Doanh nghiệp như “uống nước muối để chữa khát”

13/02/2023 00:48 299

Lãi suất ở mức cao đang bào mòn lợi nhuận DN, không ít DN buộc phải co hẹp sản xuất hoặc phải kinh doanh cầm chừng. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có các giải pháp và lộ trình kéo giảm lãi suất.

Lãi suất cao, lợi nhuận bị bào mòn

Thời gian qua Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp để bổ sung nguồn vốn tín dụng, kéo giảm mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ DN. Trong tháng đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất tiền gửi có dấu hiệu hạ nhiệt, song mức cao nhất vẫn neo ở 9,5%/năm cho kỳ hạn dài. Tuy nhiên với mức xấp xỉ 10%/năm như hiện nay vẫn quá cao đối với DN.

Thống kê hiện nay cho thấy không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất tiết kiệm trên 10%/năm. So với giai đoạn cao điểm hồi tháng 11/2022, lãi suất huy động hiện nay đã giảm 0,5 - 2% tùy từng kỳ hạn.

Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Minh Cường Nguyễn Anh Sơn chia sẻ: “DN đang rất khó khăn do là lãi suất cho vay tăng cao, trong khi nguồn thu không ổn định. Vì thế, DN không dám mạo hiểm đầu tư, chỉ duy trì hoạt động cầm chừng để nghe ngóng tình hình. Lãi suất dự báo khó hạ xuống mức thấp và chúng tôi chưa biết sẽ kéo dài tình hình đến khi nào”.

Cùng chung khó khăn này, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn Trần Việt Anh cho biết, các DN kinh doanh xuất khẩu hiện nay chỉ có nhu cầu giảm lãi suất chứ không có nhu cầu vay mới. Hầu hết DN đang phải “liệu cơm gắp mắm” để duy trì hoạt động. Thậm chí, nhiều DN có hạn mức tín dụng nhưng không dám đăng ký giải ngân, vì với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay, việc vay vốn ngân hàng sẽ khiến chi phí DN đội lên rất lớn.


Lãi suất cao, doanh nghiệp như “uống nước muối để chữa khát”

Chia sẻ thêm về khó khăn của DN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, DN hiện có 5 vấn đề khó khăn hàng đầu đang gặp phải, gồm: Tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn, biến động thị trường, tìm kiếm nhân sự, tìm kiếm đối tác kinh doanh… Đặc biệt, hiện nay DN rất khát vốn, trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang quá cao...  

“Với mức lãi suất đi vay cao như hiện nay, nếu DN vay để đầu tư sản xuất không khác nào chữa khát bằng nước muối. Vì vậy chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp cấp bách để sớm đưa nguồn vốn tín dụng đến với DN” - ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Quảng cáo 2