Luật Đất đai 2024 sẽ phát huy hiệu quả ngay khi thực hiện, đặc biệt là các nội dung quyền của người sử dụng đất như: Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…
Ảnh minh họa. Nguồn: Bích Liên. |
Đó là chia sẻ của ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về những điểm mới của Luật Đất đai 2024.
Đảm bảo minh bạch trong việc định giá đất
Luật Đất đai 2024 cùng Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở dự kiến cùng có hiệu lực vào ngày 1/8/2024 sẽ tạo nên những thay đổi lớn, thay đổi đồng bộ về môi trường pháp lý, được kỳ vọng là đòn bẩy sớm thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi.
Đặc biệt, với vai trò là bộ luật xương sống, việc Luật Đất đai 2024 được áp dụng sớm hơn 5 tháng sẽ phát huy ngay hiệu quả khi thực hiện, đặc biệt là các nội dung quyền của người sử dụng đất như: Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất… Luật cũng sẽ tạo ra những thay đổi căn bản khơi thông các điểm nghẽn của thị trường bất động sản, tháo gỡ vướng mắc cho hàng ngàn dự án bất động sản, nhà ở thương mại đang gặp khó khăn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất cho biết: Với Luật Đất đai 2024, những quy định mới như bỏ khung giá đất, bảng giá được cập nhật hàng năm và mở quyền quyết định giá cho cấp quận, huyện... được kỳ vọng cải thiện việc giao, sử dụng đất và tăng thu ngân sách... Điều này chắc chắn sẽ tác động đến thị trường bất động sản theo những cách khác nhau. Chẳng hạn, với việc điều chỉnh mức giá đất theo từng giai đoạn, nhà đầu tư và người dân có thể dự đoán được xu hướng giá đất trong tương lai. Điều này giúp tăng tính minh bạch và ổn định cho thị trường bất động sản.
Việc tính giá đất cho các dự án đầu tư công, xây dựng hạ tầng theo giá đất sử dụng sẽ giúp đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong việc định giá đất. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến giá bán căn hộ, nhà ở trong các khu vực có dự án đầu tư công hoặc xây dựng hạ tầng.
Đồng thời, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sẽ giúp thị trường bất động sản trở nên minh bạch và công bằng. Điều này cũng giúp đảm bảo quyền lợi của cả người bán, người mua đất và ảnh hưởng đến thị trường bất động sản theo nhiều cách khác nhau. Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 cũng có những quy định đổi mới để tạo hành lang thông thoáng, đa dạng cho các doanh nghiệp tiếp cận với quỹ đất phù hợp để thực hiện các dự án đảm bảo nguồn cung cho thị trường bất động sản đang khan hiếm, nhất là với bất động sản phân khúc trung bình.
“Thị trường bất động sản chịu tác động của nhiều hệ thống pháp luật chuyên ngành như: Pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về tín dụng... Thời gian qua, hàng loạt chính sách quan trọng đã được sửa đổi, ban hành. Chính sách pháp luật đất đai được ban hành, có hiệu lực sẽ góp phần xử lý được nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản, cân bằng cung cầu về nhà ở, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động của thị trường bất động sản trong thời gian tới”, ông Đào Trung Chính cho hay.
Tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản
Ông Đào Trung Chính cũng cho biết, Luật Đất đai 2024 đã đưa ra một điều riêng biệt (Điều 257) quy định chuyển tiếp để hướng dẫn về xác định giá đất cụ thể đối với các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất trước Luật Đất đai 2024 mà chưa xác định giá đất để các địa phương có căn cứ pháp lý hoàn thành việc định giá đất và thu nghĩa vụ tài chính của những trường hợp này.
Thực hiện nhiệm vụ do Luật Đất đai 2024 giao, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất và Nghị định số 103/2024/NĐ-CP quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trong đó quy định cụ thể phương pháp định giá đất và cách tính khoản tiền nộp bổ sung cho từng trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai 2013 mà đến nay chưa xác định được giá đất.
“Như vậy, Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành đã tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ để các địa phương tổ chức thực hiện, giải quyết những tồn đọng kéo dài liên quan đến định giá đất”, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất chia sẻ.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay, trong đó có vướng mắc về định giá đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai, ông Đào Trung Chính nêu rõ: Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Trong tổng số 260 điều của Luật Đất đai 2024, có 97 điều giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Luật Đất đai 2024 sẽ phát huy ngay hiệu quả khi thực hiện, đặc biệt là các nội dung quyền của người sử dụng đất như: Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách đất đai đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; chính sách tài chính đất đai, giá đất; cho phép người sử dụng đất được sử dụng kết hợp đa mục đích; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất, giảm bớt chi phí tuân thủ trong tiếp cận đất đai...
Nhằm tháo gỡ được vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay, đồng chí Đào Trung Chính cho biết: Các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn những nội dung của Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sâu rộng đến từng các cơ quan, đơn vị, hiệp hội, tổ chức chính trị xã hội, đối tượng chịu sự tác động để các chính sách ưu việt sớm đi vào cuộc sống và tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhận thức và trong tổ chức triển khai thực hiện.
Các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đất đai để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Đất đai 2024. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định mới của Luật Đất đai 2024; gắn chặt phân cấp, phân quyền với thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục, có biện pháp xử lý nghiêm minh, đúng quy định để răn đe và khắc phục; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các bên liên quan để đảm bảo việc thực hiện các quy định được đồng bộ và hiệu quả./.
Khôi Nguyên