Diễn đàn Thứ Tư, 20/11/2024 14:00:00 +07:00
Chẳng mong ước gì cho riêng mình, thầy cô chỉ trăn trở được làm thêm nhiều cho học trò, để các em có môi trường giáo dục và tương lai tốt đẹp hơn.
Mong học trò đỡ vất vả, thiếu thốn
Từ miền Tây Bắc của Tổ quốc, cô Nguyễn Thị Yên, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Trung Chải (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) cho biết, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn hiện chỉ có cô và một giáo viên khác thuộc biên chế dạy tiếng Anh. Điều này khiến cô thường xuyên phải di chuyển tới các điểm trường khác nhau để dạy ghép lớp với số lượng học sinh đông.
Chưa kể, điều kiện cơ sở vật chất tại các điểm trường vùng cao còn nhiều khó khăn. Học sinh và giáo viên vẫn phải học trong các phòng học tạm, chật hẹp, thậm chí phải chuyển ra nhà ăn để học vì không đủ phòng học. “Nhà ăn mái tôn, mùa đông gió lùa lạnh buốt, mùa hè thì nóng nực. Học sinh đông, thậm chí có lớp lên tới 90 em khiến việc quản lý và giảng dạy rất vất vả”, cô Yên nói.
Cô Nguyễn Thị Yên được vinh danh giáo viên tiêu biểu 2024.
Thương trò phải sinh hoạt, học tập trong môi trường điều kiện khó khăn, thiếu thốn, cô Yên cùng đồng nghiệp luôn tự động viên nhau cố gắng chăm sóc, bảo vệ các em học sinh hết sức mình.
“Trong ngày tri ân đặc biệt của ngành giáo dục, tôi chỉ có ước nguyện, mong cho tất cả các em học sinh đều có cơ hội đến trường, đầy đủ trang thiết bị học tập và bớt vất vả trên hành trình đi tìm con chữ", nữ giáo viên bày tỏ.
Được đến trường đầy đủ
Nơi vùng biển Sông Đốc, cô Nguyễn Thị Duyên, giáo viên trường THPT Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) quan ngại về các tệ nạn xã hội đang diễn biến phức tạp tại địa phương, khiến học sinh dễ bị lôi kéo, kích động theo. Đặc biệt, học sinh nơi đây phần lớn gia đình ngư dân, nhiều em phải ra khơi cùng bố mẹ từ khi còn nhỏ, việc được cắp sách tới trường không phải là điều dễ dàng.
"Để tới trường, nhiều học sinh phải thức dậy từ rất sớm, vượt quãng đường dài. Có em phải đi học bằng đò, xuồng, qua phà gần cửa biển. Nhiều hôm mưa to gió lớn, các em đến trường ướt sũng, em thì bị trễ học, nhưng tôi chưa bao giờ thấy các trò nản lòng", cô Duyên xúc động chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Duyên cùng học trò. (Ảnh: NVCC)
Theo nữ giáo viên, nơi đây vẫn có nhiều gia đình không xem trọng việc học, không coi học tập là sự phấn đấu để tìm kiếm sự nghiệp, tương lai sau này. Chính vì vậy, suốt 2 thập kỷ gắn bó với nghề giáo, cô luôn trăn trở và hết lòng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân địa phương về tầm quan trọng của học tập, để mọi học sinh được đến trường đầy đủ.
“Điều mà chúng tôi luôn mong muốn, là việc học tập trở thành nhu cầu hiện hữu trong cuộc sống của người dân nơi đây. Để sự phấn đấu học tập của mọi học sinh đều được đền đáp thật sự xứng đáng khi các em bước chân ra cuộc đời", cô Duyên bày tỏ.
Được ăn no, ngủ ấm, đủ đồ dùng học tập
Trường THCS Núi Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) - nơi cô giáo Châu Thị Rone đang công tác, là trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đa số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, chủ yếu sống cùng ông bà (do cha mẹ đi làm ăn xa) nên kỹ năng sống còn hạn chế. Phần lớn các em là dân tộc Khmer, vẫn còn rụt rè, e ngại, chưa tự tin phát biểu và tham gia các hoạt động tập thể tại trường.
Cô Châu Thị Rone. (Ảnh: NVCC)
Ngoài công việc giảng dạy, cô Rone còn kiêm nhiệm công tác phụ trách Đội ở trường học. Với cô, công việc này không chỉ đơn thuần tổ chức các hoạt động phong trào, vui chơi cho học sinh mà cần phải quan tâm, chăm lo đến đời sống của các em, nhất là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi, khuyết tật...
"Rất nhiều lần tôi phân vân, không biết mình đã làm tròn trách nhiệm với các trò chưa? Có em nào vì mình chưa quan tâm kịp thời mà phải dừng học hay gặp khó khăn, áp lực tâm lý trong học tập, trong cuộc sống. Các em có được ăn no, ngủ ấm mỗi ngày hay không?...", cô Rone bày tỏ băn khoăn.
Thương trò nghèo, cô Rone luôn căn dặn các em, rằng thầy cô không cần những món quà quý giá như hoá, quà, vật chất trong những ngày lễ đặc biệt. Điều thầy cô cần là tấm lòng yêu thương, sự lễ phép và những hoa điểm 10 của từ các em.
Dù hoàn cảnh riêng còn nhiều khó khăn, thế nhưng với tinh thần yêu nghề, yêu trẻ, cô Rone cho biết sẽ giữ vững ngọn lửa đam mê, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.
Sẽ dạy học bằng cả khối óc và trái tim
Với thầy Đặng Văn Bửu, giáo viên trường THCS Hưng Phong (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), hạnh phúc không phải được ăn ngon mặc đẹp mà nằm ở sự trưởng thành của học sinh. "Tôi luôn tâm niệm, bản thân phải vượt qua khó khăn ở địa phương, vượt qua nghịch cảnh của bản thân để gắn bó với nghề, đồng hành cùng học trò thân yêu", thầy Bửu chia sẻ.
Thầy Đặng Văn Bửu. (Ảnh: NVCC)
Hình ảnh người giáo viên với cây nạng gỗ do bị thương tật ở chân từng khiến thầy Bửu mặc cảm tự ti, giờ là động lực cho nhiều thế hệ học trò phấn đấu vươn lên. 31 năm nơi ốc đảo nghèo, nhờ sự tận tụy và nhiệt huyết của thầy, môn Lịch sử trở thành những bài học sống động, ý nghĩa và tự hào đối với học sinh nơi đây.
Thầy Bửu cho biết, nhiều đồng nghiệp trẻ thường hỏi thầy kinh nghiệm để dạy tốt môn Lịch sử. Thầy thường trả lời rằng không biết mình đã dạy tốt hay chưa, nhưng thầy luôn dạy bằng cả khối óc và trái tim.
Những vất vả, mệt mỏi, những giọt mồ hôi và cả nước mắt đắng cay của người thầy bình dị ấy nay được lại bằng sự kính trọng, yêu thương của các thế hệ học sinh và phụ huynh trường THCS Hưng Phong. Và hạnh phúc của thầy trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chính là được nhìn thấy lớp lớp học trò khôn lớn, trưởng thành.