Thế giới
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 7/5 cảnh báo nước này sẽ tăng cường chiến dịch quân sự tại thành phố Rafah, miền nam Dải Gaza, nếu đàm phán về thỏa thuận trao trả con tin Israel không tiến triển. Bộ trưởng Quốc phòng Israel khẳng định, chiến dịch sẽ tiếp tục cho đến khi nước này loại bỏ lực lượng Hamas ở Rafah.
Thứ năm, ngày 09/05/2024 - 07:22
Khói bốc lên từ một địa điểm ở Rafah sau khi bị Israel tấn công ngày 7/5. Ảnh: Reuters |
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Israel và lực lượng Hamas tăng nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời cảnh báo Israel rằng cuộc tấn công vào Rafah là “sai lầm chiến lược, tai họa chính trị và cơn ác mộng nhân đạo”. Ông Guterres nhấn mạnh, việc đóng các cửa khẩu Rafah và Karem Shalom làm khủng hoảng nhân đạo thêm nghiêm trọng.
Quốc tế phản đối hành động quân sự
Dư luận thế giới tiếp tục phản ứng sau khi quân đội Israel triển khai chiến dịch quân sự tại Rafah. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Israel khẩn trương rút khỏi vùng biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập, thuộc phía đông thành phố Rafah, đồng thời cho rằng cuộc tấn công vào thành phố này không chỉ ảnh hưởng đến khu vực mà cả thế giới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, Mỹ đã thể hiện rõ quan điểm với Israel về cuộc tấn công vào Rafah; Mỹ vẫn tin rằng thỏa thuận trao đổi con tin có lợi cho cả người Palestine và Israel, dẫn đến lệnh ngừng bắn ngay lập tức và cho phép tăng cường hoạt động viện trợ nhân đạo vào Gaza.
Hãng thông tấn WAFA cho biết, Chính quyền Palestine đã kêu gọi Mỹ lập tức can thiệp nhằm ngăn Israel thực hiện chiến dịch quân sự tại thành phố Rafah.
Trung Quốc hối thúc Israel ngừng tấn công Rafah. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ, Bắc Kinh quan ngại sâu sắc về việc Israel triển khai chiến dịch quân sự trên bộ tại Rafah, cho rằng bạo lực về cơ bản không giải quyết được vấn đề và không thể mang lại an ninh thực sự.
Mexico cũng phản đối chiến dịch quân sự của Israel tại Rafah, cảnh báo rằng hành động này sẽ gây hậu quả thảm khốc, đe dọa mạng sống của hàng nghìn dân thường, đồng thời kêu gọi Israel và lực lượng Hamas ngừng bắn ngay lập tức. Bộ Ngoại giao Mexico nhấn mạnh, các cuộc tấn công nhằm vào dân thường là hành động vi phạm nghiêm trọng các quy tắc cơ bản của luật nhân đạo quốc tế.
Tính mạng dân thường bị đe dọa
Ai Cập cũng kêu gọi các bên có ảnh hưởng gây sức ép nhằm giảm căng thẳng tại Rafah. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập phản đối chiến dịch quân sự của Israel đe dọa tính mạng của hơn 1 triệu người Palestine vốn đang sống phụ thuộc vào hàng viện trợ.
Trong thông cáo ngày 7/5, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) kêu gọi bảo vệ thường dân ở Gaza. Thông báo nhấn mạnh: Cần thực hiện tất cả các nỗ lực để bảo đảm mạng sống, cũng như quyền tiếp cận của dân thường về thực phẩm, nước uống và chăm sóc y tế.
Cùng ngày, Ðại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cảnh báo về “không có vùng an toàn ở Gaza để người dân Palestine lánh nạn”, đồng thời lưu ý rằng có 600.000 trẻ em đang cư trú ở khu vực đông dân cư này. Ông Borrell nhấn mạnh EU và Mỹ đều đã yêu cầu Israel ngừng chiến dịch tấn công Rafah.
Trong khi đó, Bộ trưởng Phát triển Bỉ Caroline Gennez cho rằng, cuộc tấn công vào Rafahvượt “ranh giới đỏ” và EU cần cân nhắc các biện pháp phản ứng. Theo quan chức Bỉ, chiến dịch quân sự của Israel có thể gây ra nạn đói cho hàng triệu người. Bỉ cũng kêu gọi EU và các đối tác thống nhất quyết định ngừng xuất khẩu vũ khí sang Trung Ðông, tới Israel và các bên xung đột.
CHỦ ĐỀ: XUNG ĐỘT VŨ TRANG LEO THANG NGHIÊM TRỌNG TẠI DẢI GAZA
Israel cảnh báo tăng cường tấn công Rafah
Israel tiến hành chiến dịch quân sự vào Rafah
Đạt được đồng thuận về một số vấn đề trong thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza