Hệ lụy khôn lường từ rượu bia không rõ nguồn gốc

31/01/2023 00:00 199

63% lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam vẫn chưa được quản lý, chỉ có 30% thị trường nộp thuế… làm thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, gây hại sức khỏe người dùng với nguy cơ ngộ độc.

Đây là thực trạng được Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê chỉ ra.

Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê. Ảnh: Khắc Kiên

Thực trạng đồ uống có cồn bất hợp pháp

Theo ông Nguyễn Đức Lê, hiện sản phẩm nhập lậu chủ yếu qua tuyến biên giới, cửa khẩu Tây Nam, miền Trung; tăng cao dịp lễ, Tết qua đường hàng không; tiêu thụ chủ yếu ở bar, vũ trường hoặc làm quà biếu.

Đối với sản phẩm giả các đối tượng thường dùng vỏ chai rượu, bia các nhãn hiệu nổi tiếng đã qua sử dụng nhưng còn mới cùng với nắp, nút giả, được pha chế từ những loại cồn, rượu có giá trị thấp; xâm phạm quyền SHTT; sử dụng tem chống rượu giả rất giống tem thật nhằm lừa dối, gây nhầm lẫn người tiêu dùng.

Còn sản phẩm thủ công tự nấu, tự pha chế, kinh doanh rượu, bia không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm, sử dụng hóa chất, nguyên liệu, phụ gia, hương liệu không bảo đảm chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Với sản phẩm trốn thuế thường sản xuất, kinh doanh rượu, bia mang thương hiệu nội địa vượt sản lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, không khai báo nhằm trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị khác trong ngành

Chỉ ra tồn tại và nguyên nhân, ông Nguyễn Đức Lê cho rằng, sản xuất, buôn bán đồ uống có cồn bất hợp pháp tồn tại do lợi nhuận cao mang lại; Thói quen mua hàng khá dễ tính của người tiêu dùng như mua hàng không lấy hóa đơn, chứng từ, không kiểm tra tem, nhãn,... đối với đồ uống có cồn.

Vấn đề kiểm soát, công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng rượu, bia thủ công còn rất khó khăn do việc sản xuất rượu, bia thủ công đơn giản, nhất là mặt rượu thủ công được thực hiện chủ yếu tại các hộ gia đình (hầu hết ở khu vực nông thôn). Việc mua bán đối với mặt hàng này cũng được thực hiện một cách dễ dàng. Trong khi đó, nguyên nhân từ các vụ ngộ độc rượu lại chủ yếu đến từ việc sử dụng, lạm dụng mặt hàng này trong đời sống sinh hoạt của người dân;

Công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của một số doanh nghiệp sản xuất, chủ sở hữu quyền; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

"Hiện 63% lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam vẫn chưa được quản lý, chỉ có 30% thị trường nộp thuế… làm thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, gây hại sức khỏe người dùng với nguy cơ ngộ độc" - ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra sản phẩm rượu. Ảnh: Thanh Hải

Quản lý thị trường tích cực vào cuộc

Đứng trước thực trạng đó, lực lượng QLTT thời gian qua xác định mặt hàng rượu, bia là mặt hàng trọng điểm, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt nhằm bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Ngoài ra, triển khai Kế hoạch số 888 về đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không rõ nguồn gốc xuất xứ giai đoạn từ năm 2021 đến 2025; Chủ động phối hợp với các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan triển khai các biện pháp để phát hiện, làm rõ việc nhập lậu rượu trái phép, sản xuất, kinh doanh rượu giả, kém chất lượng trên thị trường.

Tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát đối với sản phẩm rượu do dân tự nấu, tự pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, việc thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu. Đặc biệt là ở những địa bàn trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.

“QLTT chú trọng các hành vi vi phạm về sản xuất đồ uống có cồn bất hợp pháp gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người tiêu dùng; hành vi buôn bán, kinh doanh rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không thực hiện việc dán tem rượu nhập khẩu, tem rượu sản xuất trong nước” – vị này nói.

Đông thời, tăng cường giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các điểm kinh doanh, dịch vụ như: Nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, quán bar, vũ trường, cơ sở kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm,…

Tăng cường hậu kiểm an toàn thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng đối các mặt hàng thực phẩm nói chung và mặt hàng đồ uống có cồn bất hợp pháp nói riêng nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, cảnh báo sớm các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hệ lụy khôn lường từ rượu bia không rõ nguồn gốcTrước thực trạng, lực lượng quản lý thị trường  thường xuyên tăng cường kiểm tra sản phẩm rượu. Ảnh: Thanh Hải  

4 kiến nghị cởi gỡ

Trước thực tế, ông Nguyễn Đức Lê đề xuất các giải pháp để hạn chế tình trạng này. Thứ nhất, kiến nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn, đặc biệt là tại địa bàn biên giới tổ chức phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong việc trao đổi thông tin và kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng hoá nhập lậu, trong đó có sản phẩm rượu, bia.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện cam kết không sản xuất rượu, bia giả, kém chất lượng; không kinh doanh, buôn bán rượu, bia nhập lậu, giả, kém chất lượng.

Thứ hai, kiến nghị UBND các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sản xuất rượu thủ công trừ trường hợp nhằm mục đích kinh doanh; không sử dụng cồn công nghiệp, nguyên liệu không đảm bảo an toàn, không thuộc loại dùng cho thực phẩm để sản xuất rượu.

Thứ ba, kiến nghị Chính phủ bổ sung biên chế, kinh phí, phương tiện làm việc, thiết bị chuyên dùng giám định cho các lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Thứ tư, đề xuất các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia trong nước cần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cường chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh đối với các sản phẩm rượu, bia của mình trên thị trường so với các sản phẩm tương tự của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm bảo đảm tính minh bạch trong sản xuất, nhập khẩu đồ uống có cồn bảo vệ người tiêu dung và tránh thất thu thuế.

Kết quả kiểm tra, xử lý với mặt hàng rượu là 336 vụ; Phạt tiền 4.272.000.000 đồng; Số lượng hàng hóa vi phạm 6.470 chai rượu nhập lậu, 1.277 chai không rõ nguồn gốc xuất xứ; 4.285 chai vi phạm nhãn, 2.745 chai vi phạm hợp quy, 13.353 chai vi phạm khác. Mặt hàng bia xử lý 101 vụ, phạt tiền 1.104.000.000 đồng; số lượng hàng hóa vi phạm 272.616 chai bia nhập lậu, 1.360 chai quá hạn sử dụng, 39.300 chai không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo Khắc Kiên/Tiêu Dùng

 

Quảng cáo 2