Mở ra chương mới của quan hệ Việt Nam – Australia, Việt Nam – New Zealand và ASEAN - Australia

12/03/2024 20:07 239

Huy Hiệp - Thời nét Pháp luật số

Thứ ba, 12/03/2024 17:15 (GMT+7)​​​​​​

(ĐCSVN) - Tiếp nối các thành quả rất phong phú đã đạt được trong nửa thế kỷ qua, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia đã mở ra chương mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới để phát huy hơn nữa giá trị, tầm vóc chiến lược của quan hệ Việt Nam – Australia, Việt Nam – New Zealand và ASEAN - Australia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về tới Hà Nội, kết thúc rất tốt đẹp chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia, thăm chính thức Australia và New Zealand  

Sáng ngày 12/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc rất tốt đẹp chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Australia, thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 5 - 11/3.

Tiếp nối các thành quả rất phong phú đã đạt được trong nửa thế kỷ qua, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia đã mở ra chương mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới để phát huy hơn nữa giá trị, tầm vóc chiến lược của quan hệ Việt Nam – Australia, Việt Nam – New Zealand và ASEAN - Australia.

Với hơn 50 hoạt động, chuyến công tác đạt những kết quả rất quan trọng, toàn diện cả song phương và đa phương, vừa có ý nghĩa lâu dài trong phát huy giá trị chiến lược của các mối quan hệ, vừa đạt những kết quả cụ thể, thiết thực, đo lường được.

Chuyến đi được dư luận, truyền thông quốc tế, chính giới, chuyên gia, đối tác, cộng đồng doanh nghiệp, người dân ở hai nước đánh giá cao vì sự năng động, quyết liệt, chân thành, cởi mở của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và một lần nữa khẳng định vai trò, vị thế, trách nhiệm ngày càng cao của Việt Nam đối với khu vực và thế giới.

Chuyến công tác tiếp tục góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, trường phái, bản sắc “ngoại giao cây tre”, Kết luận 59-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030 và Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Dấu ấn Việt Nam trong quan hệ ASEAN – Australia

Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ASEAN - Australia có ý nghĩa đặc biệt vì 50 năm là “dấu mốc vàng” của quan hệ để từ đó đề ra định hướng cho sự phát triển quan hệ trong giai đoạn mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Australia 

Cùng với Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản trong năm 2023 và việc các đối tác khác tiếp tục đề xuất nâng cấp quan hệ với ASEAN, Hội nghị cho thấy các đối tác ngày càng coi trọng vai trò và vị thế của ASEAN, là một minh chứng cho giá trị và tầm quan trọng ngày càng tăng của ASEAN, trong đó Việt Nam là một đối tác tích cực, năng động và trách nhiệm.

Hội nghị đã thành công tốt đẹp, với nhiều kết quả quan trọng, khẳng định hai bên là những đối tác quan trọng vì tương lai, vì hòa bình và thịnh vượng.

Thứ nhất, các nhà Lãnh đạo hai bên cùng đề cao tầm quan trọng và giá trị của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện đối với mỗi bên cũng như khu vực, trong đó, tin cậy chính trị ngày càng gia tăng; hợp tác thương mại, kinh tế, văn hóa - xã hội… và những lĩnh vực mới đều đang được triển khai rất năng động và hiệu quả.

Thứ hai, phát huy bề dày 50 năm hợp tác, hai bên nhất trí về những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực thời gian tới, đó là: (i) Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, nhất là thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, thương mại điện tử; (ii) Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính trị-an ninh, quốc phòng, hợp tác biển, an ninh mạng; đẩy mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo, lao động, du lịch, trao đổi văn hoá, giao lưu nhân dân, nhất là giữa thanh niên và lãnh đạo trẻ hai bên.

Thứ ba, hai bên nhất trí đề cao văn hóa đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột, vai trò của luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong ứng xử và trong hợp tác cùng đối phó thách thức chung; nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Hội nghị đã thông qua hai văn kiện quan trọng là “Tuyên bố Melbourne - Đối tác vì tương lai” và “Tuyên bố Tầm nhìn của Lãnh đạo ASEAN-Australia - Đối tác vì hòa bình và thịnh vượng”, làm cơ sở để triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Australia thời gian tới.

Ngay từ đầu, Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, cả trong quá trình chuẩn bị, xây dựng chương trình nghị sự và đàm phán văn kiện, cũng như tham gia, đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị. Đặc biệt, các phát biểu sâu sắc, toàn diện, mang tầm chiến lược của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được các nước đánh giá cao, vừa đánh giá đúng tầm mức quan hệ ASEAN - Australia 50 năm qua, vừa đề xuất tầm nhìn, định hướng tương lai và các đề xuất, sáng kiến thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN tại Lễ đón các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN – Australia 

Các nước ấn tượng với “ba đột phá”, “ba tăng cường” và “ba cùng” của Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất cho quan hệ ASEAN - Australia thời gian tới.

Ba đột phá gồm đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; đột phá trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và hợp tác lao động; và đột phá trong hợp tác về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, những ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Ba tăng cường gồm tăng cường tin cậy chính trị, đề cao văn hóa đối thoại và hợp tác, thúc đẩy xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, khuyến khích các nước lớn đóng góp có trách nhiệm với khu vực; tăng cường hợp tác tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển vì phát triển bao trùm, bền vững; và tăng cường hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân, đặc biệt là giữa thế hệ trẻ hai bên, qua đó củng cố nền tảng xã hội lâu dài, quan hệ bền chặt.

Ba cùng gồm cùng xây dựng một khu vực đoàn kết và tự cường; cùng thúc đẩy một khu vực tôn trọng luật pháp quốc tế và hành xử dựa trên luật lệ; và cùng xây dựng, định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm, đề cao chủ nghĩa đa phương với ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị đã góp phần đề cao vai trò của Việt Nam trong quan hệ ASEAN - Australia, đồng thời thông qua ASEAN thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Australia phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Nhân dịp tham dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tận dụng tối đa thời gian để gặp tất cả Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN, Timor Leste, Australia, New Zealand và Tổng Thư ký ASEAN. Các đối tác đều đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai bên trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, du lịch, giao lưu nhân dân.

Hai chuyến thăm chính thức thành công về mọi mặt với nhiều dấu ấn đặc biệt

Ngay sau khi tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức thành công về mọi mặt tới Australia và New Zealand, hai Đối tác Chiến lược của Việt Nam ở Nam Thái Bình Dương.

Với Australia, chuyến thăm diễn ra ngay sau khi hai nước vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023). Với New Zealand, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975 - 2025). Đây cũng là các chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Australia và New Zealand trên cương vị mới và là chuyến thăm Australia và New Zealand đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sau 7 năm.

Hai nước đã dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phu nhân và đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, thân tình, chu đáo, nghi lễ ngoại giao cao nhất dành cho Người đứng đầu Chính phủ, với 19 loạt đại bác trong các lễ đón. Toàn quyền Australia đã đích thân lái xe điện đưa Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân tham quan Phủ Toàn quyền. Chính phủ New Zealand dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân phong tục đặc biệt chào đón khách quý của người bản địa Maori.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese trao đổi tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện 

Tại Australia, điểm nổi bật nhất của chuyến thăm là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Thủ tướng Australia Anthony Albanese công bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên Đối tác Chiến lược toàn diện – đưa lịch sử quan hệ song phương bước sang một chương mới. Australia trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện thứ 7 của Việt Nam.

Hai Thủ tướng đã nhất trí phối hợp chặt chẽ để thực hiện 06 phương hướng lớn, cũng là “6 điểm hơn” của khuôn khổ quan hệ mới, bao gồm: Thứ nhất, tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn, chiến lược hơn; thứ hai, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn, tận dụng các tiềm năng của của hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao; thứ ba, thúc đẩy hợp tác khoa - học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn; thứ tư, hợp tác văn hoá, giáo dục - đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn; thứ năm, giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở và chân thành hơn; thứ sáu, hiểu biết, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về hợp tác an ninh-quốc phòng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Toàn quyền David Hurley, Chủ tịch Thượng viện Sue Lines và Lãnh đạo Đối lập Peter Dutton; tiếp Phó Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Hội Nghị sỹ Hữu nghị Australia - Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo khác của Australia. Thủ tướng đã dự và phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn giáo dục, lễ khai trương Viện Nghiên cứu Chính sách Australia -Việt Nam và thăm một số cơ sở nghiên cứu khoa học và giáo dục - đào tạo của Australia.

Tại New Zealand, Thủ tướng đã có cuộc hội đàm sâu rộng, đặc biệt và rất thành công với Thủ tướng Christopher Luxon. Hai bên đã thống nhất các phương hướng lớn làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực, được bao quát trong ba cặp từ khóa “ổn định và củng cố”, “tăng cường và mở rộng”, “tăng tốc và bứt phá”.

Thủ tướng New Zealand và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thực hiện lễ Hongi (chạm mũi) trong nghi thức đón 

Thứ nhất, ổn định và củng cố tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, hợp tác chính trị, ngoại giao, tạo nền tảng vững chắc hơn cho quan hệ song phương.

Thứ hai, tăng cường và mở rộng hợp tác trên tất cả các trụ cột hợp tác quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, gồm kinh tế - thương mại - đầu tư, an ninh quốc phòng, nông nghiệp, văn hóa và giao lưu nhân dân, kết nối địa phương. Trong đó, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 2 tỷ USD trong năm 2024 và sớm tăng gấp đôi đầu tư hai chiều.

Thứ ba, tăng tốc và bứt phá trong 3 lĩnh vực gồm: (i) Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải, phát triển nông nghiệp, các ngành công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), chíp bán dẫn...; (ii) kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển; (iii) hợp tác lao động, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho lao động của Việt Nam sang làm việc tại New Zealand.

Thủ tướng cũng đã hội kiến với Toàn quyền Cindy Kiro, Chủ tịch Quốc hội Gerry Brownlee, dự diễn đàn doanh nghiệp, thăm và làm việc với một số cơ sở nghiên cứu, đào tạo hàng đầu, tiếp Hội Hữu nghị New Zealand - Việt Nam.

Từ trái tim tới trái tim

Ngoài mục tiêu phát huy các lợi thế có thể bổ sung cho nhau giữa Việt Nam và hai nước, như New Zealand và Australia đều là những quốc gia “đất rộng người thưa” còn Việt Nam “đất chật người đông” hơn, một điểm nhấn chung rất quan trọng trong chuyến thăm tới cả hai nước là sự tin cậy về chính trị được nâng lên, sự chia sẻ nhiều giá trị tương đồng và tình cảm gần gũi, nồng ấm, chân thành, từ trái tim tới trái tim. Có thể nói đây là điều quan trọng nhất.

Với sự chân thành, tin cậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ, giới thiệu với Australia, New Zealand và bạn bè quốc tế về những yếu tố nền tảng, định hướng lớn trong bảo vệ, xây dựng đất nước, phát triển, hội nhập của Việt Nam, đặc biệt là trường phái “ngoại giao cây tre” mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam theo đúc kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thế giới ngày nay đang đối mặt với những thách thức lớn, nhất là 5 yếu tố: biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số và đói nghèo. Quan hệ quốc tế hiện nay nổi lên 6 mâu thuẫn lớn: (i) giữa chiến tranh và hòa bình; (ii) giữa cạnh tranh và hợp tác; (iii) giữa mở cửa, hội nhập và độc lập, tự chủ; (iv) giữa đoàn kết, liên kết và phân tách, phân tuyến; (v) giữa phát triển và tụt hậu; (vi) giữa tự chủ và phụ thuộc.

Thế giới và khu vực đang trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc với đặc trưng là tình hình diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, rủi ro và bất ổn gia tăng, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là các công nghệ đột phá đã và đang làm thay đổi thế giới, buộc mọi chủ thể đều phải thích ứng, thay đổi. Và không ở nơi đâu trên thế giới, những thay đổi sâu sắc của tình hình quốc tế lại thể hiện rõ nét như ở châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nêu rõ, định hướng chủ đạo trong quan hệ quốc tế của Việt Nam là: Lấy sự chân thành làm cơ sở để thúc đẩy đối thoại, củng cố lòng tin vì các mối quan hệ bền vững, lâu dài; chủ động đóng góp vào các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Đề cao đoàn kết, hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung; đẩy mạnh tư duy “hợp tác cùng thắng, cùng có lợi” thay vì tư duy “thắng – thua”; lấy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển làm mục tiêu; lấy Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế làm nền tảng.  Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; chủ động thích ứng; nâng cao năng lực nội sinh, năng lực tự thân, tính tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên của các quốc gia, khu vực.

GS John Allen, Hiệu trưởng Đại học Victoria Wellington (New Zealand) đánh giá rất cao các thông điệp được Thủ tướng đưa ra, cho biết các thính giả đều thực sự vinh hạnh được lắng nghe, cảm nhận được sự chân thành, nhiệt tình, đầy năng lượng, truyền cảm hứng trong phát biểu của Thủ tướng.

Vị thế, vai trò ngày càng tăng của Việt Nam

Chính giới, các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp Australia và New Zealand đều đánh giá cao vị thế và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Toàn quyền New Zealand Cindy Kiro đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt. Thủ tướng New Zealand nhận định Việt Nam phát triển vượt bậc “như rồng” với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm. Còn Thủ tướng Australia cho rằng Australia và Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của nhau.

Giáo sư Neil Quigley, Hiệu trưởng Đại học Waikato, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Dự trữ (Ngân hàng Trung ương) New Zealand đánh giá cao những giải pháp và kết quả điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam, thậm chí Việt Nam còn làm tốt hơn nhiều nước phát triển trên một số bình diện. Đặc biệt, việc Việt Nam giảm lãi suất thời gian qua trong khi nhiều nước tăng lãi suất và Việt Nam có thể ưu tiên tăng trưởng sớm hơn nhiều nước cho thấy những chính sách điều hành rất đúng đắn, linh hoạt, hiệu quả.

Australia và New Zealand đều nhất trí tiếp tục hợp tác và ủng hộ song phương với Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, vì lợi ích của nhân dân, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới; đặc biệt là chung tay cùng các nước giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như chiến tranh, dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu với tinh thần đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về vấn đề Biển Đông, hai nước nhất trí với Việt Nam tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; nhất trí cao trao đổi, chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác biển, cùng phấn đấu đưa Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Hai bên mong muốn những nơi có xung đột sớm được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tăng cường viện trợ nhân đạo, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Nhiều kết quả cụ thể, thiết thực

Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tiếp, tọa đàm, thúc đẩy các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hàng đầu của thế giới và hai nước đẩy mạnh, mở rộng đầu tư, hợp tác với Việt Nam. Các bộ, ngành Việt Nam – Australia đã ký kết 13 văn kiện hợp tác, trong khi Việt Nam – New Zealand ký kết ba văn kiện; các trường đại học Việt Nam và hai nước cũng đạt được 13 thỏa thuận hợp tác.

Chuyến thăm hai nước cũng đã đạt nhiều kết quả hết sức cụ thể, thiết thực. Đơn cử, Thủ tướng Australia thông báo các thỏa thuận tạo điều kiện cho 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp của Australia, dự kiến bắt đầu đến nước này ngay trong năm nay. Thủ tướng New Zealand công bố khoản viện trợ mới trị giá hơn 6 triệu đô la New Zealand cho lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Tập đoàn giáo dục Kalandra muốn cung cấp 1.000 học bổng đào tạo ngành điều dưỡng cho phía Việt Nam…

Cũng nhân chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp một số hội Việt kiều, gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại Australia và New Zealand. Các cuộc gặp mặt diễn ra trong không khí hết sức thân tình, gần gũi, chân thành, không có khoảng cách giữa đoàn công tác với những người con xa Tổ quốc.

Người đứng đầu Chính phủ khuyến khích đại biểu phát biểu, nêu rõ hết các thuận lợi, khó khăn trong công việc và cuộc sống ở nước sở tại để Chính phủ biết, hiểu và chia sẻ. Thủ tướng chú ý lắng nghe tất cả các ý kiến và trả lời cặn kẽ, không né tránh bất kỳ câu hỏi nào. Nhiều đại biểu bày tỏ, chính sự cởi mở, gần gũi của Thủ tướng đã giúp họ có động lực, mạnh dạn nói lên ý kiến của mình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị New Zealand và Australia quan tâm và tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống và học tập; xem xét, công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số ở mỗi nước. Phía Australia và New Zealand đều đánh giá cao cộng đồng người Việt đã chung tay góp sức xây dựng hai đất nước, góp phần làm giàu thêm bản sắc dân tộc, văn hóa của hai quốc gia.

Với những kết quả đạt được, chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng tiếp tục khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trước các vấn đề khu vực và quốc tế, phát huy vị thế, vai trò Việt Nam trong ASEAN, trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN- Australia; đồng thời có ý nghĩa quan trọng đánh dấu cột mốc nâng tầm quan hệ Việt Nam – Australia lên Đối tác Chiến lược toàn diện và củng cố, tăng cường Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – New Zealand./.

Mạnh Hùng

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2