(ĐCSVN) - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) theo hướng quy định, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.
Chiều 02/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được xây dựng nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định của Hiến pháp; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).
Dự thảo Luật bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt)... Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình. Ảnh: QH |
Về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần.
Phương án 2 là "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH".
Dự thảo Luật cũng sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên (quy định hiện hành là 20 năm) thì được hưởng lương hưu hằng tháng.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ 20 năm.
Do vậy, Điều 64 của dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế. Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH |
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị rà soát để có quy định chuyển tiếp đối với những quy định sẽ thay đổi khi có quy định mới như trường hợp có số năm tham gia trên 15 năm và dưới 20 năm khi hưởng BHXH một lần theo quy định của dự thảo Luật (do hạ số năm tham gia BHXH từ 20 năm xuống 15 năm sẽ dẫn đến lựa chọn quyền về hưu và quyền hưởng BHXH một lần nếu người lao động muốn tiếp tục tham gia để hưởng cao hơn thì xử lý thế nào).
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, mỗi phương án hưởng BHXH một lần trong dự thảo Luật Chính phủ đưa ra đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, Chính phủ chưa thể hiện rõ quan điểm về phương án lựa chọn. Hơn nữa, khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu mà lấy bảo hiểm một lần (tức là đang trẻ, còn sức khỏe làm việc, tạo thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình mà lại lấy của tuổi già để chi tiêu) dù với lý do gì, đều trái với mục đích, tính chất của chế độ bảo hiểm hưu trí.
“Quy định hưởng BHXH một lần là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động. Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, tham vấn, lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp, đặc biệt là quy định về BHXH một lần”, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nói.
Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cân nhắc, tính toán thêm các lựa chọn, làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của BHXH…/.
Vy Anh