(ĐCSVN) - Theo luật sư, hành vi làm giả bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ để giảng dạy là rất nguy hiểm vì có thể cung cấp những kiến thức không chính xác, đưa ra các định hướng sai lệch, tạo ra nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, cũng như chất lượng đào tạo có thể không được đảm bảo.
Dư luận vẫn đang theo dõi những diễn biến mới trong sự việc ông Nguyễn Trường Hải (sinh ngày 13/8/1981 tại Khánh Hòa) sử dụng bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ giả ngành Khoa học máy tính (đều được cấp bởi trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM) và xin vào nhiều trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh để giảng dạy.
Đáng chú ý, không chỉ giảng dạy tại Trường ĐH Công nghệ TP HCM (Hutech), Trường ĐH sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Trường CĐ Công Thương Việt Nam cơ sở TP HCM..., vị tiến sĩ "dỏm" này còn từng giảng dạy, thậm chí hướng dẫn làm khóa luận tốt nghiệp cho 9 sinh viên tại Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU). Sau khi các trường nghi ngờ hay phát hiện bằng cấp giả, ông Hải đã có đơn xin nghỉ việc đồng thời cắt đứt liên lạc.
Theo PGS.TS Cao Hào Thi, Hiệu trưởng Trường STU, tháng 4/2021, ông Nguyễn Trường Hải nộp hồ sơ ở vị trí giảng viên thỉnh giảng. Đây là thời điểm đợt dịch COVID-19 căng thẳng, sinh viên học chủ yếu học tập trên nền tảng trực tuyến. Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ, bằng cấp công chứng (bản photo công chứng bằng Thạc sĩ, chưa có bằng Tiến sĩ), ký hợp đồng, ông Hải được phân công hướng dẫn 3 sinh viên làm đồ án/khóa luận tốt nghiệp (chủ yếu hướng dẫn trực tuyến). Đến năm 2022, ông Hải tiếp tục được phân công hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho 6 sinh viên.
"Đồ án/khóa luận tốt nghiệp được đánh giá bằng một hội đồng gồm nhiều thầy cô chứ không phải một cá nhân nào, nên kết quả của hội đồng chấm đồ án/khoá luận là đảm bảo đúng yêu cầu", PGS. TS Cao Hào Thi khẳng định.
Bằng Tiến sĩ giả của ông Nguyễn Trường Hải (Ảnh: Nhà trường cung cấp) |
Trước đó, năm 2017, ông Hải cũng hướng dẫn đồ án môn học cho sinh viên ngành Công nghệ phần mềm, khoa Công nghệ thông tin của Trường Hutech. Theo lãnh đạo trường này, khi sinh viên bảo vệ đồ án môn học, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, nhà trường tổ chức hội đồng chấm gồm từ 2 đến 3 giảng viên trong và ngoài nhà trường. Do đó, tất cả các đồ án tốt nghiệp môn học của sinh viên đều được các thành viên trong hội đồng đánh giá; sinh viên phải có đủ kiến thức, nỗ lực bản thân rất nhiều thì mới bảo vệ thành công đồ án, đáp ứng đầy đủ các năng lực cần có.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết nếu bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ của ông Nguyễn Trường Hải được xác nhận là không có trong dữ liệu của nơi cấp bằng mà ông này vẫn tham gia giảng dạy nhiều năm ở nhiều cơ sở giáo dục (trực tiếp và trực tuyến) thì cả nhà trường và ông Hải đều vi phạm vào quy định của tiêu chuẩn giảng viên đứng lớp.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 54 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 (Luật số: 34/2018/QH14 ngày 19 tháng 11 năm 2018) quy định rõ: Trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là Thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ là Tiến sĩ. Cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ Tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo.
Cơ quan chức năng sau khi xem xét, xác minh, củng cố hồ sơ hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Hải theo Điều 341 Chương XXII phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017, với tội danh làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, cụ thể:
Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm; Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Đối với các cơ sở giáo dục nơi ông Hải giảng dạy (dù là giảng viên thỉnh giảng hay cơ hữu), nhà trường không kiểm tra, rà soát kỹ văn bằng, chứng chỉ khi tuyển dụng, ký hợp đồng với giảng viên... là chưa đúng với các quy định của pháp luật.
Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 24 Mục 7 Chương II Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Số: 04/2021/NĐ-CP, ngày 22 tháng 01 năm 2021) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, thì phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm ở cơ sở giáo dục Đại học; viện hàn lâm, viện được phép đào tạo trình độ Tiến sĩ.
Luật sư Nguyễn Văn Kỹ phân tích, quy định hiện hành nêu rõ cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm toàn diện về văn bằng đã cấp cho người học và công khai định kỳ trên trang thông tin điện tử của nhà trường, tạo thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu cũng như xã hội giám sát. Việc xác minh văn bằng là trách nhiệm của cơ quan cấp văn bằng và cơ quan sử dụng văn bằng, không phải trách nhiệm trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thời gian qua, lực lượng chức năng trên cả nước đã theo dõi, phát hiện, triệt phá và xử lý nhiều đường dây sản xuất bằng cấp giả, cũng như xử lý những cá nhân sử dụng văn bằng chứng chỉ không hợp pháp nói trên để thực hiện hành vi phạm tội ở nhiều mức độ khác nhau, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tới đây đơn vị sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nghiêm túc công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ của các cơ sở giáo dục. Riêng với các văn bằng, chứng chỉ được cấp ở nước ngoài, nếu các cơ quan, đơn vị có nhu cầu xác minh, Cục sẵn sàng hỗ trợ.
“Từ năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phần mềm tra cứu văn bằng, chứng chỉ toàn quốc, hiện đang thử nghiệm. Do đó, cần thiết xây dựng kho dữ liệu về văn bằng chứng chỉ để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.
Anh Tuấn