Hài hòa giữa kinh tế và giao thông

22/01/2024 11:30 333

HÀ LÊ

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đang xây dựng đề án cho thuê lòng đường, vỉa hè. Đây là vấn đề được dư luận và nhiều chuyên gia quan tâm, với không ít ý kiến trái chiều, song cùng thống nhất mục tiêu kiểm soát tốt an ninh trật tự, ưu tiên không gian dành cho người đi bộ.

TP Hà Nội hướng tới quản lý tốt hơn lòng đường, vỉa hè, ưu tiên không gian cho người đi bộ.
TP Hà Nội hướng tới quản lý tốt hơn lòng đường, vỉa hè, ưu tiên không gian cho người đi bộ.

Muộn còn hơn không

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đang đề xuất các tuyến phố đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê lòng đường, vỉa hè trong thời gian tới. Cụ thể, 15 vị trí trên năm tuyến phố trong không gian đi bộ gồm: Hàng Khay, Hàng Bài, Nguyễn Xí, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ. Thời gian cho thuê trong khung giờ hoạt động của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Cùng đó, sẽ có 21 vị trí trên năm tuyến phố ngoài không gian đi bộ được thí điểm cho thuê. Thời gian cho thuê là tất cả ngày trong tuần. Sau thời gian thí điểm, quận Hoàn Kiếm dự kiến đề xuất bổ sung một số tuyến phố giáp chợ, không phải trục giao thông chính và có vỉa hè rộng từ 3m trở lên tại khu vực phố cổ. Các hộ kinh doanh mặt phố được thuê bề rộng 1 m, ngang bằng mặt nhà và phải bảo đảm lối đi cho người đi bộ. Trước đó, năm 2021, Hoàn Kiếm là quận duy nhất của Hà Nội cho thuê vỉa hè để kinh doanh theo chủ trương của thành phố.

Chung quanh chủ trương này, một luồng ý kiến cho rằng, lòng đường, vỉa hè, dành cho người đi bộ chứ không phải để kinh doanh. Bởi chiểu theo Luật Giao thông đường bộ, không có quy định cho thuê vỉa hè. Các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng không có bất cứ đề cập nào cho phép sử dụng vỉa hè để buôn bán hàng hóa, làm dịch vụ. KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, hè và đường phố được xây dựng bằng tiền thuế của người dân với mục đích phục vụ việc đi lại của người dân, cho thuê vỉa hè là sai mục đích. Ông Trần Huy Ánh cũng đặt ra câu hỏi: Vì sao phải cho thuê vỉa hè, phải chăng việc cho thuê vỉa hè là để "hợp thức" mô hình quản lý đô thị không thành công?

Một luồng ý kiến khác ủng hộ, cho rằng, phải có những điểm cho thuê để thu ngân sách nhà nước, đồng thời buộc những hộ kinh doanh có trách nhiệm hơn khi sử dụng nguồn tài nguyên chung - vỉa hè, lòng đường. Hơn thế, có chuyên gia dẫn ra: Tuy luật không quy định, nhưng Chính phủ cho phép các thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác và không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Đây có thể là lý do Hà Nội căn cứ để đề xuất cho thuê vỉa hè. KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc thành phố Hà Nội tính toán phương án cho thuê vỉa hè làm nơi kinh doanh là cần thiết, đúng ra phải được thực hiện từ lâu. Bởi nếu không tính toán cho thuê, thu phí hợp lý thì người dân vẫn lấn chiếm, sẽ tiếp tục lãng phí nguồn tài nguyên chung. "Dù muộn còn hơn không, thành phố cần đúc rút kinh nghiệm sau khi thí điểm, lưu ý việc này phải thực hiện minh bạch, công khai trên nguyên tắc giữ gìn vỉa hè sinh động, sạch sẽ, và vẫn phải ưu tiên không gian cho người đi bộ", ông Tùng nhấn mạnh.

Lấy người dân làm trung tâm

Quản lý lòng đường, vỉa hè chưa bao giờ là dễ dàng. Không gian vỉa hè, mặt phố là tài sản chung, nhưng nhiều năm qua bị lấn chiếm, trở thành mảnh đất để một bộ phận người dân sử dụng kinh doanh, trục lợi. Rất nhiều năm thành phố Hà Nội đã đưa ra các giải pháp cho công tác bảo đảm trật tự đô thị, song chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, dừng đỗ phương tiện sai quy định tiếp tục xảy ra, gây bức xúc dư luận. KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch cho rằng, kinh tế vỉa hè là một trong những yếu tố không thể thiếu của các đô thị lớn. Nếu việc cho thuê vỉa hè được triển khai bài bản, ngoài đáp ứng nhu cầu sẽ giúp chỉnh trang đường phố.

Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng cho biết thêm, để tiến tới quản trị đô thị khoa học, hiệu quả, việc cho thuê kinh doanh phải được chặt chẽ, tránh xung đột với Luật Giao thông đường bộ. Chúng ta có thể điều chỉnh, bổ sung vào hai dự thảo luật (tách ra từ Luật Giao thông đường bộ), đang trình Quốc hội cho ý kiến. Điều này phù hợp với xu hướng bởi nhiều quốc gia trên thế giới cũng có quy định cho thuê lòng đường, vỉa hè.

Trước mắt, theo nhiều chuyên gia, thành phố Hà Nội phải đưa ra các quy định cụ thể, thực hiện minh bạch, khảo sát kỹ lưỡng những khu vực có thể chuyển đổi đa mục đích và xác định giá trị cho thuê chuẩn xác, phải nhận được sự đồng thuận của người dân. Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, trước tiên Hà Nội cần quy hoạch những tuyến phố phù hợp việc kinh doanh trên vỉa hè, tham khảo ý kiến người dân. Tiếp theo, cần có những quy định thống nhất trong phạm vi toàn thành phố, có một bộ phận đứng ra tổ chức, tránh tình trạng mỗi quận, phường làm một kiểu.

Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, đang từng bước phát triển đô thị thông minh, hội tụ, theo nhiều chuyên gia, yếu tố cảnh quan đô thị phải được tôn trọng, lấy người dân làm trung tâm. "Làm sao phải hài hòa giữa kinh tế và cảnh quan đô thị, sự tiện lợi của người dân", TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trăn trở.

Bài và ảnh: PHÚ XUYÊN

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2