Mạo danh bác sĩ, bệnh viện để trục lợi: Dẹp ngay trước khi quá muộn

24/02/2023 08:19 216

Thời gian qua, tình trạng lợi dụng hình ảnh, mạo danh người nổi tiếng, thậm chí tự nhận là bác sĩ giỏi để quảng cáo thuốc chữa bệnh tràn lan không qua kiểm soát trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng tới các cơ quan chuyên môn.

Do đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh, mạnh tay xử lý để bảo vệ người bệnh.

Lừa đảo bán thuốc ngày càng tinh vi hơn

Thời gian gần đây, liên tiếp các bệnh viện (BV) nhận được phản ánh của Nhân dân, người bệnh về tình trạng một số đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi mạo danh BV nhằm lừa đảo người bệnh và người nhà người bệnh để trục lợi. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn.


Người bệnh nên đến những bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để tránh rủi ro.

Câu chuyện mạo danh “BV 108”, “bác sĩ viện 108” và các chuyên ngành của BV T.Ư Quân đội 108 không còn xa lạ, đã xuất hiện từ lâu như chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, cơ xương khớp, nội tiết… Nhưng gần đây, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn tinh vi ngay tại khuôn viên của BV. Không chỉ mạo danh, sử dụng những danh xưng lập lờ liên quan đến BV, một loạt trang fanpage giả mạo cũng được lập ra đã ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa trang fanpage chính thức của BV.

Thậm chí, các trang giả mạo này còn cắt ghép hình ảnh, video về BV trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo cho sản phẩm, hòng tạo niềm tin và lôi kéo người dân, từ đó tổ chức kinh doanh các mặt hàng thuốc trái phép. Đặc biệt, một số đối tượng còn có hành vi chèo kéo, mời chào khách hàng là người bệnh, người nhà người bệnh đi khám tại BV ngay tại phòng khám thuộc khu khám bệnh của BV.

Theo quy định của Bộ Y tế, các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để bán thuốc trên mạng xã hội đều là giả mạo. Ngành y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân.
Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên

Trước thực trạng đó, BV 108 đã có thông báo, BV không cung cấp, liên kết kinh doanh bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng (TPCN) nào bằng hình thức trực tuyến (online). BV chỉ bán thuốc khi có đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc của BV trong khuôn viên.

Hay mới đây, tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cũng đã có đối tượng tự xưng là bác sĩ Ngọc Anh đang làm việc tại Khoa Sản của BV. Đối tượng điện thoại cho các sản phụ và người nhà đã và đang nằm viện để xin địa chỉ đến nhà tư vấn tắm, massage, chăm sóc cho bé. BV khẳng định, Khoa Sản của BV hiện nay không có bác sĩ nào tên là Ngọc Anh đang làm việc. Khoa cũng không cung cấp thông tin của sản phụ cho tổ chức, cá nhân nào. Tất cả các đối tượng tự xưng là nhân viên BV tư vấn các dịch vụ tắm và chăm sóc bé tại nhà đều là giả mạo.

Tương tự, thời gian qua, BV Quân y 103 cũng đã tiếp nhận phản ánh của một số người dân qua thư, email, đường dây nóng... về việc có một số đối tượng giới thiệu là cán bộ, nhân viên của BV để tiếp cận người dân giới thiệu bán thuốc, TPCN. Thậm chí có đối tượng quảng cáo là nguyên Phó Giám đốc BV Quân y 103, với hơn 40 năm kinh nghiệm chữa cơ xương khớp, có thể chữa khỏi sau 15 ngày và kèm theo số điện thoại để tư vấn, có đối tượng tự xưng là Đại tá, bác sĩ Phạm Hòa Lan, đã từng làm việc tại BV Quân y 103. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo BV khẳng định BV không có bác sĩ nào tên như vậy.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Quảng cáo 2