Luật chưa có, khó khả thi

29/12/2023 21:11 221

HÀ LÊ

(ĐCSVN) - Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là chính sách thu mới. Theo Bộ Tài chính, để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện thu, nộp phí, cần quy định đối tượng chịu phí phù hợp quy định pháp luật môi trường trong quản lý chất thải. Đặc biệt, đối với phương tiện giao thông, do việc quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông không bảo đảm khả thi, nhất là thu phí đối với xe gắn máy.

 Ảnh minh họa: MP

Theo tờ trình dự thảo Nghị định về thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn, một số khu công nghiệp, làng nghề đang ngày càng suy giảm và gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, thiệt hại cho nền kinh tế cũng như đe dọa tới môi trường. Có thời điểm chất lượng ô nhiễm môi trường không khí ở các thành phố lớn, đông dân ở mức báo động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động xả khí thải của các cơ sở xả thải và phương tiện giao thông vận tải.

Bộ tài chính nêu rõ, hiện cả nước có khoảng 5,1 triệu xe ô-tô và số lượng lớn xe máy đang lưu hành và có hàng chục khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực, hàng ngày xả thải khối lượng lớn khí thải công nghiệp; có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 138 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa hoàn thành xử lý triệt để. Do đó, phí bảo vệ môi trường cần được áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường. Mức phí bảo vệ môi trường được xác định trên cơ sở khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường, đặc điểm của môi trường tiếp nhận chất thải.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ trì thực hiện việc đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường để đề xuất danh mục cụ thể đối tượng chịu phí, phương pháp tính phí bảo vệ môi trường, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Bộ Tài chính, quy định tại Điều 88 Luật Bảo vệ môi trường, có 02 nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí cần phải được quản lý và kiểm soát bụi, khí thải. Thứ nhất, phương tiện giao thông, máy, thiết bị, công trình xây dựng có phát tán bụi, khí thải. Đối với nguồn thải này, pháp luật chuyên ngành chưa có quy định để xác định: tổng khối lượng xả thải, hàm lượng từng chất gây ô nhiễm môi trường trong khí thải; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xả thải và cơ quan quản lý trong việc đầu tư thiết bị, công nghệ để quản lý nguồn thải này. Vì vậy, quy định thu phí đối với nguồn thải này vẫn chưa có cơ sở để xác định tổng khối lượng khí thải và số phí phải nộp.

Thứ hai, cơ sở, dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả khí thải. Đối với nguồn thải này, pháp luật về bảo vệ môi trường quy định đầy đủ hơn về quản lý khí thải đối với nguồn thải này, như: dự án gây ô nhiễm môi trường lớn phải được cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần; cơ sở, dự án xả khí thải phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, quan trắc định kỳ... Đồng thời, phải báo cáo dữ liệu quan trắc cho cơ quan tài nguyên và môi trường.

Trong văn bản góp ý gửi tới Bộ Tài chính, một số ý kiến đề nghị quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với tất cả các loại khí thải gây ô nhiễm môi trường và tất cả các nguồn thải nêu trên. Trong đó, nhiều tỉnh như: Tây Ninh, Kon Tum, Đồng Tháp, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Đồng Nai, Sóc Trăng, Thanh Hóa đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng nộp phí, trong đó có phương tiện giao thông.

Về vấn đề này, theo Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, trong giai đoạn 2005-2022, đến nay, cả nước đã có gần 70 triệu xe máy được đăng ký, trong đó, số xe lưu hành đạt hơn 45 triệu xe. Trong giai đoạn 2025-2030, xe máy vẫn sẽ là loại hình vận tải cá nhân thông dụng, phổ biến. Riêng tại Hà Nội, xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu, chiếm đến 87% tổng số phương tiện giao thông đường bộ. Trong đó, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm tỷ lệ tới 72.58%.

Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải cho biết, Trong quá trình hoạt động, các phương tiện quá cũ sẽ thải ra môi trường một lượng khí thải độc hại cao gấp từ 2-4 lần các loại xe mới, được bảo dưỡng định kỳ. Những thành phần độc hại trong khí thải xe máy có thể kể đến là CO2, các hợp chất hydrocarbons đa vòng. Chất gây ô nhiễm từ khí thải phương tiện xâm nhập vào cơ thể con người, gây ra các vấn đề về mắt, hệ thống hô hấp, tim mạch... Kết quả chương trình đo kiểm khí thải thí điểm tại Hà Nội với hơn 55.200 mô-tô, xe gắn máy cũ (có tuổi đời trên 5 năm) cho thấy, tỷ lệ xe không đạt chuẩn khí thải theo TCVN 6438:2018 mức 1 là 54,2% và không đạt mức 2 là 60,65%.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính không đồng tình với các đề xuất trên do việc quy định thu phí đối với phương tiện giao thông không bảo đảm khả thi, đặc biệt là thu phí đối với xe găn máy...

Theo giải thích của Bộ Tài chính, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là chính sách thu mới. Để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện thu, nộp phí, cần quy định đối tượng chịu phí phù hợp quy định pháp luật môi trường trong quản lý chất thải như: quy trình quản lý khí thải; đo kiểm lưu lượng khí thải, hàm lượng chất thải có trong khí thải... Đối với nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nhưng pháp luật chuyên ngành chưa quy định quản lý khí thải chưa quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Đối với phương tiện giao thông, theo Bộ Tài chính, hiện pháp luật chuyên ngành chưa quy định xác định tổng khối lượng xả thải và hàm lượng từng chất gây ô nhiễm môi trường trong khí thải đối với nguồn thải này. Do đó, chưa có cơ sở để xác định mức phí phải nộp đối với phương tiện giao thông.

Bộ Tài chính nêu rõ: “Việc quy định thu phí đối với phương tiện giao thông không bảo đảm khả thí, đặc biệt là thu phí đối với xe máy, trong đó phần lớn là phương tiện thiết yếu của người có thu nhập thấp. Vì vậy, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để bảo đảm khả thi, tại dự thảo Nghị định chưa quy định thu phí đối với phương tiện giao thông trong giai đoạn hiện nay”.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện có hai vấn đề người dân băn khoăn nhất, một là chi phí kiểm tra khí thải nhiều hay ít, hai là liệu rằng thủ tục kiểm tra có gây phiền toái, mất thời gian hay không? Để làm được điều này, cần có hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn và cơ chế kiểm soát để đảm bảo hoạt động kiểm tra khí thải được thực hiện công khai, minh bạch. Quan trọng hơn, đó là đạt được sự đồng thuận, hợp tác của người dân. Để làm được điều này thì thủ tục kiểm tra khí thải định kỳ phải thực sự nhanh chóng, tiện lợi, không làm mất nhiều thời gian, tiền bạc của người dùng xe máy và phải đảm bảo công bằng.

Mặt khác,về lộ trình thời gian thực hiện, các chuyên gia nhận định, từ năm 2025, sau khi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia được hoàn thiện, bao gồm thông tin chi tiết về chủ phương tiện xe máy đã được định danh thì việc áp dụng quy định về kiểm soát khí thải mới thực sự hiệu quả. Và ngay cả khi Luật Trật tự, an toàn giao thông được thông qua, có hiệu lực trong thời gian tới, việc kiểm tra khí thải định kỳ đối với xe mô-tô, xe gắn máy sẽ khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Bởi cần một lộ trình đủ dài để hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng hệ thống kiểm soát khí thải đạt chuẩn và tạo thói quen mới trong đại bộ phận người dân.

Minh Phương

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2