Liên hợp quốc (LHQ) lên tiếng phản đối cuộc tấn công trên bộ của Israel vào thành phố Rafah tại Dải Gaza, cảnh báo các hoạt động quân sự có thể gây nhiều thương vong tại khu vực có hơn 1 triệu người đang sinh sống này.
Thứ năm, ngày 15/02/2024 - 07:00
Pháo tự hành của Israel triển khai ở thị trấn Kiryat Shmona phía bắc sau một vụ bắn tên lửa từ Liban. Ảnh: AFP/Getty Images |
Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, ông Martin Griffiths nhấn mạnh chiến dịch quân sự tại Rafah có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến hoạt động nhân đạo và kêu gọi cộng đồng quốc tế sớm nối lại hỗ trợ tài chính cho Palestine.
Ông Griffiths cho biết hơn một nửa số người nương náu tại Rafah không có đủ thực phẩm, nơi trú ngụ và gần như không thể tiếp cận dịch vụ y tế. LHQ đang thiếu nguồn cung cứu trợ và nhân lực để duy trì hoạt động nhân đạo, trong khi cộng đồng quốc tế đã phản đối kịch liệt các cuộc tấn công trên bộ vào Rafah. Phó Tổng Thư ký LHQ hối thúc Chính phủ Israel không nên bỏ qua những lời kêu gọi này.
Pakistan và Cuba đã phản đối chiến dịch tấn công quân sự của Israel nhằm vào thành phố Rafah. Trong khi đó, Nam Phi đã hối thúc Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) gây sức ép để buộc Israel dừng tấn công tại đây.
Quốc vương Jordan Abdullah trong các cuộc tiếp xúc với các thượng nghị sĩ Mỹ ở Washington ngày 13/2 cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa nhằm sớm chấm dứt xung đột ở Gaza. Ông tái khẳng định lập trường của Jordan phản đối mọi kế hoạch buộc người dân Gaza phải di dời khỏi vùng lãnh thổ này. Quốc vương cũng kêu gọi thiết lập khuôn khổ chính trị để hiện thực hóa nền hòa bình công bằng và toàn diện, nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất bảo đảm ổn định lâu dài trong khu vực.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Gaza thông qua việc giải quyết căn nguyên của vấn đề và thành lập Nhà nước Palestine độc lập. Tổng thống Erdogan nhấn mạnh mọi giải pháp đều sẽ không thể hoàn thiện nếu không xây dựng được một Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và hội nhập về mặt địa lý dựa trên đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô.
Trong bối cảnh hoạt động nhân đạo gặp nhiều khó khăn do chiến sự leo thang, Cơ quan cứu trợ của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) đã hối thúc các nước đang tạm dừng hỗ trợ cho cơ quan này xem xét lại quyết định, tránh để UNRWA phải giảm quy mô hoạt động vào tháng 3 tới. Phát biểu tại thủ đô Amman của Jordan, Giám đốc truyền thông của UNRWA, bà Juliette Touma nêu rõ việc 16 quốc gia đình chỉ hỗ trợ tài chính, trong đó chủ yếu là các nước phương Tây, có thể khiến cơ quan này mất tới hơn 51% nguồn thu dự kiến trong năm nay, gây nguy hiểm cho hoạt động nhân đạo thiết yếu tại Gaza và khu vực.