Đứng trong “tâm bão” nhắc lại kiến nghị của các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới

07/02/2023 00:20 277

Bài “Lá đơn từ Hải Phòng…và “cái chết” của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới?” vừa đăng trên Kinh tế và Đô thị, chúng tôi đã nhận được công văn số 8340/BTC-QLG do Cục Quản lý Giá thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi Bộ GTVT “về việc giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải”.

Ngoài lòng tham và sự liều lĩnh bất chấp của cả hệ thống từ Cục Đăng kiểm Việt Nam đến các trung tâm đăng kiểm, các đăng kiểm viên thì sau đó có còn vấn đề gì nữa không? Nhóm phóng viên Kinh tế và Đô thị chúng tôi đã có mặt tại các tỉnh, thành để điều tra sâu hơn những vấn đề đang được dư luận quan tâm.


Đứng trong “tâm bão” nhắc lại kiến nghị của các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới

Nhìn vào “tâm bão”

Đến giờ, hàng loạt trung tâm đăng kiểm đã bị khởi tố về tội danh: Môi giới hối lộ, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Giả mạo trong công tác. Ngoài 4 tội danh trên, cảnh sát điều tra còn đang làm rõ về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Đến nay, cơ quan điều tra xác định nhiều phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn kỹ thuật (lốp mòn; biển số mờ, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải; xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng; mâm không đúng kích thước;...), nhưng vẫn được các trung tâm đăng kiểm cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.

Vấn đề đang nóng lên trên các mặt báo và mạng xã hội từng ngày vì nó liên quan đến cuộc sống của người dân, nhất là các chủ phương tiện. Việc mới đây Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có văn bản chỉ đạo Đảng ủy, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam phải quán triệt, chỉ đạo toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp được coi là kịp thời và cần thiết.

Nhưng về lâu dài Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đăng kiểm phải khẩn trương chỉ đạo rà soát các quy trình nghiệp vụ về công tác đăng kiểm, kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc để các đơn vị này duy trì hoạt động bình thường.

“Quả bóng” đang nằm chân Bộ GTVT

Theo điều tra của chúng tôi, hoạt động liên quan tới đăng kiểm hiện đã được luật hóa ở mức độ cao nhất thông qua hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật như: bộ Luật Hàng hải Việt Nam, Luật Giao thông Đường thủy nội địa, Luật Giao thông Đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Dầu khí…kèm theo là hệ thống các nghị định và thông tư hướng dẫn.

Theo quy định tại Luật Giá, Luật Phí và Lệ phí, thẩm quyền ban hành giá dịch vụ kiểm định thuộc Bộ Tài chính nhưng nó phải dựa trên đề nghị của Bộ GTVT, cơ quản quản lý nhà nước chuyên ngành. Trước kiến nghị xin tăng lệ phí khiểm định phương tiện vận tải của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, ngày 22/8/2022 Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 8340/BTC-QLG (vv giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải) đề nghị Bộ GTVT rà soát, đánh giá tổng thể cả 6 Thông tư quy định về giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải (bao gồm cả phương tiện đường thủy, chất lượng tàu biển, thiết bị giao thông đường sắt…). Tuy nhiên đến nay, Bộ GTVT vẫn chưa có trả lời chính thức.

Điều này cho thấy, với thẩm quyền được quy định trong Luật Giá, Bộ Tài chính đã thấy cần phải đánh giá, rà soát lại các thông tư quy định dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải khác chứ không đơn thuần chỉ xem xét lại Thông tư 238/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành.

Việc cơ quan cảnh sát điều tra đang tiến hành bóc hàng loạt sai phạm của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới càng làm cho người ta nghĩ đến việc Bộ GTVT phải nhanh chóng vào cuộc. Liệu việc đăng kiểm đường sắt, đường thủy, đường biển có gặp những bất cập như đăng kiểm phương tiện đường bộ?


Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đang làm rõ dấu hiệu sai phạm tại Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: Công an cung cấp

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Quảng cáo 2