NDO - Các sản phẩm thuốc lá mới được các công ty sản xuất giới thiệu là sản phẩm ít hại hơn so với thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên đây chỉ là cách thức tiếp thị nhằm gây nhầm lẫn cho các nhà quản lý và người sử dụng. Tổ chức Y tế thế giới khẳng định, tất cả các loại thuốc lá đều độc hại.
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử gia tăng trong nhóm người trẻ tuổi. (Ảnh: Lâm Thanh) |
Thuốc lá mới gồm hai loại sản phẩm phổ biến là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, ngoài ra còn một số loại sản phẩm lai hoặc biến tấu của hai loại sản phẩm này. Theo các chuyên gia lĩnh vực y tế, thuốc lá điện tử loại có nicotin gây nghiện mạnh cho người sử dụng. Ngoài tính gây nghiện, nicotine trong thuốc lá điện tử còn có tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi trong quá trình mang thai. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra cho thấy, thuốc lá điện tử gây bệnh tật cho người sử dụng và người chung quanh.
Trong khói thuốc được tạo ra từ thuốc lá điện tử có chứa chất glycols, aldehydes, các chất hữu cơ dễ bay hơi, hydro cacbon thơm đa vòng, nitrosamine, kim loại… Các chất này là độc tố đã được chứng minh là gây nên hàng loạt thay đổi bệnh lý quan trọng. Các hạt siêu mịn trong khói thuốc điện tử có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch hoặc hô hấp cho cả người sử dụng và người chung quanh. Đáng chú ý, dung dịch tinh dầu trong thuốc lá điện tử có hơn 15.500 hương vị khác nhau nhằm thu hút và gây nghiện cho người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.
Thuốc lá nung nóng có đặc tính tương đồng với thuốc lá thông thường về thành phần nguyên liệu và cũng có những tác hại tương tự như thuốc lá thông thường.
Hiện nay, các sản phẩm thuốc lá mới, nhất là thuốc lá điện tử có nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.
Thiết bị điện tử và chất tinh dầu dễ bị phối trộn ma túy, chất gây nghiện. |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan cho biết: Qua giám sát chuyên đề của Ủy ban Xã hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống ma túy và phòng chống mại dâm cho thấy, thuốc lá mới ngày càng nguy hiểm và trở thành phương tiện để các đối tượng lợi dụng tẩm ướp ma túy vào buôn bán, sử dụng. Việc thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn.
Theo báo cáo của công an các địa phương, trong năm 2022, trên cả nước đã phát hiện bắt giữ, xử lý 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng “núp bóng” thực phẩm, đồ ăn, thuốc lá điện tử. Trong đó, tẩm ướp vào thảo mộc, thuốc lá điện tử 32 vụ với 58 đối tượng. Vật chứng thu giữ 124,1kg và 40,7 lít dung dịch có chứa chất ma túy loại ADB-BUTINACA dùng tẩm ướp, pha trộn, núp bóng dưới dạng thuốc lá điếu, tinh dầu thuốc lá điện tử.
Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một số quy định không còn phù hợp với thực tế; có vấn đề mới phát sinh như thuốc lá thế hệ mới, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống tác hại thuốc lá, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe của người sử dụng, nhưng chưa được điều chỉnh trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá nên không có cơ sở để xử lý.
Điều này càng nguy hiểm hơn khi đối tượng sử dụng thuốc lá thế hệ mới chủ yếu là thanh thiếu niên. Trong khi đó, chưa có thông tin chính thức từ cơ quan quản lý Nhà nước về tác hại của nó, dẫn đến không có cảnh báo cho người tiêu dùng các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Mặt khác, Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật và khả năng quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá mới; đặc biệt là xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan.
Để kiểm soát, quản lý chặt các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, các cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời, tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá, nhất là việc sử dụng thuốc lá mới trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Các Bộ Y tế, Công thương, Công an, Giáo dục và Đào tạo... tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá, công bố tác hại của thuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe; bổ sung quy định về thuốc lá mới trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh trái phép thuốc lá mới; đa dạng các hình thức tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá, giảm sử dụng thuốc lá trong học sinh, sinh viên; nghiên cứu đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào cơ sở giáo dục hiệu quả hơn...
TRUNG TUYẾN