Doanh nghiệp cần liên kết với nông dân, HTX, để đưa nông sản Việt vươn xa

23/11/2022 00:38 285

Đó là ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn “Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp” vừa được Ban tổ chức Diễn đàn Mekong Connect 2022, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT 2, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp tổ chức...

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Trung Đông, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 mong muốn có thể cung cấp các thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nông sản cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, giúp quá trình sản xuất nông nghiệp bền vững hơn.


 Chủ trì diễn đàn (theo thứ tự từ trái qua phải) là ông Nguyễn Ngọc Thạch, bà Vũ Kim Hạnh và ông Nguyễn Trung Đông.

Theo ông Đông, hiện nay thị trường nông sản ngày càng mở rộng, nhiều sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, cùng với đó là các tiêu chuẩn cũng ngày càng nâng cao. Để đáp ứng được những yêu cầu này, các HTX cần củng cố, thay đổi và phát triển sản xuất. Qua diễn đàn này, các chuyên gia của ngành nông nghiệp cũng như lãnh đạo nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia đóng góp ý kiến, giúp các HTX có thể đưa ra định hướng cụ thể trong sản xuất trong thời gian tới.

Ông Bùi Phước Hòa, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, tiêu chuẩn là chuẩn mực chung nhằm xác định và giảm thiểu rủi ro dọc theo chuỗi cung ứng của khách hàng - với các hoạt động, quy trình, hệ thống, con người hoặc năng lực.

Tuy nhiên, hiện nay quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản đang gặp phải một số khó khăn. Đầu tiên là vấn đề chi phí, trong đó bao gồm chi phí xây dựng tiêu chuẩn, chi phí trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, chi phí kiểm nghiệm, giám định và các chi phí quản lý.

Để giải quyết những khó khăn này, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhất quán về chính sách, tạo ra những quy định xuyên suốt giữa các bộ ngành, tổ chức đào tạo hoặc hỗ trợ chi phí đào tào về tiêu chuẩn.

Trong khi đó, người nông dân cần đẩy mạnh liên kết và minh bạch hóa trách nhiệm đi cùng với lợi ích. Họ cũng cần có người dẫn đường có tầm và có tâm để giúp họ hiểu được lợi ích khi tuân thủ tiêu chuẩn và ổn định chất lượng sản phẩm.


Ông Bùi Phước Hòa, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao chia sẻ tại diễn đàn

TS. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam trình bày một số điểm lưu ý trong quy định của thị trường Trung Quốc và một số thị trường chính đối với nông sản xuất khẩu.

Hiện Trung Quốc có nhiều thay đổi trong quy định an toàn thực phẩm. Hai bên đã có các nghị định thư, thỏa thuận kiểm soát An toàn thực phẩm (ATTP) sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai nước; kiểm soát an toàn nông sản, thực phẩm xuất nhập khẩu giữa hai nước; nghị định thư kiểm dịch Gạo xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc...

Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triẻn thị trường nông sản, thị trường Trung Quốc hiện mới tập trung truy xuất nguồn gốc, chưa thực hiện nhiều quy định kiểm tra, giám sát mức dư lượng. Song đối với các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện đã nhận cảnh báo từ phía bạn về lượng thuốc trừ sâu, ô nhiễm vi sinh vật.

Đối với thị trường Nhật Bản, các quy định đều thuận lợi cho doanh nghiệp song yêu cầu tính minh bạch, trung thực của doanh nghiệp sang thị trường này. Hàn Quốc cũng là một thị trường khó tính. Họ có quy định cụ thể về dư lượng, các loại hóa chất, thuốc BVTV. Thị trường EU, sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường này cần tuân thủ các quy định về ATTP. Doanh nghiệp cần đăng ký danh sách với cơ quan có thẩm quyền (NAFIQAD) để kiểm tra và phê duyệt vào danh sách được phép xuất khẩu sang EU...

Với các quy định này, ông Hòa kiến nghị doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các qui định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức và quan niệm – từ số lượng sang chất lượng và tính an toàn của sản phẩm cũng như đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm của thị trường.

Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa Cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo toàn về chất lượng và số lượng cho toàn bộ chuỗi cung ứng; xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm (thị trường trong nước và nước ngoài: Hội chợ, Triển lãm và kết nối hệ thống siêu thị).

Chia sẻ tại diễn đàn, PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, thời gian gần đây, việc phát triển nông nghiệp sang hướng bền vững, tuần hoàn không chỉ được đẩy mạnh ở Việt Nam mà còn là xu thế chung của các nước tiên tiến trên thế giới như Hà Lan, Nhật Bản… với những cam kết rất mạnh mẽ.


PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, cần thu hẹp khoảng cách từ người sản xuất đến người phân phối và sau đó là người tiêu dùng.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Quảng cáo 2