Trong gần 60 đơn vị tham gia ngày hội “Phụ nữ Thủ đô ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo năm 2024” vừa diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), có một gian hàng thủ công độc đáo thu hút đông đảo khách tham quan, nhất là phụ nữ.
Giới thiệu Áo dài An An mang dấu ấn Hải Phòng tại một sự kiện văn hóa. |
Ngắm những chùm phượng thắm khoe sắc trên áo dài, khăn tay, túi xách... nhiều người có thể nhận ra thương hiệu thời trang đến từ “thành phố hoa phượng đỏ” Hải Phòng.
Sau quầy trưng bày, cô gái trẻ Mai Ngọc Tuyền (sinh năm 2005) chăm chú đưa cọ vẽ phác thảo lên một tấm áo dài trắng từng nụ, từng bông hoa phượng rồi tô mầu đỏ cam sinh động, tươi tắn.
Nếu không hỏi chuyện, có lẽ khách tham quan không thể biết rằng em là một người câm điếc bẩm sinh. Tuyền là một trong số các nhân viên lành nghề của Áo dài An An Hải Phòng, cơ sở thiết kế sản xuất áo dài và quà tặng du lịch có tiếng tại địa phương.
Nhà thiết kế Cao Thị Thu Vân, người sáng lập Áo dài An An chia sẻ: “Ngày đầu được mẹ đưa đến An An học nghề, Tuyền nhút nhát, ủ rũ lắm. Bây giờ là thợ chính rồi, được đi nhiều nơi, kiếm được tiền từ lao động cho nên em tự tin và cởi mở hơn nhiều, khiến tôi cùng các chị em đều thấy vui”.
Nói về cơ duyên gắn bó với tà áo dài truyền thống, chị Thu Vân cho biết đã gây dựng Áo dài An An khoảng 10 năm trước, xuất phát từ việc bản thân yêu thích và thường xuyên có dịp mặc áo dài.
Nhận thấy nhiều phụ nữ chung quanh cũng quan tâm, chị học thiết kế, tìm về các nghệ nhân và các làng nghề lâu đời, mày mò khởi nghiệp. Đến nay, thương hiệu An An có nhà máy tại Nga Sơn (Thanh Hóa) và 3 cửa hàng tại thành phố Hải Phòng.
Sản phẩm đa dạng từ áo dài nam-nữ, cổ phục cung đình, túi xách, khăn choàng, khẩu trang vải, trang sức... mang lại thu nhập trung bình 5,5-8 triệu đồng/tháng cho mỗi nhân viên. Sản phẩm khăn thêu thủ công truyền thống, áo dài thêu thủ công truyền thống đạt chứng nhận OCOP của thành phố Hải Phòng.
Bên cạnh áo dài, An An đã và đang phát triển thêm sản phẩm lưu niệm theo tiêu chí hàng thủ công mỹ nghệ phát huy tài nguyên bản địa. Có thể kể đến những chiếc túi sợi đay vẽ tay hình ảnh đặc trưng vùng, miền như hoa phượng, trà cúc (Hải Phòng), rau má (Thanh Hóa), búp chè (Thái Nguyên)... để đựng đồ thường ngày hoặc làm quà, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế thích thú.
Chị Thu Vân cho biết ý tưởng đã ra đời và đạt giải cao trong một cuộc thi sáng tạo của phụ nữ thành phố Hải Phòng, đó là một chiếc túi thân thiện với tất cả mọi người, hình thức độc đáo với khách hàng cao cấp, giá cả phù hợp với khách hàng bình dân.
Từ đây, chị tìm về làng nghề dệt đay ở Ninh Bình để đặt hàng túi chống thấm nước và được chứng nhận an toàn. Trên từng chiếc túi, các họa sĩ tài hoa ở xưởng An An lại cần mẫn chăm chút từng nét cọ, vẽ lên chùm phượng vĩ, cánh đồng quê... hay mọi hoa văn theo nhu cầu khách hàng.
Điều mang nhiều ý nghĩa là đơn vị đã đồng hành nhiều năm với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hải Phòng để mở Trung tâm Áo dài và dạy nghề cho phụ nữ khuyết tật và phụ nữ nghèo, hỗ trợ hàng trăm phụ nữ yếu thế học nghề miễn phí, có việc làm ổn định và phát triển cuộc sống.
Theo chị Vân, nhiều học viên khuyết tật hoặc hoàn cảnh khó khăn nhưng có năng khiếu nghệ thuật và chăm chỉ. Trung tâm không chỉ mở lớp, thuê họa sĩ và nghệ nhân về dạy mà còn hỗ trợ ăn ở nếu cần. Một số chị em thành nghề, tự mở cơ sở riêng và mang nghề may, thêu áo dài tiếp tục lan tỏa.
Tất nhiên, trên thực tế việc đào tạo nghề thủ công tay nghề cao hay kinh doanh sản phẩm văn hóa-xã hội đều đối mặt nhiều khó khăn, không chỉ vấn đề kinh phí. Đơn cử, mỗi lần Áo dài An An đi các hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm, luôn phải có thêm nhân sự hỗ trợ mọi sinh hoạt cho các nghệ nhân khuyết tật.
Tuy nhiên, chị Thu Vân vẫn tự hào bày tỏ điểm mạnh chính là chị em luôn cảm thông, đùm bọc lẫn nhau. Đáng chú ý, cơ sở chủ trương không nhận tiền tài trợ hay quyên góp từ thiện từ các nhà hảo tâm, mà tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để khách mua hàng hài lòng và trở lại.
Theo chị Thu Vân, đó mới là cách làm tạo giá trị bền vững và đi được đường dài, khẳng định năng lực của chị em phụ nữ.
Những nỗ lực, hy vọng ấy được đền đáp bằng sự yêu mến của người tiêu dùng, uy tín trong cộng đồng. Áo dài An An vinh dự được lựa chọn trình diễn thời trang và nghệ thuật tại Lễ hội Áo dài thành phố Hải Phòng từ năm 2022 tới nay.
Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa phượng đỏ năm 2024 vừa qua, người dân và du khách mãn nhãn với không gian sân khấu hoành tráng, tôn vinh những bộ sưu tập áo dài thướt tha của các nhà thiết kế đất Cảng.
Trong đó, nhà thiết kế Cao Thị Thu Vân và Áo dài An An đóng góp 3 bộ sưu tập đặc sắc: “Bức họa quê hương” khắc họa dáng hình đất nước Việt Nam, “Nguồn cội” tái hiện lịch sử hình thành và biến đổi của áo dài, “Hải Phòng xưa và nay” lấy cảm hứng từ các địa danh thân thuộc và nổi tiếng. Họa tiết hoa phượng đỏ - biểu tượng Hải Phòng trên áo dài, mũ mấn, túi xách được vẽ theo tư duy thẩm mỹ và cảm hứng riêng, không sao chép hàng loạt.
Theo từng bước chân của các người mẫu và các em thiếu nhi, khán giả như được du lịch vòng quanh Hải Phòng theo cách mới lạ, chiêm ngưỡng những công trình gắn bó với mảnh đất và con người Hải Phòng như Nhà hát Lớn, Ga Hải Phòng, Cảng Hải Phòng, Bưu điện thành phố, cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ...
Mới đây, Áo dài An An chính thức trở thành một thành viên tiên phong của Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam thành phố Hải Phòng, góp phần vào hành trình khẳng định và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.
Nhà thiết kế Thu Vân cũng nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng hợp tác, kết nối để nhân rộng chương trình đào tạo nghề miễn phí tại các địa phương trên toàn quốc, không chỉ dành riêng phụ nữ hay người khuyết tật mà tất cả những ai mong muốn gìn giữ, quảng bá di sản áo dài.
BÀI VÀ ẢNH: MỸ HẠNH