Ngăn chặn bạo lực học đường, vì sao vẫn khó?!

08/11/2023 22:31 164

TNPL Hà Lê

(ĐCSVN) - Bạo lực học đường, đó là vấn đề trăn trở trong mỗi nhà trường và cũng là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Đặc biệt, thời gian gần đây, tình trạng này càng trở nên phức tạp với nhiều vụ việc xảy ra trong chính khuôn viên trường học.

 Ảnh cắt từ clip trong vụ bạo lực học đường tại trường THCS Nguyễn Văn Trỗi vừa qua

Mấy ngày nay, mạng xã hội lan truyền clip dài khoảng 50 giây về vụ bạo lực tại nhà vệ sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Theo đó, 3 nữ sinh thay nhau đánh, đá vào đầu, vào mặt một nữ sinh khác. Nữ sinh bị đánh ngã ra sàn nhưng vẫn tiếp tục bị bạn đá, túm đầu dậy đánh tiếp. Trong khi đó, những học sinh đánh bạn còn cử một nữ sinh khác đứng canh cửa. Vừa đánh bạn, nhóm nữ sinh vừa cười đùa.

Theo báo cáo phía nhà trường, sau khi nắm sự việc ( trước khi xuất hiện clip trên mạng xã hội-PV), ngày 3/11, nhà trường đã mời các học sinh và phụ huynh đến trường để xử lý vi phạm của các em. Kết quả, những học sinh đánh bạn bị hạnh kiểm yếu, đồng thời nhà trường phối hợp với Công an Phường 3, quận Gò Vấp răn đe, giáo dục các em.

Tuy nhiên, khi xuất hiện clip trên mạng, trường nhận thấy sự việc xảy ra có tính chất nghiêm trọng. Nữ sinh bị 3 em học sinh đánh rất nhiều. Thái độ của các em học sinh tham gia đánh bạn là không thể chấp nhận. Việc làm của các em đã gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của nhà trường, gây ra tâm trạng bất an trong học sinh, phụ huynh. Vì vậy, nhà trường tiếp tục xác minh sự việc và sẽ kiên quyết xử lý các em vi phạm theo đúng quy định.

Đây không phải là vụ bạo lực đầu tiên xảy ra trong trường học mà đã có rất nhiều các vụ bạo lực khác đã và đang xảy ra ở rất nhiều trường học trong cả nước.

Tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vào chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đã cho biết, từ ngày 1/9/2021 cho đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó 854 học sinh là nữ. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp. Với con số này, thì bình quân khoảng 50 cơ sở giáo dục lại xảy ra một vụ bạo lực học đường. “Các vụ bạo lực có nhiều học sinh tham gia và xảy ra cả trong lẫn ngoài trường học. Vấn đề học sinh nữ tham gia bạo lực học đường nhiều hơn cũng là điều khiến cho ngành giáo dục cũng rất quan tâm, lo lắng, tìm mọi cách để cùng cả nước, cùng các địa phương xử lý vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Lý giải nguyên nhân của bạo lực học đường, Bộ trưởng khẳng định, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân từ phía ngành Giáo dục, trong trường học.

Hiện nay, trách nhiệm trong việc phát hiện và và xử lý những tình huống dẫn đến bạo lực, tư vấn tâm lý đang giao cho các giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, các Hiệu trưởng, các giáo viên khi phát hiện những tình huống bạo lực học đường thì vẫn còn lúng túng về kỹ năng xử lý. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân do dịch bệnh kéo dài, học sinh học online lâu đã ảnh hưởng đến tâm lý; vấn đề về lứa tuổi, tâm sinh lý tuổi đang trưởng thành...

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, những ảnh hưởng của mạng xã hội, phim ảnh, đặc biệt là những bộ phim bạo lực được giới trẻ quan tâm, cũng là nguyên nhân.

Bộ trưởng cũng đã đưa ra một dẫn chứng đó là theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, hàng năm có tới 220.000 vụ ly hôn, trong đó, có từ 70-80% lý do liên quan đến xung đột và bạo lực gia đình. Với tỷ lệ bạo lực gia đình như vậy, thì học sinh trong các gia đình này có thể vừa là người chứng kiến bạo lực, vừa là đối tượng bị bạo lực, bị bỏ rơi. Theo thống kê, tỷ lệ học sinh có bối cảnh bạo lực gia đình liên quan đến bạo lực trong nhà trường là rất lớn.

Thiết nghĩ, bạo lực học đường không còn là trách nhiệm riêng của phía nhà trường mà đó là trách nhiệm của mỗi gia đình và của toàn xã hội, trong đó nhà trường giữ vai trò quan trọng.

 Để ngăn chặn nạn bạo lực học đường rất cần sự chung tay của cả nhà trường, gia đình và cả xã hội 

Về phía gia đình, chúng ta hãy luôn là chỗ dựa đáng tin cậy để cho các con thấy bình yên, an tâm và sẵn sàng, thoải mái sẻ chia những tâm sự, nguyện vọng của bản thân. Cha mẹ nên làm bạn cùng con, hãy là những người “bạn thân” để hiểu con hơn, lắng nghe con hơn và giải quyết những vấn đề cùng con. Trên thực tế, đã có rất nhiều học sinh khi bị bạn đe dọa, thậm chí là đánh đập đã không dám nói thật với gia đình vì các em sợ bị bố mẹ la mắng. Chính vì thế, sự việc đôi khi bị đẩy đi xa hơn, nghiêm trọng hơn đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường tiếp diễn.

Đồng thời, chính gia đình là cái nôi vun bồi nên nhân cách trẻ. Các bậc làm cha làm mẹ cũng cần xây dựng ngôi nhà với tình yêu thương, sự sẻ chia, tạo không khí gia đình vui vẻ, hạnh phúc, tránh để con trẻ chứng kiến những hành vi bạo lực, những lời nói tiêu cực từ chính trong gia đình của mình. Đặc biệt là những đứa trẻ ở tuổi dậy thì, với những thay đổi tâm sinh lý rất cần sự đồng hành thường xuyên hơn từ phía gia đình.

Đối với nhà trường, song song với việc dạy kiến thức, nhà trường cần tăng cường hơn nữa giáo dục đạo đức cho các em để hoàn thiện về nhân cách đặc biệt là bồi đắp cho tâm hồn các em những giá trị nhân văn, giá trị về chân - thiện - mỹ,  sống có ý thức, trách nhiệm, có hoài bão, biết yêu thương và sẻ chia…

Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên tăng cường tuyên truyền giúp cho các em nhận thức được hậu quả của bạo lực học đường thông qua các buổi tuyên truyền, các giờ hoạt động ngoại khóa hoặc sinh hoạt dưới cờ.

Bản thân các giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý cho học sinh cũng cần được tập huấn, nâng cao nghiệp vụ để nắm bắt tâm sinh lý của học sinh, biết cách trò chuyện, tư vấn cho các em. Giáo viên chủ nhiệm là những người theo sát các em trên trường, do đó, các thầy, cô chủ nhiệm cũng là nhân tố quan trọng giúp gắn kết học sinh, tạo ra môi trường học tập thân thiện, kịp thời nắm bắt được tâm sinh lý của học sinh để nhắc nhở, khuyên bảo khi các em có hành vi chưa chuẩn mực, cũng như kịp thời trao đổi với phụ huynh để cùng có tiếng nói chung trong công tác giáo dục.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, của các nền tảng mạng xã hội, bên cạnh những mặt tích cực thì nó cũng đưa lại nhiều vấn đề tiêu cực, làm ảnh hưởng tới suy nghĩ của giới trẻ. Nhà trường cần có những hoạt động, chuyên đề, hội thảo hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội lành mạnh. Nhà trường cần phải trang bị cho học sinh nhiều kỹ năng sống hơn, đặc biệt là các kỹ năng về quản lý cảm xúc, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn. Đồng thời tạo cho các em nhiều sân chơi, hoạt động lành mạnh, ý nghĩa và phù hợp với đặc thù lứa tuổi… giúp học sinh nhận thức được các bài học của lòng nhân ái, bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh. 

Con trẻ là kết quả giáo dục tổng thể của xã hội, gia đình và nhà trường. Môi trường xã hội cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng bạo lực học đường. Đa số những vụ việc bạo lực học đường thường xảy ra với những thanh thiếu niên sống trong cộng đồng dân cư có môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, nghèo khổ, nhiều đối tượng nghỉ học sớm, chơi bời lêu lổng, nơi có nhiều tệ nạn xã hội... khi tiếp xúc với nhiều đối tượng xấu đó đã tác động xấu tới các em, dần dần đưa vào môi trường học đường và tác động, ảnh hưởng đến những học sinh khác trong nhà trường.

Do đó, cả hệ thống chính trị cần nhận thức đúng đắn vai trò trách nhiệm của mình trong giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, phát huy hết vai trò của mình trong công tác phòng ngừa tình hình bạo lực học đường, chủ động sử dụng tốt biện pháp vận động quần chúng, tăng cường tuyên truyền, vận động tại các khu dân cư, khi phát hiện mâu thuẫn cần kịp thời ngăn chặn, không để gây hậu quả xấu. Xã hội cần quan tâm nhiều hơn đến việc tạo môi trường sống lành mạnh, tích cực, tử tế cho trẻ.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có luật chống bạo lực học đường nhưng trong các văn bản pháp luật đã có những quy định liên quan đến vấn đề này. Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 20: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tại Điều 33 về quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể: “Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Luật Trẻ em năm 2016 quy định “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển” (Điều 12); “Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư” (Điều 21); “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực” (Điều 27).  Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam có các quy định để xử lý hành chính, hình sự đối với hành vi bạo lực học đường. Đồng thời trong Nội quy của nhà trường cũng quy định nghiêm cấm học sinh, sinh viên, giáo viên thực hiện hành vi bạo lực…

Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền về các quy phạm pháp luật, chúng ta  cần tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về xây dựng và đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nhà giáo./.

 

V.Lê

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2