Kiểm soát giá thuốc, hạn chế tăng giá qua mỗi khâu trung gian

18/06/2024 19:55 561

Antony- TNPL

Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, giá thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến tay người tiêu dùng.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã được trình Quốc hội trong phiên họp chiều 18/6. Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự luật này là việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý giá thuốc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình về dự án luật 

Trình bày Tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Luật Dược được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 06/4/2016, thay thế cho Luật Dược năm 2005, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược tại Việt Nam, cơ bản phù hợp với sự phát triển của ngành dược trong xu thế hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số quy định liên quan về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa phù hợp chủ trương cải cách hành chính. Một số quy định về quản lý đến chất lượng thuốc chưa phù hợp chủ trương phân cấp quản lý. Một số chính sách phát triển công nghiệp dược chưa tạo được bước đột phá cho công nghiệp dược Việt Nam trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, một số quy định về quản lý giá thuốc chưa phù hợp thực tiễn cũng như pháp luật về giá mới được ban hành; một số quy định liên quan đến thông tin, quảng cáo thuốc tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, chưa phù hợp với chủ trương cải cách hành chính…

Khắc phục những hạn chế này, dự thảo này đã sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược. Cụ thể, dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất thuốc, nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; sửa đổi, bổ sung một số quy định về đăng ký, lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc…

Đáng chú ý, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để khắc phục những hạn chế về quản lý giá thuốc. Theo đó, sửa đổi, bổ sung tên khoản 4 và điểm a khoản 4 Điều 7 để thống nhất với Luật Đấu thầu 2023.

Dự án Luật cũng bổ sung các quy định đặc thù về kê khai giá thuốc khác với quy định về kê khai giá hàng hóa thông thường theo quy định của Luật Giá. Theo đó, bổ sung thuật ngữ giá bán buôn thuốc dự kiến tại Điều 2 Luật dược 2016. Đồng thời sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 107 theo hướng thực hiện kê khai giá đối với danh mục thuốc, nhóm thuốc do Chính phủ ban hành; bổ sung quy định việc kê khai giá thuốc theo đúng quy định về kê khai giá tại Luật Giá 2023 và quy định rõ kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến theo quy định tại Luật Dược.

Dự luật cũng sửa đổi, bổ sung Điều 109, 110, 112 và 113 để quy định rõ trách nhiệm quản lý giá thuốc của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ngoài ra, sửa đổi Điều 114 để bảo đảm thống nhất với Luật Đấu thầu và quy định rõ trách nhiệm của cơ sở kinh doanh trong việc thực hiện các quy định về kê khai giá thuốc.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật 

Báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh, việc sửa đổi quy định liên quan đến quản lý giá thuốc nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Giá năm 2023, song quy định trách nhiệm của cơ sở sản xuất thuốc và cơ sở nhập khẩu thuốc trong việc kê khai lần đầu giá bán buôn thuốc dự kiến trước khi đưa thuốc ra lưu hành trên thị trường, kê khai lại khi thay đổi giá bán buôn thuốc dự kiến đã kê khai là chưa phù hợp với Luật Giá. 

Ủy ban Xã hội thấy rằng, thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, trong nhiều quan hệ mua bán thuốc có sự bất cân xứng về thông tin, hiểu biết về thuốc và giá thuốc giữa người tiêu dùng và người bán, do đó, cần bảo đảm vai trò quản lý và tham gia điều tiết của Nhà nước. “Giá thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến tay người tiêu dùng” - Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cụ thể hơn nguyên tắc xác định “mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng tương tự” khi kê khai giá bán buôn dự kiến (quy định tại khoản 3 Điều 107) để thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật./.

Kim Thanh

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2