(ĐCSVN) - Có thực mới vực được đạo, có ăn no và đủ chất thì các em học sinh mới có điều kiện phát triển tốt nhất cả về trí lực, thể lực. Đừng vì sự yếu kém, buông lỏng quản lý, sự tham lam vô độ hay sự vô tâm có chủ đích…của một nhóm người mà làm tội nghiệp trẻ con!
Ngày 17/12, UBND tỉnh Lào Cai thông tin về việc tạm đình chỉ công tác trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày 17/12/2023 đối với Hiệu trưởng Trần Ngọc Hà của Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (huyện Bắc Hà) do liên quan tới thông tin phản ánh về tình trạng bữa ăn bán trú của 178 học sinh không đảm bảo chất lượng, có dấu hiệu bị bớt xén.
Dù trên bảng thực đơn và công khai tài chính có ghi rõ mỗi học sinh bán trú được hưởng chế độ ăn sáng là 1 gói mỳ ăn liền và 1 quả trứng. Thế nhưng, ngày mới nơi đây bắt đầu bằng hình ảnh 11 đứa trẻ ngoan ngoãn ngồi trên ghế quanh chiếc bàn inox với ánh mắt ngây thơ chỉ để “chia nhau” 2 gói mì ăn liền nấu loãng chan với cơm. Bữa sáng không đủ theo định lượng, bữa trưa và bữa tối cũng chẳng khá hơn khi mỗi mâm 11 người chỉ có 1 ít giò thái nhỏ cùng nồi canh.
Hình ảnh bữa ăn bán trú cơm chan mỳ ăn liền tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: laodong.vn) |
Chắc là vô tình thôi! Hiệu trưởng làm sao quên được định mức chuẩn 14 kg thịt lợn, 11 kg xương trong khẩu phần ăn ngày 14/11 do chính mình phê duyệt còn chưa kịp ráo mực!
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 116/2016/NĐ-CP, ngày 18 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo với mức hỗ trợ như sau (mức lương cơ sở áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 là 1,8 triệu đồng/tháng): Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh; Hỗ trợ tiền nhà ở: Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh; Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Thực tế, hằng tháng bộ phận kế toán trường Hoàng Thu Phố 1 nhận hơn 125 triệu đồng để tổ chức bữa ăn bán trú nhưng số tiền này được sử dụng ra sao thì chỉ có… Ban Giám hiệu biết!!!
Trước đó, tại tỉnh miền núi Hà Giang cũng xảy ra vụ việc tương tự buộc UBND huyện Yên Minh phải tạm đình chỉ công tác đối với bà Đồng Thị N. - Hiệu trưởng Trường mầm non Bạch Đích.
Theo các phụ huynh, bắt đầu từ năm học mới, học sinh tại trường được hỗ trợ 160 nghìn đồng/tháng. Tuy nhiên, nhà trường yêu cầu phụ huynh nộp 10 nghìn đồng/ngày và 2,5 kg gạo/tháng mà không sử dụng số tiền được Chính phủ hỗ trợ. Trường này còn tự ý chi vào các khoản chi khác không qua họp phụ huynh, không minh bạch trong thu chi.
Chẳng nói đâu xa, ngay giữa Thủ đô, hẳn nhiều người vẫn nhớ suất ăn bán trú có giá 32 nghìn đồng tại Trường THCS Yên Nghĩa (quận Hà Đông) nhưng thực tế chỉ 1 miếng giò mỏng và nhỏ, 1 ít khoai tây, vài ba miếng cá chiên giòn, lèo tèo vài sợi giá... khiến phụ huynh ngán ngẩm, bức xúc đưa lên mạng xã hội.
Chẳng cần tốn thời gian, công sức và tiền bạc để mời chuyên gia dinh dưỡng, hay cán bộ y tế học đường kiểm nghiệm, thẩm định làm gì, những gì hiện ra trước mắt chúng ta là sự yếu kém, buông lỏng quản lý, sự tham lam vô độ hay sự vô tâm có chủ đích… của một nhóm người.
Nếu không có báo chí phản ánh, không có phụ huynh học sinh, hay có 1 cá nhân nào đó bất chấp hiểm nguy để tìm cho bằng được chân tơ kẽ tóc sự thật về thứ gọi là suất ăn học đường… thì thử hỏi vấn nạn này còn bao nhiêu “đất để diễn” và kéo dài bao lâu nữa. Thực trạng đau xót này vẫn luôn có tính thời sự. Điều khiến dư luận thắc mắc là tại sao người thật việc thật, báo chí phản ánh khách quan sự việc rõ ràng như vậy mà cứ phải mở ngoặc đơn nếu có ở trong các văn bản chỉ đạo điều tra, xác minh giải quyết vụ việc.
Chúng ta cần nhìn thẳng sự thật, tìm đến tận nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và có giải pháp xử lý rốt ráo chứ không thể mãi chỉ lý giải bằng những lý do như "căn cứ hợp đồng ký với bên cung cấp suất ăn", "đại diện cán bộ nhà trường và đại diện phụ huynh học sinh kiểm tra giám sát"... Bởi vấn đề này hằng ngày, hằng giờ có liên quan trực tiếp, mật thiết tới sự phát triển toàn diện của những mầm non tương lai đất nước.
Đồng bào dân tộc miền núi, đặc biệt là các em học sinh vùng cao luôn là đối tượng được Đảng, Nhà nước quan tâm và dành nhiều chính sách ưu đãi, đa phần đã quen với thiếu thốn, đói khổ nên bữa sáng vẫn diễn ra ngon lành dù bị cắt bớt khẩu phần.
Trên lý thuyết, các em chính là những đối tượng thụ hưởng trực tiếp, nhưng ngặt nỗi còn quá nhỏ để thấu hiểu và có thể lên tiếng! Còn người lớn chúng ta thì vẫn cứ chùng chình với "văn hóa rút kinh nghiệm", rồi thì đủ thứ giải trình!
Anh Tuấn