hướng đến Tết cổ truyền với những nghi lễ tưởng nhớ cội nguồn trong tháng Chạp, những ngày Tết và các tháng xuân tưng bừng hội lễ, hội thảo “Không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt truyền thống và đương đại” đã nêu ra nhiều vấn đề cấp thiết.
Tái hiện ban thờ ngày Tết cổ truyền dịp năm mới tại đình Kim Ngân (Hà Nội). Ảnh: KHIẾU MINH |
Kính nhớ tổ tiên - niềm tự hào dân tộc
Khẳng định tục thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc, nhiều nhà nghiên cứu, tác giả đã khái quát sự phong phú của việc thờ cúng tổ tiên cùng những biểu hiện đa dạng theo lịch sử, vùng miền, dân tộc. Được xác định từ việc thờ cúng, tưởng nhớ cha mẹ, ông bà, cụ kỵ sau khi qua đời, ý nghĩa nhớ ơn tiên tổ được mở rộng đến việc thờ thành hoàng làng, thờ các bậc danh nhân có công lao với đất nước, thờ cúng Hùng Vương… Và như vậy, Việt Nam đã có truyền thống thờ cúng tổ tiên lâu đời, được truyền thừa qua nhiều thế hệ và lan tỏa sâu rộng trong các cộng đồng dân tộc người Việt Nam, đồng bào ở trong nước cũng như bà con Việt kiều ở nước ngoài.
Trong hội thảo do Viện Nghiên cứu ứng dụng kiến trúc phong thủy phối hợp Viện Nghiên cứu di sản văn hóa vừa tổ chức tại Hà Nội, tinh thần kính nhớ tổ tông, biết ơn cội rễ cũng được chỉ ra đã tiếp biến sinh động, linh hoạt theo thời gian, điều kiện. Theo đó thì có thể cầu kỳ, lệ bộ với các vật phẩm, nghi thức cúng lễ vào các dịp giỗ chạp, ngày rằm, năm mới…, nhưng cũng “tùy gia phong kiệm”, theo điều kiện gia đình, có thể chỉ là một ban thờ nhỏ, hay nén hương, chén nước cũng tỏ được lòng thành của con cháu với cha ông.
Tỉnh táo trước biến tướng
Tất nhiên, mục đích của hội thảo khoa học quốc gia này không chỉ để khẳng định, mà còn nhằm cảnh báo, nhắc nhở những biến tướng, những biểu hiện lệch lạc của việc thờ cúng tổ tiên trong đời sống hôm nay. Ông Hoàng Thăng Long, Viện trưởng Nghiên cứu ứng dụng kiến trúc phong thủy nhận định: Sự khác biệt mang tính “tự phát” do chưa có nhận thức phù hợp về thờ cúng tổ tiên của mỗi gia đình, mỗi làng quê, thậm chí còn có quan niệm “phú quý sinh lễ nghĩa”, “tốt lễ dễ cầu”, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”… đang tạo nên nhiều mặt cả tích cực và tiêu cực trong thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.
Theo PGS, TS Nguyễn Quốc Bảo, Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong việc thờ cúng hôm nay, có những bộ bàn thờ tiền tỷ, những bộ đồ thờ hàng trăm triệu đồng. Rồi sắm đồ mã lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường và gây nguy cơ cháy nổ. Lại thêm hiện tượng lợi dụng việc thờ cúng để hành nghề bói toán, tướng số với những hủ tục nặng nề, vừa tốn kém và dễ gây nghi kỵ, bất hòa trong gia đình. Rồi cảnh dựng rạp lấn ra mặt đường, cản trở giao thông và không ít vụ xô xát do rượu vào lời ra, thậm chí tai nạn giao thông do say xỉn… “Những trường hợp xảy ra như trên hiện đang khá phổ biến, điều đó ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến những giá trị vốn có của văn hóa thờ cúng tổ tiên”, PGS, TS Nguyễn Quốc Bảo nhấn mạnh.
Đừng để hủ tục dai dẳng
Một số ý kiến khác còn đề cập đến việc lưu giữ tro cốt trên chùa có tình trạng thương mại hóa; đáng buồn khi có nơi không bảo đảm, gây lộn xộn, nhầm lẫn, mất mát tro cốt. Việc tổ chức các lễ cầu siêu cho vong hồn người quá cố nhiều khi cũng tốn kém. Hoặc về quan niệm xã hội, cũng có nhà nghiên cứu đề cập đến những suy nghĩ nặng nề tồn tại dai dẳng khi cho rằng chỉ con trưởng, con trai mới được quyền thờ cúng cha mẹ, còn con gái thì “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, và theo quan niệm của Nho giáo thì đã “xuất giá tòng phu” là không được phép. Trong khi xã hội lâu nay đang tích cực đấu tranh cho bình đẳng giới, nam nữ bình quyền, thì nguyện vọng của không ít người con gái về việc được thờ cúng cha mẹ đẻ ở nhà chồng là chính đáng. Tác giả Lê Nguyên Hợp cho rằng, tuyên truyền, giáo dục, đó là cách giải quyết vấn đề “thờ họ ngoại trong nhà nội” một cách căn cơ. Theo đó, cần bắt đầu với lớp người trẻ tuổi, với những người có quan niệm sống cởi mở hơn, hiện đại hơn. Lớp người này sẽ tuyên truyền, tác động để dần thay đổi nhận thức của những người già cả, những người cổ hủ hơn.
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong đời sống hiện đại một cách vừa trang trọng, nghiêm ngắn, nhưng cũng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm là quan điểm chung của nhiều tác giả tại hội thảo. Và rất quan trọng, đó là để sự thờ cúng tiền nhân không bị chạy theo nạn “mê tín dị đoan”, mà khơi dậy lòng biết ơn tiên tổ; niềm tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước; ý thức giữ gìn những giá trị quý báu mà nhiều thế hệ cha ông đã gây dựng, vun đắp. Để rồi từ đó làm cho tươi thắm hơn nữa những giá trị, truyền thống đó trong đời sống hiện đại, cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
HOÀNG HOA