Nâng cao khả năng hồi phục cho người đột quỵ bằng trí tuệ nhân tạo AI

19/05/2024 14:52 214

THẢO NGUYÊN

NDO - “Sau đột quỵ, nhiều người bệnh có thể hồi phục nhưng rất khó khăn trong thực hiện những điều cơ bản như cầm bát cơm hay vệ sinh cá nhân, chưa nói đến hồi phục chất lượng cuộc sống như trước đó. Vì vậy, việc ứng dụng các thiết bị thông minh sẽ nâng cao hiệu quả hồi phục cho bệnh nhân đột quỵ nói riêng và các bệnh liên quan đến suy giảm chức năng vận động nói chung”, PGS, TS Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học Viện Y Dược cổ truyền Việt Nam) chia sẻ.

Ứng dụng robot công nghệ cao, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI sẽ giúp tăng độ chính xác khi hồi phục và giúp thầy thuốc sẽ đưa ra chỉ định phù hợp.
Ứng dụng robot công nghệ cao, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI sẽ giúp tăng độ chính xác khi hồi phục và giúp thầy thuốc sẽ đưa ra chỉ định phù hợp.

Thay đổi trong tư duy điều trị

Hiện nay, những phát triển trong công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và robot ngày càng mang lại nhiều hiệu quả trong nghiên cứu và thực hành chuyên ngành phục hồi chức năng.

Tại hội thảo "Cập nhật những ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và robot trong phục hồi chức năng", PGS, TS Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học Viện Y Dược cổ truyền Việt Nam) chia sẻ, khi đất nước chúng ta vẫn đang khó khăn mục tiêu lúc đó là cứu được tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, khi công nghệ và y học ngày càng phát triển thì mục tiêu của ngành y cũng phải được nâng lên, đó là khôi phục lại các chức năng hay các cơ quan vận động cụ thể của bệnh nhân một cách cao nhất.

Lấy thí dụ với đột quỵ, tình trạng này đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa với nhiều lý do từ các bệnh lý nền đến nguy cơ từ lối sống, sinh hoạt không hợp lý. Sau đột quỵ, nhiều người bệnh có thể hồi phục nhưng rất khó khăn trong thực hiện những điều cơ bản như cầm bát cơm hay vệ sinh cá nhân, chưa nói đến hồi phục chất lượng cuộc sống như trước đó.

Nâng cao khả năng hồi phục cho người đột quỵ bằng trí tuệ nhân tạo AI ảnh 1

PGS, TS Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học Viện Y Dược cổ truyền Việt Nam) chia sẻ về ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và robot trong phục hồi chức năng.

Chính vì vậy, từ nhu cầu của người bệnh thì việc điều trị cần được nâng lên một mức độ mới, đó là “trả lại” chức năng của các cơ quan cơ thể.

Theo PGS, TS Lê Mạnh Cường, xét ở mức độ rộng hơn thì vấn đề phục hồi chức năng các bệnh lý về cơ xương khớp hiện cũng là vấn đề rất cần được chú trọng.

Hiện nay thì số lượng người làm văn phòng, công sở có tỷ lệ mắc bệnh cơ xương khớp lên đến hơn 65%, nguyên nhân do công việc phải ngồi nhiều và liên quan tới máy vi tính. Đáng chú ý, tỉ lệ người mắc bệnh cơ xương khớp đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa.

Vì những yếu tố đó, công tác phục hồi chức năng cho người bệnh bị suy giảm chức năng vận động, cảm giác hay nhận thức có hỗ trợ của các thiết bị thông minh và công nghệ cao là rất cần thiết.

AI thiết kế lộ trình hồi phục phù hợp với từng bệnh nhân

Ứng dụng các giải pháp phục hồi chức năng thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI trong điều trị sẽ chi tiết hóa và lượng hóa mọi chỉ số, giúp tăng độ chính xác khi hồi phục và giúp thầy thuốc sẽ đưa ra chỉ định phù hợp.

Nâng cao khả năng hồi phục cho người đột quỵ bằng trí tuệ nhân tạo AI ảnh 2

Trí thông minh nhân tạo AI sẽ lưu và phân tích lịch sử bệnh nhân và tư vấn các bài tập được thực hiện.

Với người bệnh bị suy giảm chức năng vận động, cảm giác hay nhận thức robot có tác dụng hỗ trợ phục hồi chức năng vận động cho các bệnh nhân sau đột quỵ, đặc biệt hữu ích khi sử dụng cho các liệu pháp trị liệu, phục hồi chức năng nhằm tăng sức mạnh cơ bắp, tầm vận động, tăng sự phối hợp giữa các cơ bắp.

Ông Sivakumaran Krishnasamy, Giám đốc Phát triển kinh doanh quốc tế Hãng Egzotech - Ba Lan chia sẻ, robot sẽ đo được các phản hồi dù là rất nhỏ của hệ thần kinh hay cơ bắp và phân tích chúng, sau đó sẽ xác định hoạt động và biểu hiện cảm xúc của cơ bắp, từ đó tăng khả năng chẩn đoán và điều chỉnh trong quá trình phục hồi.

Nâng cao khả năng hồi phục cho người đột quỵ bằng trí tuệ nhân tạo AI ảnh 3

Nhờ việc kiểm tra chi tiết thông số của từng bệnh nhân, hệ thống sẽ biết được chi tiết bệnh nhân yếu ở cơ bắp nào và “may đo” các bài tập phục hồi cụ thể.

Sau mỗi chương trình tập luyện, AI sẽ lưu và phân tích lịch sử bệnh nhân, đưa ra bản tóm tắt và tư vấn thông tin chi tiết về các bài tập được thực hiện. Như vậy, các bệnh nhân tai biến mạch não, chấn thương - tổn thương thần kinh, liệt thần kinh ngoại vi, điều trị rối loạn sàn chậu, tập cải thiện dáng đi sau chấn thương - tai biến... sẽ được tập luyện với các bài tập phù hợp nhất với thể trạng của mình.

PGS, TS Lê Mạnh Cường, cho biết, về mặt ứng dụng trí tuệ nhân tạo hay ứng dụng robot trong điều trị thì chúng ta có cơ hội thừa hưởng những hiệu quả đã được chứng minh ở những nước có công nghệ hàng đầu thế giới. Việc này sẽ tăng độ chính xác cho hồi phục “chuẩn” theo những chức năng của cơ thể, điều chỉnh tình trạng phục hồi chức năng sau bệnh lý.

TRUNG HIẾU

 

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2